Vận tải công cộng còn yếu kém, sao lại thu phí ô tô vào nội đô?

01/11/2021 - 14:32

PNO - Thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là giải pháp nhằm hạn chế xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tại TP.HCM hay Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp chứ không thể đơn thuần là “chặn đường, thu phí”.

Không thể đơn thuần “chặn đường” thu phí 

Vấn nạn ùn tắc giao thông là tình trạng chung diễn ra ở nhiều đô thị do hệ thống hạ tầng giao thông chưa theo kịp với tốc độ gia tăng của các phương tiện giao thông. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã có các giải pháp như hạn chế xe cá nhân, thu phí xe vào nội đô, thúc đẩy vận tải công cộng như metro, xe buýt, đường sắt trên cao… Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa báo cáo UBND việc lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm sau khi Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (nhà đầu tư) đề xuất các cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai khép kín quanh khu vực Q.1 và Q.3 với vốn đầu tư 2.274  tỷ đồng.

 

Các chuyên gia cho rằng, trên nền tảng phương tiện công cộng còn yếu kém thì việc thu phí nội đô nhằm mục tiêu tránh ùn tắc là không khả thi
Các chuyên gia cho rằng, trên nền tảng phương tiện công cộng còn yếu kém thì việc thu phí nội đô nhằm mục tiêu tránh ùn tắc là không khả thi

Nếu thực hiện, thời gian thu phí sẽ từ 6 - 9g và 15 - 19g. Số tiền người dân phải trả khi lưu thông vào khu trung tâm là 40.000 đồng cho xe con, 70.000 đồng cho xe tải và xe khách (kể cả xe biển xanh nhằm đảm bảo sự đồng thuận của xã hội), không thu phí xe đi ra. Xe taxi có đăng ký tại TPHCM được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe.

Tương tự, ở phía Bắc, Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn là Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT (Trường đại học GTVT) vừa xây dựng phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Theo đó, có 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành với tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, chưa tính chi phí vận hành khai thác. Xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ là đối tượng chính phải thu phí. Mức thu được đề xuất từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt.

Sở GTVT Hà Nội và TPHCM đều đánh giá việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố là một trong những giải pháp kiểm soát việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng chủ trương thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng. Với đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cải thiện tình trạng giao thông là rất cần thiết.

Tuy nhiên, còn khá sớm để đánh giá nên hay không áp dụng phương án này bởi chưa có các tính toán thuyết phục. Muốn triển khai thu phí vào nội đô, trước hết, thành phố cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải. “Giải pháp nào cũng có ưu, nhược điểm nên chính quyền cần dựa trên dữ liệu cụ thể để xem xét. Nếu chứng minh được lợi ích vượt trội của việc thu phí mới nên triển khai” - ông Minh bày tỏ.

Khẳng định việc thu phí vào nội đô là giải pháp kinh tế để kéo giảm ùn tắc, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị lớn trên thế giới, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội - cho biết đề án này chỉ nên thực hiện khi các phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu đi lại của người dân. “Hiện nay, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của Hà Nội mới chỉ đạt 12% nên người dân buộc phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Nếu chỉ tiêu phương tiện công cộng chưa đạt được mà đã đặt ra việc thu phí thì liệu có khả thi không?” - ông Liên nêu vấn đề.

Vận tải công cộng tốt, người dân sẽ tự từ bỏ xe cá nhân

Ông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT - cho rằng các khu vực trung tâm như TPHCM, Hà Nội vẫn chỉ có một vài tuyến đường sắt đô thị, Metro và thiếu tính kết nối, trong khi xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng. Vì thế, xe máy, ô tô vẫn là phương tiện chính để người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại. “Nhà nước và các doanh nghiệp phải tăng cường xây dựng hệ thống giao thông công cộng để phục vụ người dân. Chỉ khi nào phương tiện công cộng phát triển tốt hơn, hạ tầng giao thông hiện đại lên thì người dân mới từ bỏ phương tiện cá nhân” - ông Thủy chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội - tính đến năm 2021, Hà Nội mới chỉ có hơn 120 tuyến buýt, một tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) và hai tuyến đường sắt đô thị chưa đi vào khai thác. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt 12%.

Theo kế hoạch, chỉ vài năm nữa Hà Nội sẽ thu phí vào nội đô, nhưng đến thời điểm hiện tại, những ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng để kiểm soát được phương tiện cá nhân thì… vẫn chưa thấy! Đơn cử như đường ưu tiên cho xe buýt được đề xuất từ năm 2016, nhưng đến nay chưa được thành phố chấp thuận thực hiện. “Nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì không cần cấm xe cá nhân, không cần thu phí phương tiện đi vào nội đô mà người dân sẽ tự từ bỏ xe cá nhân” - ông Thông nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng để người dân từ bỏ xe cá nhân, Hà Nội phải quyết tâm đầu tư vận tải hành khách công cộng phù hợp và theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt. Mặt khác, ông cũng góp ý thành phố cần thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, bến xe, bãi đỗ xe, cùng với sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức giao thông; cần có sự chuẩn bị kỹ cho phát triển vận tải hành khách công cộng, đảm bảo tính kết nối và các giải pháp đồng bộ về tổ chức giao thông khu vực, hạ tầng bãi đỗ, điểm giữ xe, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn đường sắt đô thị, xe buýt nhanh. Có như vậy, đề án thu phí xe vào nội đô nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân mới khả thi. 

Nam Việt 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI