Vân Quỳnh: Ra đi là để trở về

14/09/2015 - 07:24

PNO - Ba là nhạc sĩ Đắc Lân, mẹ là ca sĩ Vân Thảo ngay từ bé, Vân Quỳnh đã hát. Tuổi mới lớn, Vân Quỳnh ghi không ít dấu ấn về âm nhạc.

Van Quynh: Ra di la de tro ve
Vân Quỳnh và mẹ

Ba là nhạc sĩ Đắc Lân, mẹ là ca sĩ Vân Thảo của đoàn Bông Sen 2 nên ngay từ bé, Vân Quỳnh đã hát. Tuổi mới lớn, Vân Quỳnh ghi không ít dấu ấn về âm nhạc, đến mức người ta không ngạc nhiên với giải thưởng đặc biệt của cô tại cuộc thi Tiếng hát châu Á diễn ra tại Kazakhstan năm 2000.

Trở về Việt Nam sau hơn 10 năm định cư ở Mỹ, Vân Quỳnh làm lại từ đầu. Hành trang của cô là những trải nghiệm và va vấp, khiến cô như người luôn trong tư thế cảnh giác, mang lại cảm giác “lạnh” cho những ai tiếp xúc lần đầu, nhưng thật ra Quỳnh rất “ấm”. Và tiếng hát vẫn như xưa.

Nhiều năm về trước, ca sĩ Mỹ Linh - khi ấy vừa nổi lên như một ngôi sao - đã từng nói, hai gương mặt triển vọng nhất của nhạc Việt là Vân Quỳnh và Mỹ Tâm. Nhưng, nếu Mỹ Tâm dần dần tiến lên con đường của một ca sĩ nổi tiếng và gặt hái nhiều thành công, thì Vân Quỳnh lại rẽ sang lối khác.

Cha mẹ chia tay, Quỳnh và chị gái bị “chia đôi”. Vân Khanh - cũng là một ca sĩ ngày ấy - theo cha, Quỳnh theo mẹ. 17 tuổi, cái tuổi đẹp đẽ, nhiều mộng mơ lẫn tràn trề sinh lực và có một con đường nhiều hứa hẹn trước mắt, Quỳnh rời bỏ tất cả để theo mẹ sang Mỹ.

Dù đã chuẩn bị tâm lý và tự tin vào tuổi trẻ nhiều năng lượng để “đề kháng” được với những cú sốc, nhưng suốt bốn tháng đầu tiên nơi xứ người, Quỳnh lúc nào cũng chỉ một câu “Mẹ ơi, cho con về đi” trong nước mắt.

Cô nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ sân khấu. Xứ người quá xa lạ, không chỉ với cô. Mẹ chơi vơi, con gái chơi vơi. Công việc của mẹ không ổn định nên không thể dành nhiều thời gian cho con, Quỳnh càng rơi hụt vào khoảng trống.

Thời gian trôi đi, hai mẹ con quen dần với nếp sống nơi ấy, chỉ có nỗi cô đơn cùng cực là không sao quen được. Cú sốc văn hóa, sốc địa lý lẫn cú sốc lớn lao về cuộc chia tay của ba mẹ khiến Quỳnh rơi vào trầm cảm.

Sang Mỹ, Quỳnh học lại lớp 11. Học hết phổ thông, cô đăng ký thi về âm nhạc. Cô muốn nâng cao trình độ thanh nhạc, học hát opera. Một người quen của ba giới thiệu quán cà phê để Quỳnh có nơi thể hiện giọng ca. Tiếng hát của cô sau đó tìm được nhiều khán giả hơn số khách của quán.

Một trung tâm âm nhạc mời Quỳnh thử sức và cô trở thành ca sĩ. “Nhưng tôi thấy mình không thuộc về nơi đó dù rất cám ơn họ đã đưa mình đến với sân khấu lớn.

Tôi không chân dài, không có ngoại hình bắt mắt như tiêu chí của họ, lại ngờ nghệch trong ứng xử vì tuổi ấy tôi nào có biết gì. Dần dà chính tôi cũng nhận thấy mình không phù hợp”, Quỳnh kể.

Quỳnh rơi vào luẩn quẩn, loay hoay. Đi hát tiếp hay dừng lại? Quỳnh tự hỏi mình rất nhiều lần trong đêm khuya, nhưng không tự giải đáp được. Cơn luẩn quẩn cứ kéo dài theo năm tháng.

Thật ra, Quỳnh nói, nếu cô không có áp lực về việc mình đã không thành công, không làm được nhiều điều như mẹ mong muốn, có lẽ tâm trạng cô đã khá hơn. Nhưng trong những ngày dài, cảm giác bản thân vô dụng luôn xâm chiếm Quỳnh.

Cơn trầm cảm vì thế đến nhanh như cơn gió và cô đầu hàng. Không ai vỗ về, không nơi để trút vì mẹ còn bận mưu sinh, nhiều hôm Quỳnh đến thư viện ngồi cho hết ngày dài rồi lại lững thững đi về.

Đó là lý do khiến sau hai năm rưỡi học nhạc, Quỳnh chuyển sang học nghiên cứu về tâm lý xã hội - ngành học cho cô biết nỗi buồn và nhiều xúc cảm khác của con người đến từ đâu, như một cách đi tìm căn nguyên của chính mình.

“Tôi nghĩ là nếu mình hiểu mình một cách thấu đáo, sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn đó hơn”, Quỳnh nói. Cô không chỉ một lần trầm cảm. Sai lầm trong tình yêu - dù cô bây giờ đủ lạc quan khi nhìn lại để nói rằng sai lầm ấy đã cho cô thăng hoa hơn trong âm nhạc, cũng từng khiến cô ngã quỵ.

Một mối quan hệ đi đến hoạch định hôn ước lại vỡ tan vì người ấy không chấp nhận con đường cô đi. Nhưng, nhờ học về tâm lý, cô đã có thể tự mình đứng dậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI