PNO - “Hoa ban là biểu tượng của Điện Biên/ Vùng Tây Bắc biên cương/ Năm xưa có chiến công vang dội…”. Trở về từ hành trình Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ, thạc sĩ Phạm Thái Bình đã sáng tác bài Về Điện Biên theo thể điệu khốc hoàng thiên của nghệ thuật đờn ca tài tử. Chuyến đi để lại trong anh và hơn 100 văn nghệ sĩ TPHCM nhiều cảm xúc khó tả.
Cuối tháng Mười một, không hẹn mà gặp, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM cùng tổ chức 2 chuyến về nguồn cho văn nghệ sĩ (VNS). Tham gia hành trình Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM có hơn 100 VNS lão thành, có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực văn nghệ của TPHCM cũng như tích cực tham gia các chương trình phục vụ xã hội, vì cộng đồng. Chuyến hành trình Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại tỉnh Phú Yên có sự tham gia của 41 VNS từ 9 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM.
Văn nghệ sĩ TPHCM tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho biết: TPHCM rất coi trọng các chuyến đi về nguồn cho VNS. Đây là hoạt động truyền thống hằng năm nhằm kết nối lực lượng VNS TPHCM, hướng về những giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc. Trong đó, công tác tổ chức chú trọng trải nghiệm thiết thực, với các hoạt động tri ân truyền thống lẫn công tác xã hội. Điểm đến được chọn là những chiến khu xưa, nơi địa đầu Tổ quốc, nghĩa trang liệt sĩ, các địa bàn khốc liệt trong chiến tranh và vẫn còn khó khăn trong đời sống hôm nay. Qua đó, VNS có thể cảm nhận được những bài học lịch sử trong từng thớ đất, từng nhân chứng sống, cũng như thể hiện tấm lòng đối với những vùng đất còn nhiều gian khó.
“Trong hành trình Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ vừa qua, đoàn VNS TPHCM đã kêu gọi các đối tác và tự đóng góp được gần 750 triệu đồng kinh phí tặng quà cho bà con vùng biên giới, bà con bị ảnh hưởng vì cơn bão Yagi và các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn” - bà Ngọc Diễm cho biết.
Năm 2023, từ chuyến về nguồn tại Côn Đảo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã viết ca khúc Chiến sĩ vô danh; nhạc sĩ Thiên Lan phổ nhạc bài thơ Chị Sáu sống mãi với quê hương của tác giả Nguyên Hùng; các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung, Nguyễn Phước Toàn, Trần Hữu Minh tổ chức triển lãm ảnh chủ đề Côn Đảo vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc…
Hành trình Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ vừa kết thúc đã nhận được tác phẩm đờn ca tài tử Về Điện Biên của thạc sĩ Phạm Thái Bình; các bài thơ Đôi mắt Giàng A Cư, Mình về Điện Biên cùng hát khúc tráng ca, Cúi đầu ơn tạ hồn thiêng của nhà thơ Diễm Thuyên; một số bức tranh ký họa hoạt động của đoàn từ họa sĩ Lê Sa Long…
Lần đầu tham gia về nguồn cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hữu Quốc không khỏi xúc động. Anh cho rằng, các chuyến về nguồn không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà còn cả lòng trắc ẩn.
“Những câu chuyện thực tế qua các vùng miền sẽ góp phần tạo nên cái tình ở bên trong người nghệ sĩ. Cái tình đó cùng trải nghiệm sống có thể giúp tôi dàn dựng các chương trình đề tài cách mạng sâu hơn. Cái tình đó càng quan trọng đối với các bạn ca sĩ hay nghệ sĩ biểu diễn. Chỉ từ cảm xúc tích lũy bên trong mới giúp tiếng hát hay diễn xuất của các bạn thực sự chạm đến trái tim khán giả” - NSND Hữu Quốc chia sẻ.
NSND Hà Thế Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa TPHCM - nhận định: “Qua các chuyến đi, mắt thấy tai nghe nhiều điều, người nghệ sĩ cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị mà người Việt Nam phải luôn ghi nhớ và gìn giữ; từ đó, nâng cao giá trị thẩm mỹ, nhận thức về chân - thiện - mỹ trong quan điểm nghề nghiệp”. Thời gian qua, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM hay các hội chuyên ngành nói riêng, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM nói chung cũng chủ trương tạo cơ hội cho nhiều VNS trẻ tham gia về nguồn.
Khơi nguồn sáng tạo
Là một người con của núi rừng Tây Bắc, từng tìm hiểu và biết nhiều thông tin về chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng nghệ sĩ múa người H’Mông Sùng A Lùng (nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM) vẫn rưng rưng xúc động khi lướt qua từng hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. “Trước khi đến với Điện Biên, tôi từng tham gia các đoàn về nguồn đến Quảng Trị, Côn Đảo và nhiều địa chỉ đỏ khác. Lần nào cũng xúc động và tự hào. Những chuyến đi như thế này thực sự mang đến cho mọi người, đặc biệt là người trẻ, một cảm nhận rõ ràng về tinh thần yêu nước, thôi thúc bản thân phải làm cái gì đó để thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh của người đi trước. Với người nghệ sĩ, không gì thiết thực hơn phải sáng tạo và biểu diễn thật nhiều tác phẩm hay, những tác phẩm mang dấu ấn của thế hệ hôm nay, chứng minh với những người đã nằm xuống rằng chúng con đang làm rất tốt, nối tiếp tinh thần người Việt Nam yêu nước mà mọi người để lại” - Sùng A Lùng chia sẻ.
Tác phẩm tranh từ hành trình Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ của họa sĩ Lê Sa Long
Sùng A Lùng và các cộng sự đã thể hiện rõ tinh thần trên trong vở kịch múa Hoàng hôn. Được thai nghén từ trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ múa TPHCM vào năm 2022 tại Phú Yên, Hoàng hôn thể hiện lăng kính của người trẻ về thân phận phụ nữ trong chiến tranh. Đây cũng thuộc số hiếm tác phẩm múa được đánh giá cao về chất lượng lẫn khả năng tiếp cận khán giả. Các chuyến đi cũng mang đến cho Sùng A Lùng cảm hứng về đề tài người lính trong thời bình, về những người mẹ trên non cao, về những tác phẩm lan tỏa giá trị đẹp trong đời sống…
Với biên đạo Phan Gia Sươn, các hành trình về nguồn vô cùng quý báu giúp anh có thêm cảm hứng sáng tác, tác phẩm ra đời với hình ảnh và cảm xúc chân thực nhất. “Tôi may mắn có được những trải nghiệm không thể quên nơi Rừng Sác (Cần Giờ), nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), cột mốc ngã ba biên giới Đông Dương (tỉnh Kon Tum)… cũng như 3 lần đến với Trường Sa và 2 lần thăm vùng biển đảo Tây Nam. Đến nay, đã có 3 tác phẩm được biểu diễn quảng bá là: Tưởng nhớ các anh từ chuyến đi Rừng Sác; Biển đỏ Trường Sa về trận hải chiến Gạc Ma sau những lần đến Trường Sa và Nụ cười xanh về các chiến sĩ trồng rau trên nhà giàn khi đến vùng biển Tây Nam” - Phan Gia Sươn chia sẻ. Anh cũng cho biết, hành trình đến Điện Biên lần này cùng cảm xúc về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trước đây nhen nhóm trong anh ý tưởng về tiết mục mới, tạm gọi là “Đất ấm”, nhằm thể hiện chuyển biến tâm trạng của người đến viếng nghĩa trang liệt sĩ buổi chiều muộn.
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Duẩn cho biết: các chuyến về nguồn hầu như đều ảnh hưởng đến tác phẩm của mình: “Tôi xem mỗi chuyến về nguồn như một cuộc điền dã. Khi đến tận nơi, lắng nghe các nhân chứng thì câu chuyện của họ thường khác kịch bản trên giấy. Dù chính tác giả đã trải nghiệm, nghe nhân chứng kể rồi viết lại thì cảm nhận của mình khi đọc cũng không bao giờ bằng trải nghiệm thực tế. Như khi dựng vở kịch Câu hò đất mẹ, tôi phải về các di tích Ngã ba Giồng, nhà thương Giếng nước, ra Côn Đảo nhiều lần. Đứng trong chuồng cọp, thấy ánh sáng hắt từng vệt qua song sắt, tôi cũng đề nghị họa sĩ thiết kế sân khấu, đánh đèn để có được hình ảnh như vậy…”.
Sáng 11/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình phối hợp với trường THCS Hàm Nghi tổ chức chương trình “Hạo khí Cần Vương”.