NSND Đặng Hùng: Phát triển bền vững công nghiệp văn hoá đi đôi với con người
|
NSND Đặng Hùng |
Tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho Hội nghị Văn hoá Toàn quốc lần này bởi đây là cơ hội để cả nước nhìn lại những gì đã làm được, những gì cần cố gắng trong tương lai để đưa đất nước phát triển phồn vinh. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, cho thấy đây là sự kiện có tầm vóc của quốc gia. Vấn đề văn hoá đã dần được quan tâm đúng với vị thế mà chúng phải có. Điều tôi vui mừng nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: “Văn hoá còn là dân tộc còn”. Đó là kim chỉ nam để việc phát triển văn hoá càng được chú trọng trong thời gian tới.
Từ rất lâu, tôi đã nghe về khái niệm công nghiệp văn hoá trên sách báo, khi đến học tập, biểu diễn tại các nước bạn. Tuy nhiên, mãi đến những năm gần đây khái niệm này mới được nhắc đến trong nước. Tôi cho rằng việc phát triển văn hoá thành công là một trong những điều kiện cần để thúc đẩy sự phát triển bền vững của một quốc gia. Văn hoá là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút sự đầu tư, du lịch từ nước ngoài... Nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình này thành công, đóng góp lớn vào kinh tế. Lẽ ra, việc thực hiện công nghiệp văn hoá phải được tiến hành từ lâu.
Có nhiều mục tiêu cần thực hiện trong tương lai. Thứ nhất, việc phát triển công nghiệp văn hoá phải đi đôi giữa con người và kỹ thuật. Phải làm tốt cả hai yếu tố này, thật chuyên nghiệp mới hy vọng có thể tiến hành công nghiệp thành công. Trình độ chuyên môn của người làm văn hoá, truyền tải sản phẩm văn hoá đến công chúng phải được nâng nâng cấp.
Cần có chính sách để giúp phát triển đồng đều các lĩnh vực nghệ thuật. Hiện, có sự chênh lệch khá lớn giữa các mảng. Văn hoá, giải trí phải được nâng cấp. Văn hoá phải tiến bộ kịp khoa học kỹ thuật. Chúng ta phải làm sao để các sản phẩm văn hoá thu hút được sự tiêu dùng của công chúng. Khách hàng chỉ mua những dịch vụ họ cho rằng xứng đáng. Công nghiệp phải có thị trường tốt thì mới phát triển.
Thứ hai, về mặt xã hội, yếu tố đạo đức, văn hoá con người khiến tôi trăn trở nhiều trong thời gian qua. Tôi cho rằng việc đầu tư, xây dựng kinh tế là cần thiết nhưng việc xây dựng văn hoá, đạo đức con người cũng phải đặt song song. Trước nay, 2 vấn đề này còn khập khiễng. Con người là chủ thể của quốc gia, là nền tảng. Nền có vững thì việc xây dựng lên mới vững. Trong đó, việc phát triển văn hoá đúng tầm, đúng giá trị góp phần không nhỏ xây dựng con người. Cũng chính con người có đạo đức, văn hoá lại góp phần làm đẹp sự nghiệp phát triển văn hoá.
Tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng: Những chiến lược đường dài sẽ thiết thực
|
Tiến sĩ- NSƯT Hải Phượng |
Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 một lần nữa cho thấy rõ văn hóa thực sự được quan tâm, thu hút sự chú ý của toàn xã hội là một tín hiệu đáng mừng. Những người làm nghệ thuật chờ đợi những chiến lược xác đáng và thực tiễn nhất sẽ được nhanh chóng thực hiện ngay sau hội nghị.
Với đặc thù nghề nghiệp là âm nhạc dân tộc, những chủ trương và hành động cụ thể cho những cá nhân, tập thể có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc rất có ý nghĩa.
Hai năm qua dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến âm nhạc dân tộc nói riêng và tất cả các ngành biểu diễn nói chung như cải lương, kịch nói, tuồng, chèo… nếu mình không có những kế hoạch, chiến lược cụ thể, bài bản và nhanh chóng, có những loại hình nghệ thuật sẽ mất luôn thế hệ kế thừa.
Ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM: Nói phải đi đôi với làm
|
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM Lê Nguyên Hiều |
Có nhiều vấn đề được nói lại tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 mà tôi từng nghe trước đây, tại một số sự kiện văn hoá khác. Đáng lẽ, khi nói một vấn đề, chúng ta cần đi sâu hơn vào bản chất thay vì nói về những thành tựu. Sự kiện lần này được xem là một cột mốc lớn trong tiến trình phát triển của đất nước. Nhưng để hội nghị thực sự thành công và phát huy tối đa hiệu quả, tôi cho rằng, các đề án, chính sách, chương trình văn hoá cần đi vào đi vào cụ thể sau hội nghị.
Nhà sản xuất - diễn viên Hồng Ánh: Rút ngắn khoảng cách từ chủ trương đến thực tiễn
|
Nhà sản xuất-diễn viên Hồng Ánh |
Tôi hy vọng sau Hội nghị này khoảng cách từ chủ trương cho đến thực tiễn thực hiện mục tiêu phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp mũi nhọn được rút ngắn. Lâu nay việc đưa điện ảnh phát triển thành ngành công nghiệp mới dừng ở mức hô hào khẩu hiệu chứ chưa có lộ trình cụ thể để hiện thực hóa.
Để điện ảnh trở thành ngành công nghiệp phải đi kèm với việc phát triển công nghệ, đầu tư vào con người, đổi mới tư duy quản lý. Ở các nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, không chỉ Nhà nước mà các tập đoàn lớn cũng rất quan tâm đến phim ảnh. Sự quan tâm của Nhà nước với điện ảnh Việt còn khá dè dặt, còn những tập đoàn lớn thì không quan tâm vì không thấy được lợi nhuận trong lĩnh vực này.
Đạo diễn - nhà sản xuất Lương Đình Dũng: Chính sách hỗ trợ nhà làm phim sẽ giúp điện ảnh phát triển
|
Nhà sản xuất - đạo diễn Lương Đình Dũng |
Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 là một sự kiện rất hay, kịp thời. Hội nghị là dịp để ngành điện ảnh nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Phim ảnh có đặc thù ở tính tổng hợp, các khâu phải phát triển đồng bộ. Nhắc đến công nghiệp điện ảnh là liên quan đến công nghệ cao, liên quan đến kinh phí. Để ra đời một bộ phim hay thì không chỉ cần kịch bản hấp dẫn mà còn phải có một ê kíp giỏi và kinh phí tốt. Thông qua hội nghị này tôi mong sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các nhà làm phim và chính sách đầu tư vào công tác đào tạo.
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Cần có một cơ chế đối xử tương xứng với giá trị của văn học nghệ thuật
|
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm |
Có những nghịch lý cần phải nhìn thẳng, nhìn rõ mới mong thay đổi và phát triển toàn diện nhân cách con người trong giai đoạn hiện nay. Đó là kinh tế đất nước ngày một đi lên, đời sống vật chất ngày càng cao, nhưng vì sao văn hóa, nhân cách con người lại bước lùi. Ta vẫn nói văn học - nghệ thuật góp phần lớn trong sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và bồi đắp nhân cách, đạo đức con người nhưng vị trí của nhà văn, tác phẩm của họ đôi khi không được đối đãi tương xứng.
Tôi lấy làm buồn khi hiện trên các chương trình giải trí nhiều tới mức “bội thực”, nhưng cái hay cái đẹp thì ít, còn chọc cười vô bổ, nói chuyện tầm phào, tầm bậy thì nhiều. Một bộ phận được giới trẻ tung hô trở thành người nổi tiếng. Thế hệ tôi trong chiến tranh gian khổ là thế, nhưng tâm hồn con người được bồi đắp bởi những tác phẩm văn chương có giá trị, những trang viết đi vào lòng người, bởi văn chương được đối xử xứng đáng. Còn thời nay, ngôn ngữ nhàn nhạt, dễ dãi có nhan nhản trên mạng được giới trẻ tiếp thu và lan tỏa nhanh, ngày càng tạo ra một thế hệ sống nhanh, sống vội, sống ảo và hời hợt.
Ở góc độ một người cầm bút, kỳ vọng lớn nhất của nhà văn chính là cần Nhà nước xây dựng một thiết chế, cơ chế cho văn nghệ sĩ có một vị trí tương xứng với giá trị và những đóng góp của họ, tạo cơ hội cho họ cống hiến, sáng tạo. Cần phải đặt văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế đất nước, điều này ta đã nói nhiều, nhưng giữa việc làm với lời nói phải đi đôi với nhau. Tôi mong từ hội nghị lần này mọi chủ trương, đường lối sẽ được thực thi quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, đừng để Nghị quyết nói, viết thì hay nhưng thực hiện thì dở, không đi đến đâu cả.
Nhóm PV Ban VHVN (ghi)