Văn nghệ sĩ thắc mắc quyền lợi: Chuyện chẳng đặng đừng

28/09/2023 - 19:54

PNO - Tiền thưởng chính đáng của mình ắt mình phải được nhận, dù chậm trễ vì lý do gì đó, họ hoàn toàn chia sẻ, nhưng nay đã trễ hơn 4 tháng, việc họ thắc mắc hẳn là lẽ đương nhiên, không đáng bị phê phán.

Pháp lệnh về Giải thưởng Hồ Chí Minh được thực hiện theo Lệnh số 16-LCT/HĐNN do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký vào ngày 4/6/1985. Từ đó đến nay, đã nhiều tác giả tiêu biểu xứng đáng được trao giải thuộc các lãnh vực: Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn hóa dân gian và Văn học.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Có thể nói, đó là những tác phẩm, công trình đặc biệt xuất sắc, có ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân theo nhiều năm tháng.

Sau hơn 4 tháng sau, nhiều tác giả vẫn… chưa nhận được tiền thưởng
Sau hơn 4 tháng, nhiều tác giả vẫn chưa nhận được tiền thưởng

Nhìn chung, sự bình chọn này được thực hiện chỉn chu từ các cấp, do đó lâu nay, khi Nhà nước công bố, hoàn toàn không có điều tiếng gì về chất lượng tác phẩm lẫn tiền thưởng của người được chọn trao giải. Tuy nhiên, năm nay lại có chuyện “trục trặc” đáng tiếc.

Như chúng ta đã biết, ngày 19/5/2023 đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 được trao cho 128 tác giả, đồng tác giả, do Bộ VH-TT-DL chủ trì. Vậy mà hơn 4 tháng sau, nhiều tác giả phản ánh vẫn… chưa nhận được tiền thưởng.

Trả lời lý do tại sao, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 5448/BTC-HCSN ngày 29/5 gửi Bộ VH-TT-DL. Qua trao đổi với nhiều văn nghệ sĩ, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều lơ mơ về các vấn đề thủ tục, quy định của cơ quan chức năng.

Vậy, chuyện phải tháo gỡ thế nào, họ hoàn toàn ngắc ngứ, chỉ nghĩ một cách đơn giản: Tiền thưởng chính đáng của mình, ắt mình phải được nhận. Dù chậm trễ vì lý do gì đó, họ hoàn toàn chia sẻ, nhưng nay đã trễ hơn 4 tháng, e khó chấp nhận.

Mới đây trên Facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Văn Thọ - cựu chiến binh, chính thức lên tiếng công khai: “Đây là biểu hiện không tích cực, nó làm chúng tôi nghĩ tới sự không nghiêm cẩn thi hành chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đối xử, đãi ngộ với anh em văn nghệ sĩ, những người trong các cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng đất nước đã được Nhà nước xác lập công trạng để đãi ngộ...

Đạo lý và kinh nghiệm sống của văn hóa Việt Nam từ xưa vẫn cho rằng, người thọ trên 70, sức khỏe như ngọn nến lắt lay trước gió. Chúng tôi, trong đó có nhiều người thuộc nhóm đại thọ, tuổi trên 90 có nhiều bệnh tật do di chứng cuộc sống và chiến tranh, ngày ngày chờ đợi khoản tiền vinh dự này. Nó không chỉ là giá trị vật chất, mà còn mang ý nghĩa lớn lao về tinh thần, danh dự, muốn cho con cháu cùng biết, cũng để chút ít dung dưỡng tuổi già còn lay lắt”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với thái độ rạch ròi này, trong khi đó, một số tác giả khác lại e ngại, không lên tiếng, chỉ than thở lúc… trà dư tửu hậu. Tại sao? Đa số văn nghệ sĩ có tâm lý ngần ngại khi phải bàn đến chuyện tiền nong, dù số tiền đó có liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Chúng ta cảm thông cho sự e dè hết sức… văn nghệ sĩ, nhưng về dư luận công chúng lại khác. Hơn ai hết, chính chúng ta cần nhìn ra vấn đề bất cập này, mà lên tiếng. Thiết nghĩ đây là việc làm phải đạo, qua đó, còn góp thêm tiếng nói chấn chỉnh để giải thưởng năm sau tốt hơn.

Câu chuyện chúng ta đang bàn ở đây, không chỉ có thế. Bởi thật kỳ quái khi có tác giả lên tiếng thắc mắc về sự chậm trễ trao tiền giải thưởng, lập tức họ bị một số người “ném đá” thẳng tay. Cứ như thể, họ cho rằng đã là văn nghệ sĩ thì hãy chú tâm về văn hóa nghệ thuật, tập trung sáng tạo, nỗ lực cống hiến cho đời, chứ đừng quan tâm đến vấn đề của đời thường, cụ thể là tiền bạc, dù đó là số tiền mà văn nghệ sĩ đó hoàn toàn xứng đáng nhận, như một sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về tài năng, đóng góp. 

Suy nghĩ này là hoàn toàn không đúng. 

Thuở sinh thời, dù được công chúng phong tặng “Ông vua thơ tình”, nhưng thi sĩ Xuân Diệu vẫn nói thẳng: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ngay cả nhà văn hóa Phan Khôi khi viết bài cộng tác cho các báo từ Nam chí Bắc, ông cũng yêu cầu rõ ràng về thù lao nhuận bút…

Tất cả yêu cầu này, không sai. Vậy nên, chúng ta cần ủng hộ văn nghệ sĩ khi họ lên tiếng thắc mắc về quyền lợi chính đáng của mình.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI