Vạn nẻo giữ chồng

27/11/2018 - 12:00

PNO - Khi đến với nhau người đàn ông đã đủ trưởng thành, đâu còn là một đứa trẻ sốc nổi mà cần trông giữ. Hôn nhân đủ yêu thương thì tự khắc người đàn ông phải biết cách hành xử.

1. Hoàng là bạn thân của tôi. Hai vợ chồng bạn xứng đôi vừa lứa về mọi mặt. Vợ đẹp, con ngoan, kinh tế cũng tương đối tốt. Những tưởng chẳng cần phải lo lắng gì nhiều cho cuộc sống, thế nhưng lần nào gặp tôi, Hoàng cũng nhăn nhó về vợ. Có lẽ vì tôi thân nên Hoàng dốc bầu tâm sự. Càng ngày vợ Hoàng càng ghen tuông vô lối. Cô ấy quản lí chồng không khác gì đứa con nhỏ. Đi đâu làm gì, nhật kí điện thoại ngày nào cô ấy cũng kiểm soát...

Có những khi Hoàng bận tối mắt tối mũi vì công việc, vợ cứ reng reng điện thoại chỉ để hỏi xem sao vẫn chưa về, đi với ai, làm cùng ai, ở đâu? Những câu hỏi truy vấn kiểu ấy khiến có lúc Hoàng muốn nổi điên. Và cậu ấy nói rất thật: Tớ mệt mỏi khi về nhà lắm, đôi khi còn thấy sợ... Tôi không biết nói gì để động viên bạn.

Thực ra trước đây vợ Hoàng đâu có thế. Có lẽ nào khi kinh tế đủ đầy, chồng vừa độ chín chắn trưởng thành, cô ấy mới nhận ra cần phải giữ chồng một cách quyết liệt như thế chăng?

Van neo giu chong
Ảnh minh họa

 2. Nhà Tuấn thì lại khác. Vợ chồng Tuấn cùng công ty. Nhất cử nhất động của Tuấn vợ đều nắm rõ. Không thể phủ nhận rằng vợ Tuấn rất chiều chồng, cô ấy tháo vát nên mọi đối nội đối ngoại cô ấy không cần Tuấn phải bận tâm. Thế nhưng điều khổ sở với Tuấn là vợ quản lí tài chính chồng một cách chặt chẽ. Vì cùng công ty nên lương thưởng có bao nhiêu cô ấy nắm rõ như lòng bàn tay, Tuấn có muốn giữ cũng không thể. Quá đáng là mỗi ngày cô ấy chỉ “phát” cho chồng một trăm ngàn. Lập luận của cô ấy là “đàn ông có nhiều tiền chỉ sinh hư”. 

Tuấn nhiều lần nói anh cũng cần dằn tiền trong túi phòng khi có việc đột xuất, có khi xe hỏng dọc đường, có khi đi cùng anh em bạn bè thì một trăm ngàn giải quyết được vấn đề gì? Nhưng vợ Tuấn nhất mực không nghe. Cô ấy cho rằng vợ chồng đi làm cùng nhau, đi đâu hoặc có việc đột xuất cần tiền thì chạy sang chỗ vợ cũng được... Tuấn chỉ biết ôm đầu kêu trời. Nhiều lần anh em bạn bè trêu chọc, Tuấn muối mặt vì cái tính quản lý tài chính quá đà của vợ mình. Anh thực sự rất bực, nhưng để tìm ra cách trị vợ thì Tuấn vẫn chưa tìm ra. Vậy nên ngày nào nhận một trăm ngàn từ vợ, anh cũng ấm ức.

Van neo giu chong
Ảnh minh họa

 3. Lan là cô bạn làm chung với tôi. Đã có một thời cô ấy cũng khốn khổ với việc giữ chồng. Từng có lần cô ấy đi làm trong tình trạng mắt sưng húp, tinh thần suy sụp. Chồng Lan rất có trách nhiệm với gia đình, khổ nỗi không hiểu sao ra ngoài anh rất có sức hút với phụ nữ. Có những cô gái thậm chí nhắn tin nói cô ta không cần danh phận, chỉ cần tình yêu của anh ấy... Trông Lan thời gian ấy thật đáng thương. Mắt thâm quầng vì mất ngủ, thần sắc bơ phờ... mấy chị em làm chung hùa vào vừa tư vấn, vừa mắng mỏ để xốc lại tinh thần cho cô ấy.

Mỗi người một cách, nhưng cuối cùng quan trọng là Lan hiểu ra: Cô vật vã đau khổ thì chỉ khổ bản thân và khổ bọn trẻ. Quan trọng là chồng cô rất thương con và sẵn sàng chia sẻ việc chăm sóc con. Vậy nên Lan chuyển dần một số việc nhà cho chồng. Nay thì Lan nói em bận rồi anh đón bọn trẻ nha, mai thì em tăng ca, ngày kia thì em liên hoan cùng phòng, anh nghỉ thể thao một buổi về nấu gì cho con ăn... Những việc mà trước đó Lan ôm hết thì giờ cô chuyển dần cho chồng để anh bớt có thời gian bên ngoài. Bản thân Lan chăm chút hơn nên cô ấy đẹp lên trông thấy.

Lan không dằn vặt quản lí chồng nữa mà mặc kệ. Có những buổi tối cả nhà đang quây quần, Lan nghe điện rồi vội vã đứng lên nói có việc và váy áo xúng xính ra khỏi nhà... Chồng Lan bắt đầu thay đổi thái độ, anh quay sang giữ vợ hơn trước. Thậm chí những chỗ đông người, trước đây ít đi cùng thì bây giờ anh khăng khăng phải đi chung. Nghe người khác khen Lan dạo này xinh đẹp hẳn ra, anh có vẻ thích thú, nhưng cũng không quên cảnh cáo: Em mà có vấn đề gì thì liệu chừng... Lan giờ thảnh thơi và tự tin hẳn lên hẳn lên. Tổ ấm đang nguội cũng dần ấm lại.

4. Muôn vạn nẻo giữ chồng mà các chị em phụ nữ đã từng áp dụng. Người thành công, người không. Nhưng thiết nghĩ, khi đến với nhau người đàn ông đã đủ trưởng thành, đâu còn là một đứa trẻ sốc nổi mà cần trông giữ. Hôn nhân đủ yêu thương thì tự khắc người đàn ông phải biết cách hành xử. Tất nhiên thời gian sẽ làm cùn mòn bớt những ngọt ngào một thuở, nhưng nếu chín chắn thì hẳn người đàn ông cũng không có những giây phút ngoài luồng. Vậy nên, giữ chồng ra sao vẫn là một câu hỏi khó. Chi bằng người phụ nữ khi đã vun vén, toàn tâm toàn ý với gia đình, cũng nên dành thời gian yêu thương chính bản thân mình. Còn hôn nhân, đủ phúc thì sẽ đi được đến hết cuối cuộc đời.

                                                                                               Đinh Hương

Bạn có sợ mất chồng? Bạn đã biết yêu thương chính mình chưa? Bạn có ngày ngày nhìn chồng để sống, lấy chồng làm niềm vui nỗi buồn của bản thân? Bạn đã bao giờ thay đổi bản thân? Diễn đàn "Giữ mình hay giữ chồng" được Báo Phụ Nữ mở ra kỳ này để cùng bàn sâu hơn, đa chiều hơn về đề tài này. "Mất chồng chẳng sao cả, đánh mất chính mình mới là mất tất cả. Thay đổi để giữ mình, chứ không phải giữ chồng!" - Điều này thật sự có đúng không?

Bạn có những đồng cảm với đề tài này, hãy gởi bài về cho chúng tôi qua email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI