Vấn nạn tình cũ: Người lớn làm ơn tỉnh táo

11/10/2019 - 14:00

PNO - Theo dõi diễn đàn “Vấn nạn” tình cũ của Báo Phụ Nữ TP.HCM, khởi đầu từ bài viết “Anh vốn là của tui” số báo 101 ra ngày 20/9 và từ thực tế cuộc sống, con thấy tiếc cho nhiều mái ấm tan vỡ oan uổng.

Con là sinh viên, đáng tuổi con tuổi cháu của các nhân vật đang trong vòng xoáy của cái gọi là tình cũ được chia sẻ trên diễn đàn. Vì thế, con không lạm bàn đến sự lãng mạn, mức độ cảm thông hay chúc phúc cho những người nối lại tình xưa, mà con chỉ nhìn dưới góc độ những đứa bé bị đánh cắp hạnh phúc và sự yên ổn. 

Van nan tinh cu: Nguoi lon lam on tinh tao
Ảnh minh họa

Giới trẻ ngày nay không ích kỷ đến nỗi ngăn cản cha mẹ mình đi thêm bước nữa, nếu cha mẹ đã thực sự ly hôn hoặc người bạn đời chẳng may mất đi. Nhiều cô chú ngụy biện việc quan hệ ngoài luồng là do cuộc hôn nhân ở nhà không hạnh phúc, vợ/chồng tệ bạc, thiếu trách nhiệm.

Nhưng nếu đúng như thế thì vì sao cô chú lại không tích cực cải thiện? Và nếu không cải thiện được thì vì sao không mạnh dạn dứt bỏ? Vì sao không dọn mình cho trống chỗ? Vì con cái à? Lại thêm một lần ngụy biện để che giấu sự thật. Thực ra, không có câu trả lời nào đúng cho bằng một chữ “tham”. 

Hồi con học lớp Bốn, có lần mẹ trang điểm thật lâu, diện váy thật đẹp và sửa soạn cho con cũng thật rực rỡ. Rồi mẹ đưa con đến gặp người đàn ông bí ẩn. Chú mới từ nước ngoài về và mời hai mẹ con ăn tối ở một khách sạn sang trọng. Con thấy mẹ có biểu hiện khác với ngày thường, hay tỏ ra e ấp, thẹn thùng với chú. Mẹ dặn con đừng nói cho ba biết, nếu ba có hỏi thì nói đi ăn tối với mấy cô làm chung cơ quan mẹ. Mẹ và chú cũng giấu tiệt tên của chú.

Chú khá lịch sự, vui vẻ. Chỉ có một điều chú khiến con rất ấm ức khi bảo: “Đáng lẽ con là con gái của chú đó. Nếu chú không vì hoàn cảnh mà phải định cư nước ngoài, xa mẹ của con”. Dù lúc ấy, con không hiểu chú nói gì, nhưng rõ ràng con không thích câu đó, trong khi mẹ lại rất cảm động.

Van nan tinh cu: Nguoi lon lam on tinh tao
Ảnh minh họa

Con sụ mặt xuống, không ăn nữa, và lấy đũa gõ gõ vào chén để tỏ thái độ. Con đòi mẹ chở về nhà với ba. Rồi quên mất lời hứa với mẹ, con kể hết cho ba nghe chuyện gặp người đàn ông bí ẩn. Chẳng biết ba làm việc riêng với mẹ thế nào, mà mấy ngày sau con thấy mẹ buồn hiu, chẳng nói chẳng rằng. Một tối, mẹ ôm con khóc thút thít. Mẹ nói: “Cảm ơn con gái, cảm ơn ba đã giúp mẹ!”, rồi không giải thích gì thêm. 

Con chắc rằng mẹ đã lý trí vừa đủ để không bước qua ranh giới nghiệt ngã ấy. Vì lý trí, nên hôm đó mẹ đã lưỡng lự trước lời mời của người cũ và quyết định dắt con theo. Nhiều bạn không may mắn như con, khi cha mẹ các bạn đến với tình yêu bên ngoài một cách bất chấp. 

Hôn nhân tan vỡ đã đành, con cái còn xấu hổ, gia đình tan đàn sẻ nghé. Nếu là tình cũ, thậm chí là vợ chồng cũ, thì sự bất chấp kia càng được gia cố bởi cái lý cùn “tình cũ không rủ cũng đến”, hay “một ngày cũng nghĩa”. Nghĩa - là giúp nhau chứ không phải cuốn nhau vào vòng nhục dục tối tăm.

Kiều, một đứa bạn của con rất bất hạnh vì là con ngoài giá thú. Thực ra cha mẹ Kiều đã có một con chung là chị hai của Kiều, rồi ba Kiều cặp với một cô đến mang thai. Ông đòi ly hôn mẹ Kiều, kết hôn với cô gái đó để hợp thức hóa tình trạng hôn nhân và đăng ký khai sinh cho em bé. 

Ba Kiều sống với cô ta thời gian ngắn đã nhận ra không hợp, không yêu, không hạnh phúc. Thế là lại “tiếc của giời”, ông quay về thầm lén với mẹ Kiều trong lúc bà đang có cơ hội quen một chú kỹ sư đẹp trai. Rồi một đứa bé cũng chào đời trong cái bùng binh luẩn quẩn ghen tới ghen lui giữa hai người vợ đều chính thức, nhưng có “nhiệm kỳ” lệch nhau. Đứa bé đó là Kiều, một sản phẩm oan nghiệt của mối quan hệ phức tạp và dễ dãi. 

Dạ thưa, người lớn làm ơn lý trí được không? Các con khổ đã đành, người lớn trong cuộc tình cũ theo kiểu bất chấp cũng không có hạnh phúc vững bền đâu. Giống như ngậm trái thần kỳ vậy, đầu lưỡi sinh vị ngọt giả tạo, chứ còn vị chua, đắng, chát vẫn còn ở cuống họng và bào mòn ruột gan. 

Diệu Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI