Vấn nạn súng ống ở Nam Phi

03/03/2013 - 16:15

PNO - PNO - Người dân Nam Phi cũng như làng thể thao thế giới sững sờ khi hay tin Oscar Pistorius bắn chết bạn gái của mình tại nhà riêng. Vụ việc này thêm phần khẳng định tình trạng lạm dụng súng, và gia tăng tội ác ở Nam Phi.

Pistorius đã là niềm tự hào của thể thao Nam Phi vì anh là người không chân đầu tiên trên thế giới được Ủy ban Olympic Quốc tế cho phép tham dự Olympic 2012 ở London.

Van nan sung ong o Nam Phi

Pistorius tại tòa án (ảnh: MSN)

Trong những lời khai trước tòa, Pistorius khẳng định sau khi nghe tiếng động lạ trong nhà tắm vào giữa khuya, anh tưởng nhầm cô bạn gái (người mẫu Reeva Steenkamp) là kẻ gian đột nhập vào nhà nên đã bắn chết cô. Tòa án đang xem xét lời khai để xác định Pistorius ngộ sát hay cố sát Reeva, nhưng những chứng cứ thu thập được tại hiện trường khiến cảnh sát nghiêng về giả thuyết Pistorius đã chủ động bắn chết cô bạn gái của mình bằng khẩu súng 9 ly vì không thể kìm nén cơn giận dữ do ghen tuông.

Phán quyết nguyên nhân cái chết của Reeva Steenkamp là chuyện của tòa án. Điều người dân Nam Phi lo lắng vào lúc này là trường hợp Pistorius thêm một lần nữa khẳng định việc lạm dụng súng và tội ác ngày càng gia tăng với mức độ đáng báo động .

Van nan sung ong o Nam Phi

Pistorius và bạn gái Reeva trước khi anh bắn chết cô tại nhà mình (ảnh: AFP)

Van nan sung ong o Nam Phi

Pistorius - Niềm tự hào của thể thao thế giới (ảnh: internet)

Người dân Nam Phi luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị kẻ gian đột nhập vào nhà. Trong năm 2012, hơn 50% người dân Nam Phi cho biết là họ luôn sống trong tình trạng lo lắng nhà mình sẽ bị đột nhập. Số vụ đột nhập nhà trái phép tại đất nước 50 triệu dân này đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Trong năm 2002-2003, số vụ trộm cướp tại nhà riêng của người dân được báo cáo là 9.063, đến năm 2010, con số này lên đến 18.786. Đến cuối năm 2012, con số này tuy đã giảm một ít, còn16.766, nhưng đó vẫn còn là thực trạng đáng lo sợ.

Trước tình hình tội ác gia tăng đến mức nghiêm trọng như vậy, thật dễ hiểu khi nhiều người tìm cách tự cứu mình trước khi chờ cảnh sát cứu. Dễ dàng nhất là tự trang bị vũ khí cho mình và gia đình. Theo một nghiên cứu của Gunpolicy, tổ chức nghiên cứu về việc sử dụng súng ở Nam Phi, số giấy phép sử dụng súng cá nhân ở nước này đã tăng chóng mặt. “Nỗi lo về việc nhà mình bị bọn cướp đột nhập là hoàn toàn chính đáng. Hầu hết những nạn nhân các vụ đột nhập đều bất lực trong việc tự vệ” - một thành viên của tổ chức Gunpolicy nhìn nhận.

Tuy các khu dân cư đều có nhân viên bảo vệ trang bị súng tuần tra thường xuyên, nhưng nhiều người cho rằng tốt nhất là họ tự mua súng để bảo vệ chính mình.

Thêm một điều có lẽ chỉ diễn ra ở Nam Phi: khi kẻ gian đột nhập vào nhà người khác, thứ mà hắn ta tìm trước tiên là súng chứ không phải các vật dụng đắt tiền khác. Là một trong những quốc gia có số người sở hữu súng cá nhân nhiều nhất thế giới, Nam Phi có chính sách sử dụng súng cá nhân rất nghiêm nhặt. Tại nước này, không dễ gì có được giấy phép sử dụng súng cá nhân hợp lệ. Dù vậy, người ta rất dễ mua được súng ngoài thị trường “đen”. Đó là lý do mà một tên cướp đột nhập nhà người khác đã mừng rỡ “hơn bắt được vàng” khi hắn ta tìm thấy…súng.

Để có thể hiểu “nền văn hóa súng ống” của người dân Nam Phi, phải trở lại thời kỳ trước khi chế độ phân biệt chủng tộc cáo chung. Lúc đó người da màu bản địa xem súng là phương tiên duy nhất giúp họ chống lại những người da trắng nắm quyền hành trong mọi lĩnh vực của đời sống. Thói quen sử dụng súng đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người Nam Phi, dù da trắng hay da màu. Mãi đến khi người da màu giành được quyền cai trị đất nước vào năm 1994, sử dụng súng dù hợp pháp hay không đối với người dân Nam Phi vẫn là lựa chọn mà họ cho là đúng đắn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của chính mình.

Không thể hy vọng việc sử dụng súng cá nhân sẽ giảm xuống trong tương lai gần ở Nam Phi. Do đó, những cái chết như trường hợp Reeva Steenkamp sẽ còn diễn ra không ít.

THIỆN NGA (Theo CNN)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI