“Vấn nạn” sinh viên nợ chuẩn ngoại ngữ đầu ra

25/11/2013 - 15:34

PNO - PNO - Nhằm nâng chuẩn chất lượng nhân lực đào tạo, tiếp cận với chuẩn trình độ khu vực và thế giới, hiện nay các trường ĐH-CĐ đều xây dựng chuẩn ngoại ngữ đầu ra cho SV (thấp thì TOEIC 350, cao thì B1).

edf40wrjww2tblPage:Content

Điều này vô hình chung khiến không ít SV vì thiếu định hướng, kế hoạch học tập ngoại ngữ từ những năm đầu nên khi sắp ra trường phải cuống cuồng tìm mọi cách “chạy” chứng chỉ theo chuẩn, nhằm hoàn thành tốt nghiệp.

Ngoại ngữ - "món nợ" nhiều SV trót "vay"

Hiện nay chưa có một phân tích cụ thể về giáo trình Anh ngữ, phương pháp giảng dạy cùng đội ngũ GV mà các trường ĐH-CĐ đang áp dụng để giảng dạy cho SV. Vì sao SV Việt Nam sau 4 năm học, vốn liếng Anh ngữ vẫn lơ mơ, thậm chí là bằng không chỉ sau một thời gian ngắn bỏ quên, không sử dụng. Tuy nhiên, có một thực tế được chính các nhà tuyển dụng (DN) phản ánh: gần 50% SV ra trường yếu ngoại ngữ. Vấn đề SV yếu ngoại ngữ tuy không mới. Nhưng lại là nghịch lý nếu biết rằng tại các trường ĐH-CĐ hiện nay việc học tiếng Anh được thực hiện ngay từ những năm đầu tiên bằng hệ số tín chỉ và thời lượng học tương đối lớn (6-8 tiết/tuần). Với SV chuyên ngành, việc học và rèn luyện khả năng Anh ngữ còn nhiều hơn, đa dạng hơn nhưng khi ra trường, khả năng tiếng Anh của SV vẫn yếu. Nguyên nhân vì sao?

“Van nan” sinh vien no chuan ngoai ngu dau ra
Một trong nhiều trang web làm "dịch vụ" bằng giả

Theo Trần Hoàng Quyên, SV năm 4, khoa Quy hoạch đô thị, trường ĐH Kiến Trúc TPHCM, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do SV ngại giao tiếp ngoại ngữ, kể cả trong giờ học môn này. Nhiều bạn còn cho rằng mình không đủ vốn từ, không đủ trình độ để giao tiếp nên khi nói ra sợ bị sai hoặc sợ mọi người cười. Bởi thế, dù hiểu được lời giáo viên, bạn bè nói nhưng nhiều SV vẫn kiên quyết im lặng theo kiểu… “im lặng là vàng”. Các giảng viên thấy SV tự ti, ít giao tiếp ngoại ngữ cũng đâm ra ngại nói nhiều, lâu dần thành quen nên khả năng giao tiếp rất yếu.

Bàn về vấn đề này, TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Nông Lâm cho rằng: “Việc SV ra trường nhưng vẫn không được lấy bằng vì nợ chuẩn ngoại ngữ phần lớn là do ý thức tự học, tự giác của các em chưa cao. Nhiều SV “mắc nợ” vì tâm lý chủ quan, đợi nước đến chân mới nhảy nên nhảy không kịp, khóa 2008-2012 có 21,8% SV chưa có chuẩn B1. Mặt khác, có một thực tế không thể phủ nhận là trình độ và kiến thức Anh ngữ nền của một số SV, đặc biệt là SV nông thôn rất thấp nên khi các em thiếu sự cố gắng, việc đạt chuẩn B1 (theo khung tham chiếu châu Âu) theo quy định chỉ trong thời gian ngắn (chỉ lo học vào năm 4) là không dễ dàng. Vì thế, các em cần xác định rõ vị trí của môn học ngoại ngữ ngay từ đầu năm học, nhằm tránh tình trạng “nợ” sau khi ra trường”.

Nói đến việc học trả nợ chuẩn ngoại ngữ, nhiều SV tỏ ra ngán ngẩm vì thi hết lần này đến lần khác vẫn không qua vì năng lực có hạn. Nguyễn Thị Loan, SV trường ĐH Luật TPHCM dù đã tốt nghiệp hơn một năm nay nhưng chưa thể lấy được bằng vì vẫn nợ chứng chỉ ngoại ngữ (TOEIC 450), than thở: “Không biết đến bao giờ em mới trả xong nợ để lấy bằng tốt nghiệp Đại học. Học hoài, luyện hoài mà thi mãi vẫn không đậu. Em vừa đăng ký theo luyện TOEIC tại Trung tâm Việt-Mỹ, hy vọng lần tới sẽ trả được nợ”.

Tương tự nỗi khổ “nợ” chuẩn tiếng Anh như Loan, SV Đàm Thị Hải T, khoa Z, trường ĐH Lạc Hồng đang tìm đủ cách để kiếm chứng chỉ TOEIC 400 “trả nợ” để lấy bằng. “Thi 3 lần rồi mà chẳng lần nào em vượt ngưỡng 370 điểm, vậy mà trường yêu cầu 400 điểm thì làm sao em lấy nổi. Nợ mấy môn khác, môn nào cũng trả nợ xong, có mỗi môn ngoại ngữ thi hoài không được. Em đang nhờ cậy mấy đứa bạn xem có cách nào để lấy được cái TOEIC 400 cho đỡ mệt. Chứ cứ treo bằng ở trường mãi biết đến bao giờ mới xin được việc làm. Thật khổ sở với cái chuẩn Anh ngữ này” - T. ngao ngán nói.

Theo TS Nguyễn Khắc Khiêm - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hàng Hải Việt Nam: “SV yếu ngoại ngữ do quy trình đạo tạo, phương pháp giảng dạy chỉ là một phần, nguyên nhân chính chủ yếu vẫn do sự lười biếng và thiếu quyết tâm rèn luyện của các em. Với mức chuẩn TOEIC 350-400 như hiện nay tôi nghĩ không hẳn là quá khó nếu SV chịu học”.

Học không được thì “chạy”

Khi học để “trả nợ” chuẩn ngoại ngữ gần như là không thể, nhiều SV đã tìm đến con đường khác để bấu víu hy vọng. Người tỉnh táo thì chọn những khóa luyện tiếng Anh tại các trung tâm anh ngữ danh tiếng nhằm tích lũy vốn kiến thức, khả năng giao tiếp và cả kinh nghiệm thi. Người không có thời gian, biết bản thân khó đạt ngưỡng chuẩn mà trường đang quy định thì tìm cách đi “cửa sau”, chạy chọt, nhờ thi hộ, thậm chí là mua chứng chỉ nhằm lấy được bằng tốt nghiệp. Từ câu chuyện “chạy” để “trả nợ” không ít chuyện cười ra nước mắt.

SV N.K.L, người vừa bị trường ĐH Luật TPHCM phát hiện sử dụng phiếu báo điểm giả của IIG Việt Nam, lo lắng nói: “Biết là sai nhưng không còn cách nào khác nên tôi đành làm liều, giờ bị trường phát hiện tôi đang rất hoang mang. Có lẽ tôi sẽ bị đuổi học hoặc đình chỉ học. Nhưng thật sự tôi vẫn mong điều tồi tệ không xảy ra để có cơ hội chuộc lại sai lầm”. Trường hợp của Ng.T.K, SV trường ĐHKHXH&NV TP.HCM đã bị buộc thôi học một năm vì đã nhờ người khác thi hộ trong kỳ thi lấy chứng chỉ B do Trung tâm Anh ngữ của trường tổ chức. Ngoài hệ lụy gây ra cho bản thân mình, K còn là nguyên nhân mang đến phiền phức cho người bạn thân của mình (cũng bị đình chỉ một năm) do đã thi hộ K.

Mới đây, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM phát hiện 10 trường hợp thi hộ khi kiểm tra chứng chỉ ngoại ngữ do SV nộp và một trường hợp nghi dùng chứng chỉ giả, cho thấy sự phức tạp của việc quyết tâm thực hiện chuẩn ngoại ngữ đầu ra của các trường. Th.S Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Chính trị-Sinh viên xác nhận thông tin trên và cho biết những trường hợp thi hộ, dùng bằng giả sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Dù mức kỷ luật có thể là cấm thi tốt nghiệp, đình chỉ học tập nhưng vì biết khó có thể lấy được chứng chỉ nên không ít SV vẫn liều nhờ người thi hộ, thậm chí là tìm mua chứng chỉ giả để nộp cho trường.

Nắm và hiểu được những “bài” SV có thể dùng để đối phó với việc học tập và đáp ứng các chứng chỉ văn bằng theo quy định, nhiều trường ĐH hiện nay đều thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm ngặt công tác coi thi, rà soát và thực hiện hậu kiểm với các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ mà SV cung cấp. Dù các trường đã xiết chặt kỷ luật, nhưng dạo qua các diễn dàn học thuật, các trang web chuyên cung cấp bằng ĐH giả, chứng chỉ các loại, chúng tôi vẫn thấy có không ít lời rao cần tìm gấp chứng chỉ Anh ngữ của nhiều SV, nhằm qua mặt nhà trường.

Tại các trang web lamchungchigiare…,lamchungchiacb, nhan nhản những lời rao nhận làm chứng chỉ tin học, Anh ngữ các loại với hứa hẹn: Chứng chỉ đảm bảo có hồ sơ gốc, dấu đỏ, tem nên công chứng thoải mái. Thủ tục đơn giản, thời gian làm chứng chỉ nhanh chóng chỉ từ 2 đến 3 ngày. Tại diễn đàn sinhvien…net còn có hẳn một lời rao tìm mua gấp chứng chỉ TOEIC kèm dòng giới thiệu nhân thân: “Em hiện là SV năm cuối một trường ĐH. Sắp ra trường nhưng vẫn đang nợ chứng chỉ TOEIC 450. Bác nào lo được cho em (bao công chứng, hậu kiểm) càng tốt, giá cả cứ báo qua mail anhqan@...cho em.”

Nói về chuyện SV “chạy” chứng chỉ ngoại ngữ, trả nợ để lấy bằng tốt nghiệp Đại học, thầy Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo trường ĐHKHXH&NV TP.HCM nói: “Ý thức kém, không chịu học hỏi, chờ khi nước đến chân mới nhảy thì làm sao SV có thể nhận được chứng chỉ này hoặc bằng cấp nọ. Không có kiến thức thực sự thì dù có làm gì cũng khó đạt được những chứng chỉ do nhà trường quy định. Trong thời gian qua, trường có phát hiện một vài trường hợp dùng chứng chỉ hay bằng cấp giả và đã xử lý nghiêm minh, kịp thời”.

TIẾN NGUYỄN 

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh EBM được công bố trong hội thảo “Dạy tiếng Anh không chuyên cho sinh viên CĐ-ĐH” do trường ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 31/10:

- Có đến 25% SV không thích học ngoại ngữ. Trong đó chỉ hơn 65% SV không chuyên ngoại ngữ thấy được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh.

 Số còn lại không xem tiếng Anh là cần thiết trong nghiên cứu học tập, chủ yếu “bám” giáo trình tiếng Việt. Đặc biệt, ngay cả giảng viên cũng ít yêu cầu SV nghiên cứu tài liệu nước ngoài. SV xa lạ với các hội thảo chuyên ngành, ít gặp gỡ bạn bè quốc tế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI