PNO - Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát hiện nhiều vụ môi giới hôn nhân (MGHN) bất hợp pháp (BHP) với người nước ngoài, nhưng hầu hết đối tượng lại là người các tỉnh.
Đây là thực tế mà gần 50 cử tọa tham dự hội thảo Đánh giá hoạt động tư vấn pháp luật, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại TP.HCM chiều 20/6 cùng trăn trở.
Bà Bùi Thị Hòa - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì hội thảo - khẳng định: “TP.HCM là đơn vị làm tốt nhất công tác tư vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài (KHCYTNN) hiện nay. Trong đó, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình của Hội hoạt động hiệu quả, bài bản, là điển hình mà các tỉnh thành khác phải học tập. Không chỉ làm công tác tư vấn, tổ chức dạy tiếng, văn hóa nước bạn, Trung tâm còn theo dõi tình hình, kết quả của từng cuộc hôn nhân; nhưng nhìn lại tình trạng HNCYTNN hiện nay, phải chăng chúng ta chỉ mới làm được phần ngọn?”.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Ngân, Đội phó đội An ninh Công an Q.Tân Bình, các vụ việc MGHNBHP xảy ra trên địa bàn quận đều liên quan đến người ngoại tỉnh. Bà Ngân thông tin: “Các nạn nhân trong những vụ MGHN có tuổi đời còn rất trẻ, trung bình 18-25 tuổi và hầu như có cùng nguyện vọng “lấy chồng nước ngoài để đổi đời, dù một chữ bẻ đôi tiếng nói của quê chồng cũng không biết”.
Bà Lê Thị Thu Trà - Phó trưởng phòng Tư pháp Q.Tân Bình, khẳng định: “PN thường trú tại Q.Tân Bình kết hôn với người nước ngoài rất ít. Từ ngày 1/1/2016 đến nay, phòng chỉ giải quyết 63 hồ sơ, trong đó có một hồ sơ của PN thường trú tại Q.Tân Bình lấy chồng Hàn Quốc, bốn trường hợp lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan, còn lại đều kết hôn với Việt kiều ở Mỹ. Dù theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đăng ký kết hôn không phải qua bước tư vấn, nhưng qua quan sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đôi nam nữ đến đăng ký kết hôn đều có vẻ thông hiểu nhau, biết tiếng nói của nhau… Do đó, việc tư vấn đối với những trường hợp này không cần thiết”.
Cùng nhận định, ông Vũ Thái Hùng - Phó trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật của Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, trước đây, khi Luật Hộ tịch chưa ban hành, qua khâu phỏng vấn, Sở Tư pháp TP.HCM là đơn vị từ chối hồ sơ đăng ký KHCYTNN nhiều nhất trong cả nước. Các hồ sơ bị từ chối hầu hết do nghi ngờ có bàn tay MGHNBHP như chênh lệch giữa vợ/chồng trên 20 tuổi; hai bên không thông hiểu tiếng nói của nhau; vi phạm thuần phong mỹ tục…
Quang cảnh hội thảo
Tuy nhiên, có thể nói đây là một khâu khá cảm tính trong thủ tục đăng ký kết hôn. Có trường hợp bị từ chối kết hôn với người này, người phụ nữ đó lại tiếp tục xin đăng ký kết hôn với người đàn ông nước ngoài khác… Theo ông Hùng, vấn đề cần các cấp, ngành, đặc biệt là Hội LHPN chung tay, tiếp sức là tuyên truyền phòng, chống mua bán người, chống MGKHBHP, đặc biệt là tại các khu dân cư.
Trung tá Phan Văn Tặng, Đội phó Đội 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM khẳng định, trong các vụ PN Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, nguy cơ bị mua bán rất cao. Ông dẫn chứng hàng loạt vụ việc các nữ thanh niên ở đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh bị MGKHBHP, sau đó bán lại cho những người đàn ông Trung Quốc với giá 200 triệu đồng/ người. Muốn thoát thân, mỗi cô phải cầu cứu gia đình xoay xở cho được ít nhất 20 triệu đồng mới có thể quay về nước. Thậm chí, trong ba vụ PC45 can thiệp gần đây, có trường hợp một PN bị bán qua Trung Quốc làm nô lệ tình dục cho sáu người đàn ông ở nước này.
Ngoài Trung Quốc, từ năm 2011 đến nay, PC45 đã xác minh nhiều vụ việc liên quan đến mua bán người qua cả Malaysia, Singapore, Nga, Ghana… PC45 đã truy tố một số vụ mua bán người qua Malaysia làm mại dâm, một vụ mua bán trẻ em. Theo ông Tặng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này rất khó khăn vì trong các vụ rõ ràng phạm tội mua bán người thì cả nạn nhân và đối tượng đều đang ở nước ngoài, PC45 không có điều kiện điều tra; các trường hợp còn lại không có dấu hiệu mua bán người, hoặc nạn nhân khi trở về Việt Nam không đến cơ quan khai báo. Đại diện các cơ quan công an tham dự hội thảo còn cho rằng, việc phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/ NĐ-CP của Chính phủ hiện nay chưa đủ răn đe. Mức phạt tiền từ 2 đến 25 triệu đồng là quá nhẹ.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, chia sẻ: “Hội LHPN TP.HCM sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, như mở rộng kênh thông tin, giúp PN, người lao động nhập cư tiếp cận được những tin tức, nguy cơ của việc MGHNBHP, giúp họ hiểu và có kiến thức về việc phòng, chống mua bán người; tư vấn đến nơi đến chốn với những đối tượng có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài”. Bà Phương Hoa cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, Quốc hội ban hành những quy định pháp luật chặt chẽ hơn, đồng thời Hội LHPN Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác truyền thông, tư vấn cho PN ở các tỉnh thành về vấn đề KHCYTNN và buôn bán người. Nếu chỉ mình TP.HCM thì dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể ngăn được “làn sóng” cô dâu Việt từ các nơi “tập kết” về đây để lấy chồng ngoại, khi học vấn và nhận thức của họ vẫn còn hạn chế.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP.HCM, trong 5 năm gần đây, số PN ở TP.HCM kết hôn có yếu tố nước ngoài đã giảm, chỉ còn khoảng 2.000 trường hợp/năm. Tuy nhiên, trong năm 2015, Sở này đã giải quyết đến 9.104 hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Qua phân tích, số PN thực chất là công dân sinh sống lâu năm và có hộ khẩu chính thức tại TP.HCM đăng ký kết hôn với người nước ngoài không nhiều.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.