Vấn nạn buôn bán cô dâu ở Trung Quốc

11/11/2019 - 16:00

PNO - Phụ nữ và trẻ em gái thường bị những kẻ môi giới lừa gạt bằng lời hứa cung cấp việc làm lương cao. Chỉ đến khi sang Trung Quốc, họ mới biết mình bị bán cho các gia đình bản địa với giá từ 3.000-13.000 USD.

Chính sách một con của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1979-2015, đã khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy nếu họ chỉ được phép có một con thì đứa trẻ đó phải là con trai. Chính sách này đã dẫn đến một thảm họa nhân khẩu học: số nam giới ở Trung Quốc hiện nhiều hơn số nữ giới khoảng 30 đến 40 triệu người.

Van nan buon ban co dau o  Trung Quoc
Một thiếu nữ nước ngoài bị bán sang Trung Quốc - Ảnh: HongkongFP

Theo tạp chí The Diplomat, tổ chức Human Rights Watch đã điều tra hoạt động buôn bán cô dâu từ miền bắc Myanmar vào Trung Quốc. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái thường bị những kẻ môi giới lừa gạt bằng lời hứa cung cấp việc làm lương cao bên kia biên giới. Chỉ đến khi sang Trung Quốc, họ mới biết mình bị bán cho các gia đình bản địa với giá từ 3.000-13.000 USD. Sau khi được mua, họ có thể bị giam giữ và ép phải sinh con càng sớm càng tốt. Những câu chuyện tương tự đã được các nhà báo và chuyên gia nghiên cứu ghi nhận ở Campuchia, Triều Tiên, Pakistan, Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã dễ dàng bỏ qua vấn đề này nhưng điều đó đang thay đổi. Ngày càng có nhiều sự quan tâm hơn đối với hoạt động buôn bán cô dâu trên các phương tiện truyền thông, và danh sách các quốc gia có nạn nhân nhận thức rõ hơn về vấn đề này cũng ngày càng tăng, gần đây nhất là Pakistan, khi bằng chứng về hoạt động buôn bán cô dâu xuất hiện vào đầu năm nay. Những vấn đề với dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, với tên gọi “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, đã gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước đối tác, cùng những thông tin về hoạt động buôn bán cô dâu đôi khi khiến cho các mối quan hệ trở nên phức tạp hơn.

Các phản ứng của Trung Quốc gần đây cũng khác nhau. Vào tháng Sáu, Bộ Công an Trung Quốc, cho biết năm ngoái, họ đã giải cứu được 1.100 phụ nữ Đông Nam Á là nạn nhân buôn người và bắt giữ 1.322 nghi phạm, trong đó có 262 người nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cũng đã hợp tác với nhà chức trách Pakistan để nhanh chóng bắt giữ một số nghi phạm buôn người ở quốc gia Nam Á này.

Giới chức tỉnh Vân Nam giáp biên giới Myanmar gần đây đã chia sẻ một số dữ liệu về những nỗ lực chống buôn người của họ. Trung Quốc cũng đã xúc tiến hoạt động tuyên truyền nhằm cải thiện hình ảnh toàn cầu của họ. Chẳng hạn, một bài báo gần đây đăng trên ấn phẩm do chính phủ Trung Quốc tài trợ ở Myanmar đã mô tả “con đường hạnh phúc và dễ chịu” mà một phụ nữ Myanmar đã trải nghiệm sau khi kết hôn ở Trung Quốc. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI