Văn minh từ nhận thức biết ca hát đúng nơi, đúng chỗ và tử tế

18/03/2023 - 07:22

PNO - Nói đến một trong những điều phiền toái lớn nhất của xã hội hiện nay, không thể không nhắc đến vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn từ những chiếc loa của dàn karaoke.

Họ đã tạo ra tiếng ồn quá mức mà không quan tâm đến những phiền toái, những cảm giác dồn nén khó chịu, phá nát quyền được sống yên tĩnh lẽ ra nên có của cộng đồng. Họ bào mòn sức khỏe. Họ gia tăng thêm ức chế. Phá nát giấc ngủ người già. Gây ảnh hưởng không đáng có đến sự tập trung học hành của trẻ con.

Tôi cho rằng, những người yêu thích karaoke có thể hát nguyên ngày xuyên đêm nếu điều đó khiến họ vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng họ phải có trách nhiệm và thể hiện sự tôn trọng đối người xung quanh bằng qui tắc: Mình vui nhưng đừng gây phiền toái đến ai.

Một công bố của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra các dữ liệu cảnh báo với nhiều con số làm chúng ta không khỏi giật mình. Cụ thể, đến năm 2025, gần 2,4 tỷ người tức tương đương ¼ dân số toàn cầu sẽ gặp phải các vấn đề về thính giác ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có khoảng 700 triệu người sẽ cần đến việc trợ giúp việc phục hồi chức năng nghe. Thêm vào đó, sẽ có hơn 1 tỷ người trẻ có nguy cơ bị mất khả năng nghe vĩnh viễn, do phải đối mặt với các tiếng ồn theo đơn vị dB (decibels) vượt ngưỡng chịu đựng và an toàn.

Trong tiếng Đức có một từ gọi là “Ruhezeit”. Nghĩa là khoảng thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Người Đức rất coi trọng điều này. Vì họ cho rằng đây là quyền hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và quy định cụ thể, được pháp luật bảo vệ tối đa. Khung giờ yên tĩnh này ở Đức sẽ khác nhau đôi chút giữa các thành phố. Nhưng các hoạt động ồn ào nên tránh trước 6,7 giờ sáng và thường sau 10 giờ khuya. Chủ Nhật, ngày lễ thì Ruhezeit được áp dụng cho cả ngày. Vì vậy, để bảo đảm sự yên tĩnh này, các hộ gia đình ở Đức không có thói quen giặt áo quần vào Chủ Nhật bằng máy giặt.

Mặc dù thực sự không phải mọi tiếng ồn đều ở mức độ có thể bị coi là ô nhiễm, nhưng tiếng ồn, khi không được kiểm soát, có thể là một nguồn gây khó chịu và xáo trộn lớn, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, tạo sự hỗn loạn cho cuộc sống của người dân, cho xã hội. Bị tra tấn bởi tiếng ồn nó thực sự đau đớn, thậm chí ức chế và cả trầm cảm.

Luật đã ban hành, đường dây nóng đã có, nhưng không hoặc hiếm thấy tính thực thi của vấn đề. Dư luận cảm thấy chính quyền chưa quyết liệt.

Tôi nghĩ cần có sự quyết liệt hơn hơn trong việc tìm giải pháp để giải quyết “tận gốc” câu chuyện phiền toái dai dẳng này. Làm như vậy để cho cộng đồng, cho một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn.

Nguyễn Thị Hồng Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI