|
Đeo tai nghe ở nơi công cộng để tránh làm phiền người khác là biểu hiện của hành vi văn minh (Ảnh minh họa) |
Cuối tuần rồi, tôi đi làm tóc. Giáp tết, tiệm rất đông khách nên tôi phải ngồi chờ. Rồi thêm 2 cô gái trẻ tuổi vào tiệm, cũng chờ, nhưng trong lúc chờ thì họ thản nhiên mở một chuyên mục giới thiệu phim trên điện thoại với giọng đọc eo éo, chát chúa. Thú thật, tôi không thấy dễ chịu khi phải chịu đựng tiếng nhạc từ tiệm, âm thanh từ điện thoại của cô gái đang mở loa ngoài. Cự cãi nổ ra giữa những người bị làm phiền và 2 cô gái. Tôi quyết định rời tiệm khi trong đầu còn vẳng lên câu nói “Nhìn sang trọng, đẹp đẽ vậy mà sao không thể tôn trọng người xung quanh. Chiếc túi hiệu kia rất mắc còn mua nổi, sau không mua thêm tai nghe mà dùng?”.
Bỏ qua câu chuyện loa kéo, dàn karaoke vốn cũng là những nỗi phiền toái bấy lâu, chúng ta dễ dàng rơi vào cảm giác khó chịu, bực dọc vì vô số tiếng ồn. Trên những chuyến xe khách đường dài, người ta mở nhạc ầm ĩ, ảnh hưởng các hành khách xung quanh. Đến quán cà phê, nhà hàng dùng bữa trưa, bạn nhìn thấy gì? Kẻ bấm, người quẹt. Một số người livestream món ăn, gọi video cho ai đó… Các âm thanh ồn ào, lớn nhỏ đủ kiểu vang lên từ những chiếc điện thoại thông minh.
Nếu ai đã từng du lịch hoặc đi công tác đến Nhật hẳn sẽ ngạc nhiên với trải nghiệm trên các toa tàu điện ngầm hay ở các quán ăn. Đó thường là một trải nghiệm rất trật tự, suôn sẻ, và nhất là luật bất thành văn “không gây ồn, không làm phiền người khác”.
Ai cũng biết, trên các chuyến tàu đông đúc, hành khách thường đã cạn năng lượng hoặc mệt mỏi sau giờ làm. Vậy nên, trẻ con ở Nhật từ nhỏ đã nằm lòng bài học giữ trật tự, không nói chuyện lớn tiếng qua điện thoại, nghe nhạc hoặc xem video qua loa ngoài. Trên phim, ta thường thấy cảnh mọi người đeo tai nghe hay đọc sách lúc đi tàu. Điện thoại cũng luôn được đặt ở chế độ im lặng.
Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi, than phiền về những điều chưa đẹp ở Việt Nam. Ô nhiễm tiếng ồn, thiếu tôn trọng những người xung quanh, vô tư xem phim hay nghe nhạc trên điện thoại ở hầu hết các nơi mà không chú ý chúng ảnh hưởng ra sao đến người khác. Các hành vi này đều từ những người vô tư, thiếu tôn trọng và nhất là vi phạm các chuẩn mực cần thiết và lịch sự tối thiểu trong một xã hội hiện đại, văn minh. Chúng gây cho chúng ta những phiền toái, lo lắng, sự bực bội, căng thẳng. Sức khỏe tinh thần của hầu hết chúng ta có vẻ đang xấu đi, trong đó có nguyên nhân từ tiếng ồn.
Giống như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn không chỉ là một mối phiền toái đơn thuần. Nó ngày càng được hiểu là có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người. Những âm thanh không mong muốn, kéo dài và ở cường độ cao có thể làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất của chúng ta.
Trở lại câu chuyện ở tiệm tóc. Tôi cho rằng tranh cãi bùng phát, lời qua tiếng lại là dấu hiệu cho thấy xã hội ngày càng không khoan nhượng với tiếng ồn. Điều này cũng dễ hiểu và nó phản ánh sự thừa nhận, tầm quan trọng của sự riêng tư, để được sống trong một cộng đồng hòa bình và môi trường yên tĩnh, không có ô nhiễm tiếng ồn.
Chuẩn mực xã hội (social norms) là các quy tắc về hành vi được chấp nhận trong một xã hội, một nhóm người. Chúng bao gồm những quy tắc và chuẩn mực không chính thức, không gây ra sự trừng phạt hay cấm đoán mà chỉ là những cảnh báo, chê trách, sự khinh thường từ cộng đồng xung quanh và những quy tắc có tính ép buộc, có chế tài. Một phụ nữ xăm mình không làm hại ai, nhưng thường bị chế giễu, xì xầm. Song nếu vượt đèn đỏ thì sẽ bị phạt tiền.
Cuộc sống ngày càng phát triển, nếp sống văn minh càng phải được coi trọng. Trong lúc chờ hoàn thiện các quy định pháp lý về xử lý tiếng ồn, thiết nghĩ, ta chỉ cần thực hiện đúng, đủ chuẩn mực thì xã hội sẽ bớt đi những phiền toái không đáng có.
Người văn minh, lịch thiệp không gây ồn ào, ảnh hưởng người xung quanh. Giá mà mọi người nằm lòng điều này, biết nghĩ cho nhau và biết tôn trọng nhau.
Muốn xã hội văn minh hơn, tốt đẹp hơn, đôi khi chỉ từ những điều nhỏ nhặt, từ ý thức giáo dục, nền tảng giáo dục của mỗi gia đình và có thể bắt đầu từ việc dạy con hãy đeo tai nghe, tránh làm phiền người khác.
Nguyễn Thị Hồng Chi