Văn minh từ bàn ăn hàng quán

16/03/2018 - 08:59

PNO - Những thứ dụng cụ bình thường trong phạm vi của một cái bàn ăn - tô, chén, đũa, muỗng, nước chấm, khăn giấy và thứ sau cùng là tăm xỉa răng cũng đã không còn an toàn, sạch sẽ nữa.

Phong cách đi ăn tiệm của người Sài Gòn từng là niềm tự hào của người dân đô thị này. Từ hàng quán vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, mỗi nơi, cách gọi món ăn, tính tiền, yêu cầu phục vụ… đều có cung cách riêng mà trên hết là giữ lễ giao tiếp giữa người bán và người mua; trong đó, để được tôn trọng, yếu tố trước tiên là người bán phải giữ vệ sinh từ thực phẩm đến các vật dụng và người mua phải ý tứ trong việc trách phiền nếu thấy không vừa lòng.

Van minh tu ban an hang quan
Kể cả những dụng cụ trên bàn ăn cũng vô cùng độc hại - Ảnh mang tính minh họa

Ngày trước, ngay trên bảng hiệu hoặc treo trong quán, người ta thường có dòng chữ dạng khẩu hiệu: “quán hợp vệ sinh”, hoặc “xin vui lòng giữ vệ sinh chung”… Ngày nay, cái ý thức tối thiểu về việc cùng giữ vệ sinh chốn công cộng cũng mất dần và lắm lúc bị thay thế bằng kiểu "hồn ai nấy giữ" trong quán ăn.

Ở các quán ăn Sài Gòn ngày nay, có trời mới biết tăm được sản xuất với quy trình vệ sinh nào, chỉ biết rằng từng cây tăm đều được tẩm thuốc chống mốc, thuốc tẩy trắng và các hóa chất tạo mùi giá rẻ.

Cái muỗng và đôi đũa của đa số hàng quán hôm nay được xử lý ra sao? Tạm bỏ qua chuyện nơi rửa chén của nhiều quán nằm cạnh nhà vệ sinh hay miệng cống thoát nước, chỉ cần để ý đến loại nước rửa chén không đủ chuẩn, bỏ mối trong những chiếc can 10-20 lít chạy vòng vèo khắp các quán ăn.

Tất nhiên, cũng có người cảnh báo về thứ nước rửa chén có chung một chợ đầu mối hóa chất Kim Biên. Chỉ cần nước + hóa chất + phẩm màu + hương liệu có xuất xứ Trung Quốc là thành thứ nước được dùng làm sạch cái tô, đũa, muỗng. Thứ nước tẩy rửa này còn độc hại hơn cả các chất dơ dính trên các dụng cụ ăn uống.

Anh T., một người vừa là chủ vừa là người giao hàng nước rửa chén giá rẻ, nói: “Hóa chất Trung Quốc rẻ, độc hại thì đã sao? Mấy ông một ngày giỏi lắm xài mấy cái tô, mấy đôi đũa thì nhằm gì. Tôi một ngày pha chế mấy trăm lít, hít đầy phổi còn chưa nói. Không xài thứ đồ này thì lấy đ… gì xài, vẽ chuyện”.

Không ít người Sài Gòn và cả các vị khách Việt kiều ngày nay, mỗi lần vào quán là cẩn thận với lấy khăn giấy hoặc khăn vải trên bàn ăn để lau đũa lau muỗng. Họ cứ lau đi lau lại như thế, có khi cả chục lần, với hy vọng là đôi đũa, cái muỗng được sạch hơn. Có người thì dùng khăn giấy cố lau cái mặt bàn, cũng với hy vọng được an toàn hơn. Hành vi đó là sự chê trách ngang nhiên, nhưng lạ thay, không thấy người bán nào tự ái cả.

Đâu chỉ có muỗng đũa, những cây tăm xỉa răng cũng thế. Một nhân viên ngành ngân hàng kể: “Nhóm tụi em hay tìm đến các quán ăn lạ khắp Sài Gòn - Chợ Lớn, để gọi là tường tận món ngon thế gian. Trong nhóm có nhỏ bạn, cứ vào quán là lấy giấy ra lau cái hủ tăm xỉa răng, giống như một dạng bệnh. Cả nhóm khuyên bạn tự đem theo tăm, bạn nói, chẳng qua cô ấy lau để chứng minh cho các bạn thấy không chỉ tăm ngâm hóa chất độc hại mà đến cái hủ tăm cũng dơ. Bạn ấy cá là có khi cả năm, chẳng quán hàng nào đem cái hủ đựng tăm đi rửa”.

Từ câu chuyện này, nhiều người bỗng nhớ đến cây tăm của ngày xưa. Người tuổi trung niên thì kể về loại tăm làm bằng gỗ thông, được đựng trong hộp, do một số xí nghiệp làm tăm xỉa răng khá nổi tiếng sản xuất; người già thì nhắc về loại tăm xỉa răng mà mỗi gia đình tự tay chẻ ra từ tre, rồi luộc với nước muối pha loãng và đem phơi nắng. Ngày nay, không còn thấy các loại tăm đó nữa ở Sài Gòn, dù thói quen xỉa răng bằng tăm sau khi ăn vẫn phổ biến.

Thật trớ trêu, cây tăm dùng trong gia đình, được mua từ các siêu thị, cửa hàng thường khiến cho nhiều người tin rằng, an toàn hơn tăm của hàng quán, nhưng không phải. Thông tin sau đây có thể khiến ta giật mình: hằng năm, lượng tăm tre nhọn hai đầu, không rõ xuất xứ, bán ở Sài Gòn hàng trăm tấn. Và để đánh lừa người tiêu dùng, đa số tăm đều bị thay đổi nhãn mác từ “made in China” sang “sản xuất tại Việt Nam”.

Sự phồn thịnh của Sài Gòn dễ thấy qua quán ăn. Sài Gòn ăn ngày ăn đêm, quán mặt đường, quán hẻm nhỏ,  ăn xe đẩy, ăn hàng gánh, quán sân vườn, quán sân thượng... Báo chí đã có vô số bài viết về sự độc hại từ những nguyên liệu thực phẩm chứa các loại hóa chất tăng trưởng và bảo quản; nhưng vẫn còn một góc mà từ lâu ta ít để ý: những thứ dụng cụ bình thường trong phạm vi của một cái bàn ăn - tô, chén, đũa, muỗng, nước chấm, khăn giấy và thứ sau cùng là tăm xỉa răng cũng đã không còn an toàn, sạch sẽ nữa. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI