Văn minh trong hẻm, khó hay không?

11/07/2024 - 15:58

PNO - Tùy tiện là bản năng, văn minh là một quá trình nhận thức và sửa mình. Có lẽ người Việt chúng ta còn phải sửa mình rất nhiều để đạt tới trình độ văn minh thật sự.

Năm 2019, quận 3 của TPHCM được tạp chí toàn cầu Time Out bình chọn là vị trí 18/20 khu phố tuyệt vời nhất thế giới. Phải công nhận đây là một quận rất văn minh, lịch sự của TPHCM, khi có những con đường rất nhiều cây xanh, sạch đẹp; nhà cửa khang trang và hiếm khi ngập nước.

Trong cơ quan, Thúy là người duy nhất cư ngụ ở quận 3 nên đồng nghiệp hay nói đùa cô là đại gia, ở quận đáng sống nhất của thành phố.

Nhưng Thúy cười: “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận, quận 3 trục đường chính coi hào nhoáng vậy thôi, chứ vào trong hẻm thì cũng không văn minh, lịch sự hơn ai. Như hẻm nhà tôi có gần 20 hộ, toàn gia đình trí thức, ông này bà nọ, nhưng đố ai tìm ra được thùng rác trước cửa các căn nhà”.

Thúy kể sáng sớm, hẻm rộng thênh thang nhưng tầm trưa đến xế chiều thì trước cửa nhà nào cũng lăn lóc những túi rác. “Thường xế đến chiều tối xe rác tới, nên người ta mang ra để sẵn. Không ai dám sắm thùng rác để vào cho gọn vì sợ bị vứt rác trộm” – Thúy giải thích.

Thúy kể trước đây nhà chị và nhiều nhà khác cũng trang bị thùng rác, nhưng không hiểu sao chưa vứt mà rác đã đầy thùng, có khi không nằm trong thùng mà vắt vẻo trên nắp.

“Nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao người ta thích vứt rác sang nhà người khác, trong khi cứ để ở nhà mình thì cũng có người đến tận nơi thu gom. Có lẽ vụng trộm là sở thích của không ít người, dù chỉ là vứt rác trộm” – Thúy ngán ngẩm.

Chuyện đi vệ sinh của những chú chó là một trong nhiều vấn đề liên quan đến văn minh đô thị
Chuyện đi vệ sinh của những chú chó là một trong nhiều vấn đề liên quan đến văn minh đô thị

Thật ra, “vứt rác trộm” không phải là kiểu sở thích biến thái mà đơn giản là xuất phát từ sự tiện tay, tùy tiện và lối sống ích kỷ của không ít người.

Kiểu ly nước uống dở, thấy nhà hàng xóm đang có rác tập kết thì vứt vào (nhà mình thì đang trống, sạch). Hoặc có túi rác rỉ nước, bốc mùi, nếu để trước cửa nhà mình sẽ hơi “ghê”, nên trông trước trông sau vắng vẻ thì “gởi ké” hàng xóm, và “đằng nào xe rác cũng mang đi”.

Sợ bẩn nhà mình, còn nhà hàng xóm thì kệ, là chuyện thường ngày ở phố thị, mà kẻ gây án trực tiếp là mấy chú chó.

Là tổ trưởng tổ dân phố, công việc cũng nhiều, nhưng cứ vài tuần, một tháng, ông Thành phải đứng ra làm trung gian hòa giải những trận cãi nhau của những người hàng xóm vì chuyện “phân chó”.

Hẻm nhà ông Thành có độ 30 căn nhà, có 3 hộ nuôi chó, nhưng thi thoảng sáng ra, phân chó đã rải khắp hẻm. Gia đình nào khó tính mà mở cửa ra gặp ngay bãi phân, thì thể nào cả xóm cũng được nghe chửi chó mắng mèo. Có nhà tức quá chửi thẳng các hộ nuôi chó, thì lại làm cả xóm náo loạn vì “chứng cứ đâu?”.

“Sau nhiều lần họp bàn, thống nhất, nhiều hộ đồng tình hùn tiền lắp camera, từ đó không thấy phân chó xuất hiện nữa” – ông Thành kể.

Anh Dũng nhà ở quận 10 thì đau đầu với những trò vụng trộm trên sân thượng. Sân thượng ở lầu 4, anh Dũng trồng vài cây kiểng. Cứ khoảng vài tháng thì lỗ cống ở đây lại bị bít đầy tàn hương.

“Sát nhà tôi có 4 căn cùng độ cao, nhà nào cũng có bát hương trên sân thượng nên không biết nghi ngờ ai. Họ cũng đều là những gia đình trí thức" – anh Dũng nói.

Nhưng bất ngờ là “nghi phạm” đổ trộm tàn hương không phải hàng xóm sát vách nhà anh Dũng mà là một Việt kiều Pháp, cách nhà anh 1 căn. “Hôm đó tôi nghe tiếng động, chạy lên xem thì thấy anh chàng Việt kiều đang phóng về, vẫn còn trên sân thượng nhà chú tư, sát nhà tôi. Lúc đó, vết đổ tàn hương còn mới toanh” – anh Dũng kể.

Tưởng sau lần suýt bị bắt quả tang đó, hàng xóm biết ngại, nhưng rồi cống nhà anh Dũng thi thoảng vẫn nghẹt tàn hương.

Chưa kể trên sàn tầng thượng, anh Dũng còn phát hiện nhiều vết dơ hoặc dầu mỡ trên sàn, thậm chí có cả xương cá, xương gà hoặc thức ăn rơi vãi. Ban đầu anh Dũng nghĩ mèo, chuột làm, nhưng sau đó mới biết là do bà chị hàng xóm nấu ăn tiện tay vứt ra.

Để chấm dứt phiền toái, anh Dũng phải làm hàng rào ngay trên sân thượng và đóng 1 bức vách bít ngang cửa sổ nhà bếp của chị hàng xóm không biết điều.

“Ở trên sân thượng mà vẫn không yên với mấy chuyện phiền phức vặt vãnh, ý thức dân mình còn kém lắm, không biết bao giờ mới văn minh được” – anh Dũng cảm thán.

Những chuyện vụng trộm trong hẻm xét cho cùng chỉ là vặt vãnh, và chỉ gây khó chịu cho một vài gia đình hay một cộng đồng dân cư nhỏ lẻ. Nhưng nó không hề cá biệt, mà tồn tại ở nhiều con hẻm khác ở TPHCM nói riêng và nhiều đô thị khác nói chung.

Vứt rác trộm, cho chó đi vệ sinh trộm có lẽ là 2 chuyện vụng trộm phổ biến nhất ở hẻm. Tuy nhiên, chuyện vụng trộm này pháp luật khó/không thể quản chế, vì hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng cho trật tự xã hội nói chung. Nhưng xét cho cùng, đây là 2 chuyện gây ức chế không hề nhỏ cho những ai không may là nạn nhân.

Bệnh vụng trộm trong hẻm không phân biệt giàu nghèo hay trình độ văn hóa, nghề nghiệp. Có lẽ sự tùy tiện là bản năng mà chúng ta phải rèn luyện nhiều mới thay đổi được. Luyện để bỏ thói quen “tiện tay”, lối suy nghĩ “một chút không sao” hoặc kiểu “đằng nào xe rác cũng gom đi hết…”.

Văn minh không chỉ là bộ mặt của những con đường lớn, của lối ứng xử khi đến nơi công cộng, mà ngay chính trong con hẻm nhà mình và với chính hàng xóm của chúng ta. Nếu đã văn minh, hãy văn minh từ nhà ra phố!

Lan Chi (TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI