Tiện là vứt, đốt rác
Hành động vứt rác không đúng nơi quy định của cậu học trò đáng bị chỉ trích, nhưng buồn thay lại rất phổ biến trong đời sống. Nhiều lần đang lưu thông trên đường, người đi xe máy phía trước tiện tay vứt vỏ chai nước suối, ly nhựa lên vỉa hè ngay khi vừa uống cạn. Anh Sơn (một độc giả ngụ tại quận 3, TPHCM) kể một buổi tối trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TPHCM), ngay ngã tư đèn đỏ, một cô gái ăn mặc sành điệu dừng xe, mở ba lô vứt chiếc kính mát không dùng nữa hoặc bị hỏng xuống ngay dưới chân. Tưởng cô gái bị rơi kính, anh nhích xe đến gần và nhắc nhưng cô gái chỉ quay lại nhìn và rồ ga phóng nhanh đi. Cũng không ít lần tôi chứng kiến người trên xe hơi hạ cửa kính, quăng đại rác ra ngoài mà không hề quan tâm đến các phương tiện đang lưu thông cùng chiều.
|
Điểm tập kết rác tự phát ở ngã tư Mai Chí Thọ - Lương Định Của liên tục được đốt gây khói, mùi khó chịu, ảnh hưởng đến phòng cháy chữa cháy |
Không chỉ rác ở khu dân cư, quán ăn vỉa hè... mà còn ngổn ngang tại các điểm đến du lịch. Đợt tết Giáp Thìn, gia đình tôi đến trải nghiệm đảo Nhất Tự Sơn (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) - nơi có con đường đi bộ trên biển nối ra đảo vô cùng độc đáo. Vừa đến, chúng tôi ngỡ ngàng vì rác đầy rẫy. Dưới nắng, nước biển trong, xanh ngọc bích rất đẹp, nhưng lẫn trong nước là rác ni lông, chai nhựa, vỏ hộp xốp, chén nhựa... trôi lềnh bềnh. Mỗi lần sóng đánh vào bờ là rác trồi lên mặt nước, bám trên đá. Cảnh tượng khiến du khách ái ngại, không còn hứng thú khám phá điểm
đến nữa.
Ai cũng muốn sạch sẽ, gọn gàng cho mình nhưng không phải người nào cũng có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định để giữ vệ sinh chung. Thành ra rác xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí bên cạnh thùng rác vẫn có rác nằm vương vãi phía ngoài.
Nhiều người vô ý thức còn có thói quen đốt rác thay vì gom rác để công nhân vệ sinh thu dọn. Ngay tại nút giao giữa đường Mai Chí Thọ và Lương Định Của (phường An Phú, TP Thủ Đức) có một bãi rác “di động”. Tại đây, cứ vài ngày, khi rác đầy sẽ có người đốt, bất kể thời gian nào trong ngày. Có những buổi chiều chạng vạng, khi phương tiện giao thông qua khu vực này đông nghẹt, kẹt xe tứ bề, cột khói từ đống rác bốc lên cao, mùi khét nồng nặc, càng khiến mọi người thêm căng thẳng.
Ở khu dân cư Kiến Á (phường Phước Long B, TP Thủ Đức), có hộ dân luôn gom lá khô lại đốt, dù hàng xóm nhiều nhà có trẻ em rất cần không khí trong lành để hít thở.
Tăng cường xử lý, giáo dục
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt các hành vi “vứt, thải, bỏ rác, đổ nước thải” không đúng nơi, đúng chỗ. Nếu cá nhân vi phạm, mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng khi thực hiện hành vi vi phạm tại chung cư, khu công cộng, thương mại; còn nếu hành vi trên diễn ra ở vỉa hè, lòng đường, hệ thống nước thải đô thị, ao hồ, kênh rạch, sông suối... thì mức phạt từ 1-2 triệu đồng. Với đối tượng vi phạm là tổ chức, mức phạt tăng gấp đôi.
|
Ngay trong khu dân cư Kiến Á, có hộ thường xuyên đốt rác, ảnh hưởng đời sống người dân. |
Đã có quy định chế tài và cũng từng có trường hợp bị phạt, nhưng tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi. Việc khó xử lý triệt để có nhiều lý do. Có thể vì hành vi vi phạm diễn ra nhiều, thường xuyên nhưng không có phương tiện, nhân sự giám sát nên khó xử phạt. Một phần vì các cơ quan chức năng cũng chưa đặt trách nhiệm giám sát để xử lý triệt để các vi phạm lên cao; mức xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh việc tăng cường hoạt động giám sát, xử phạt từ cơ quan chức năng; giáo dục từ gia đình, nhà trường cũng rất quan trọng. Muốn tập cho trẻ thói quen bỏ rác đúng nơi quy định thì người lớn cũng cần điều chỉnh hành vi của mình. Không thể dạy con trẻ làm điều tốt nhưng trước mặt chúng, người lớn lại ứng xử không đúng, làm điều ngược lại. Chính người lớn phải thay đổi. Đặc biệt, mọi người cần mạnh dạn lên tiếng, phản ánh khi thấy những hành vi xả rác không đúng nơi quy định, đốt rác bừa bãi. Nhiều người thường có suy nghĩ “thôi kệ”, không phải chuyện của mình nên không can thiệp, tránh mích lòng, phiền phức. Cần mạnh dạn phản ánh, những kết quả tích cực sẽ đến dù chậm.
An Trịnh
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn |