“Văn minh” như Lê Hoàng hay “có hiếu” như Quyền Linh?

14/09/2020 - 09:55

PNO - Chương trình "Đối mặt cảm xúc" phát sóng tối 11/9 trên HTV7 đang được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ với đoạn đấu lý hết sức căng thẳng giữa MC Quyền Linh và đạo diễn Lê Hoàng.

Con cái luôn phải xin lỗi?

Chuyện bắt đầu từ chia sẻ của người phụ nữ 38 tuổi Huỳnh Thị Sang (TP.HCM). Trong vị trí khách mời, Sang nghẹn ngào chia sẻ với Quyền Linh về những xung đột với người mẹ 72 tuổi. Mẹ chị Sang thương con, sẵn sàng giúp đỡ con, nhưng mặt khác, bà lại rất kiên định với lối sống truyền thống của mình.

Giữa Sài Gòn, bà có thể hồn nhiên mời người bán vé số vào nhà nói chuyện. Về quê, bà sẵn lòng chi ba triệu đồng để mua một bộ nồi được tiếp thị là “đang khuyến mãi, tặng kèm chăn…”. Với việc chăm cháu, bà phản đối việc cho bé đi học, nhưng lại sẵn sàng để bé dùng iPad hàng giờ đồng hồ. 

Dĩ nhiên, chị Sang hoàn toàn trái ngược quan điểm với mẹ. Chị phân tích cho mẹ khả năng bị lừa, bị thôi miên nếu mời người lạ vào nhà. Chị phản đối việc mẹ mua nồi khuyến mãi, khi cái nồi rỉ sét không như quảng cáo, chị khước từ việc giúp mẹ gọi lên trung tâm bảo hành. Đến lúc đứa con có dấu hiệu trầm cảm, chị quyết cho con đi học thì mẹ chị phản đối, đòi bỏ về quê.

Không quá khó để đoán được kết cục. Mẹ khóc, trách con cứng đầu, không thể chung sống. Đỉnh điểm, mẹ bỏ ra bến xe giữa đêm. Chị Sang vừa ấm ức vì không thể giải cứu mẹ khỏi những nguy cơ, vừa đau khổ vì đã làm mẹ buồn. 

Cuộc xung đột này đã làm nổ ra tranh luận giữa MC Quyền Linh và đạo diễn Lê Hoàng. Quyền Linh khẳng định chị Sang bất hiếu vì không chịu xin lỗi mẹ. Lê Hoàng khăng khăng lỗi của người mẹ rất lớn. Ông khẳng định chị Sang đã đúng khi cãi mẹ trong những tình huống đó. Luận giải khá sâu vào xung đột thế hệ này, Lê Hoàng cho rằng chính vì nhận thức quá khác nhau nên cha mẹ và con cái cần ở riêng.

Quyền Linh bức xúc: “Chỉ cần những đứa con chịu hành động, chịu xin lỗi thì không có vấn đề gì cả. Tại sao phải sống riêng, trong khi người già rất muốn ở cùng con cháu”.

Rõ ràng, đây không chỉ là tranh cãi giữa hai cá nhân trên sóng truyền hình, mà chính là xung đột giữa hai luồng quan điểm rất phổ biến về một “bi kịch gia đình” quen thuộc. Cả hai đều có lý. Phe nước mắt sẽ ngả mũ trước chữ hiếu của Quyền Linh. Và những người tôn trọng tự do cá nhân sẽ tâm đắc với lý lẽ của Lê Hoàng.

Theo “thuyết có hiếu” kiểu Quyền Linh, người con sẽ nhường nhịn, “xin lỗi”. Cuộc tranh cãi sẽ dừng lại, mẹ sẽ hết buồn, nhưng, lối đi này không giải quyết được mâu thuẫn. Việc phải chủ động triệt tiêu mọi quan điểm, cảm xúc trước mẹ, phải nhận lỗi bất kể đúng/sai sẽ không khiến con cái gần mẹ hơn. Những bất bình không được hóa giải triệt để cũng dễ dẫn đến tổn thương, những sang chấn ảnh hưởng tiêu cực lên chính mối gắn bó, và để lại những vấn đề tâm lý tiềm ẩn suốt cuộc đời người con.

Nếu tách khỏi sự mủi lòng, lý lẽ của Quyền Linh dễ dàng bị phản biện. Dù sao đi nữa, cả mẹ lẫn con đều là những cá thể cần được tôn trọng. Nếu chỉ vì sợ mẹ buồn mà khăng khăng rằng đứa con phải xin lỗi bất kể đúng/sai, thì đó hẳn không phải là một lời tư vấn sâu sắc. Thực tế, có rất nhiều người mắc các chứng bệnh sức khỏe tinh thần - mà nguyên nhân gốc rễ là từ chính những ẩn ức tích tụ trong gia đình. Trong từng tình huống, nhường nhịn có thể là thượng sách. Nhưng, trong một mối quan hệ lâu dài, nếu có một bên phải luôn hành xử bằng cách nhường nhịn - thì đó là một mối quan hệ thất bại.

Vậy, Lê Hoàng có đúng không? Tình mẫu tử có cần phân định đúng/sai không? Và lẽ nào, nói như Lê Hoàng, các thế hệ cha mẹ - con cháu nhất thiết phải sống riêng thì mới ổn?

Theo Quyền Linh, chỉ cần chị Sang chịu xin lỗi, chịu hành động thì mâu thuẫn với mẹ sẽ được giải quyết
Theo Quyền Linh, chỉ cần chị Sang chịu xin lỗi, chịu hành động thì mâu thuẫn với mẹ sẽ được giải quyết

Những cái bẫy tiến bộ

Đã có rất nhiều “chủ thuyết” tự do, văn minh cổ vũ lối sống theo kiểu Lê Hoàng. Cả những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng thừa nhận rằng, việc tìm tiếng nói chung giữa hai thế hệ là một điều… bất khả. “Tách ra riêng là thượng sách”.

Nhưng, nhận thức có vẻ văn minh và tôn trọng tự do cá nhân này - thực chất, đang tạo ra một thế hệ con cái thiếu kiên nhẫn, thiếu-cố-gắng, thậm chí là vô tâm với cha mẹ. Điển hình, trong tình yêu đầy… tập quán truyền thống, nhiều bố mẹ bị phớt lờ, bị phản bác không thương tiếc bởi những-đứa-con-khoa-học. Từ ăn uống, nuôi dạy con, hay cả vấn đề… nhiệt độ phòng ngủ cũng có thể là đề tài gây xung đột sâu sắc giữa phe bố-mẹ-truyền-thống và phe con-cái-khoa-học.

Thường, việc các anh chị chọn thực phẩm, chọn phương pháp giáo dục con cái, hay cả việc ứng xử với người A, người B… đều dựa trên trải nghiệm và cả những bằng chứng khoa học. Cha mẹ… sai bét. Và cãi mẹ, bỏ ra riêng, từ chối giúp đỡ trong những việc mình không ủng hộ - là những phản ứng của những đứa con. Con cái vừa ấm ức, bất lực, vừa giằng xé bởi mặc cảm bất hiếu, gây đau khổ cho bố mẹ. Bên kia, bố mẹ vốn đã mặc cảm tuổi già lạc hậu, giờ càng thêm thất vọng, bẽ bàng, buồn tủi. Ngoài những trường hợp chủ động phản kháng, tự rời xa con, nhiều phụ huynh trở nên… sợ con, sống khép nép. 

Xuất phát điểm phổ biến nhất của xung đột thế hệ đó chính là sự khước từ lạnh lùng của con trẻ trước sự quan tâm có phần phiền phức, đầy can thiệp của cha mẹ. Lúc này, con cái hay kêu gào tự do, tự chủ. Nhưng trớ trêu, chính thế hệ trẻ lại cũng dùng hiểu biết của mình để phán xét, can ngăn, và dằn hắt nếu cha mẹ làm những việc mà theo họ là phản khoa học.

Trong lý lẽ của mình, Lê Hoàng cũng khẳng định người mẹ đã sai, và chị Sang rất đúng khi can ngăn mẹ mua bộ nồi dỏm. Trong khi đó, giới hạn tối thiểu của tự do cá nhân, chính là việc tôn trọng lựa chọn và khả năng tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn của một cá nhân khác.

Ảnh minh họa
Có phải cha mẹ già và con cái “Tách ra riêng là thượng sách”? Ảnh minh họa

Vậy, đúng/sai, khoa học/truyền thống, văn minh/lạc hậu đều chỉ là những cái bẫy. Đã thế, việc giải quyết xung đột trong một mối quan hệ tình cảm không thể dựa trên đúng/sai. Trong mọi tình huống, tình thân chỉ nên được chi phối bằng yêu thương, hiểu biết, và sự thấu cảm. Hiểu biết đó, trước tiên là hiểu biết về người mình yêu thương.

Tiếp theo là hiểu biết về toàn bộ bối cảnh của mối quan hệ. Một người con trưởng thành là một “cái cây” đã cao lớn hơn tầm vóc của người trồng nó. Tình mẫu tử là vô điều kiện. Nhưng giữa một người gieo trồng và một cái cây đã không còn cần sự chăm sóc luôn có những ràng buộc nhạy cảm.

“Ràng buộc” đó, thường xuất phát từ mặc cảm của một kẻ trồng cây đã hết vai trò: lạc loài, thừa thãi, vô dụng và… đầy kỳ vọng với cái cây đã sinh trưởng từ mình. Đây chính là lúc cần đến chữ hiếu, lòng biết ơn và sự thấu cảm.

Đây cũng chính là lý do khiến mối quan hệ cha mẹ già - con cái khó lòng đạt đến một cuộc phân tranh công bằng, triệt để. Trong bối cảnh đó, những phản biện, phán xét, tranh luận của đứa con - sẽ đổ thẳng xuống vùng yếu đuối nhất trong trái tim bố mẹ. Mọi lý lẽ sau đó đều vô nghĩa, vì kẻ bị thương sẽ chỉ chống đối, phản kháng, và mất hoàn toàn khả năng lắng nghe.

Lúc này, đề nghị “xin lỗi mẹ”, yêu thương mẹ của MC Quyền Linh có thể đúng. Nhưng, đó là lời xin lỗi của một đứa con đã đủ thấu hiểu để nhận ra vai trò của mình trong một xung đột. Lời xin lỗi đó tuyệt đối không thể, không cần, và không nên xuất phát từ một đứa con đang ấm ức.

Còn khi đã đối diện mẹ với tất cả hiểu biết về xuất thân, giới hạn, và tâm thế của mẹ, con cái sẽ không còn bực dọc. Lúc đó, họ sẽ đủ điềm tĩnh để cân bằng, để lùi và tiến đúng mực, để ngay cả việc chọn đối thoại hay im lặng, chọn ở chung hay ở riêng - cũng bằng tất cả sự hiểu biết, dịu dàng, bình an. 

Lê Hoàng và những người chọn cách ứng xử như ông có thể cho rằng “con cái không thể không nói khi biết mẹ mình sai”. Bạn không thể im lặng không nói ra một điều bạn chắc chắn là đúng. Vậy, bạn cũng khó mà yên ổn khi phớt lờ những nỗi buồn rất thật, những nỗi cô đơn không thể chối bỏ được - của người sinh ra mình. 

Minh Trâm

Nhằm tạo cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề này, Báo Phụ Nữ TP.HCM mở diễn đàn “Văn minh = bất hiếu?”. Thân mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm hoặc quan điểm của mình về vấn đề xung đột thế hệ trong gia đình. 

Bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về hộp thư điện tử honnhangiadinh@baophunu.org.vn, ghi rõ tên thư “Bài tham gia diễn đàn Văn minh = bất hiếu?”

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Ngan Ha 19-09-2020 16:06:25

    Tùy trường hợp từng thành viên, tùy gia cảnh mỗi người. Cha mẹ không phải là hoàn toàn đúng, nên biết mình sai và sửa chữa. Không nên áp lực con phải nghe cha me khi cha mẹ sai. Nếu không hợp nhau thì nên sống riêng để giữ hòa khí. Cha mẹ con cái không thuận mà cố sống chung, nảy sinh bất mãn ngấm ngầm thì còn gì tình thân.

  • Nghiem huynh 14-09-2020 18:46:37

    Cái cây truong thành phải nhớ xuat phát từ đâu nhờ ai. Nếu ai cũng nhớ đuoc điều nay sẽ có tinh yeu sự thấu cãm. Tôi đồng tình với nguoi viet ko cần phải ở riêng mà lúc nay rat cần đến sự hiếu thảo, sự biet ơn và lòng thấu cảm mới tránh đuoc sự mủi lòng cho cha mẹ.

  • Hai 14-09-2020 15:36:46

    Người Âu được giáo dục: "trong 1 gia đình không nên có quá 2 thế hệ", họ được giải thích giống Lê Hoàng, dù khi còn nhỏ họ cũng chưa biết tại sao, ở họ chỉ có "nước chảy xuống" (theo ông bà ta nói). Bản thân, không đồng tình với Lê Hoàng, chỉ đồng tình với tác giả bài viết, đặc biệt ở 3 đoạn cuối.

  • Huỳnh My 14-09-2020 14:38:29

    Tôi đồng ý với anh Lê Hoàng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI