Văn minh... mông muội

21/04/2016 - 08:11

PNO - Sự thành đạt dựa trên nền tảng cướp giật, giẫm đạp người khác nào có phải là kiểu thành công để tự hào?

Bất chấp những kinh ngạc, những lời chê bai từ dư luận trong nước đến truyền thông nước ngoài, bất chấp những hình ảnh phản cảm, những màn ẩu đả, máu me… các lễ hội tại Việt Nam vẫn đều đặn được tổ chức và ngày càng nhiều hơn khi hàng loạt lễ hội được phục dựng. Bao nhiêu sức người, sức của đã đổ ra cho việc tổ chức, tham gia lễ hội để kết quả nhận về là sự nhếch nhác, mệt mỏi, lãng phí, cả sự nguy hiểm đến tài sản và tính mạng.

Không thể xóa bỏ các lễ hội bằng mệnh lệnh hành chính. Heo làng làng chém, trâu ta ta đâm nên Nhà nước cũng chẳng làm sao cấm được dẫu biết nó dã man, dẫu bị thế giới lên án. Nhưng việc người dân chăm chăm vào các lễ hội, mưu cầu, mặc cả, đổi chác với thánh thần là điều mà những nhà làm chính sách phải đặc biệt lưu tâm. Bởi Việt Nam vẫn là quốc gia còn nghèo và lạc hậu, mục tiêu cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2020 đã không đạt được và trên mỗi đầu người dân Việt hiện vẫn đang gánh món nợ công lên đến 29 triệu đồng.

Van minh... mong muoi
Sự thành đạt dựa trên nền tảng cướp giật, giẫm đạp người khác nào có phải là kiểu thành công để tự hào?

Nguồn lực của quốc gia, của từng gia đình đang dần cạn kiệt nhưng vẫn cứ phải đổ ra cho các lễ hội mà cái sau thường tốn kém hơn cái trước vì cứ phải liên tục to hơn, đông hơn, cao hơn, nặng hơn - từ chai rượu đến cái bánh, nồi phở. Những món to hơn, cao hơn ấy phải chăng chỉ để làm sang, là món điểm trang diêm dúa nhằm che giấu cái cốt cách nhỏ bé, sự yếu đuối?

Đến với lễ hội không bằng tâm thế của người am hiểu lịch sử, tỏ tường gốc gác, kính trọng đất, trời và người, nên người ta mới xem đó như chỗ để tranh đoạt, hơn thua. Có thể sẽ có nhiều người trong nhóm cướp ấn thăng quan ở Đền Trần, đánh nhau giành phết ở Phú Thọ rồi sẽ thành đạt thật, ở một mức độ nhất định nào đó (bởi ít nhất họ đã thể hiện sự quyết liệt vươn tới cái mình muốn, sẵn sàng tranh đấu, chấp nhận mạo hiểm - những tố chất cần thiết cho thành công).

Nhưng sự thành đạt dựa trên nền tảng cướp giật, giẫm đạp người khác nào có phải là kiểu thành công để tự hào? Những con người hung hãn vung gậy vào đồng loại, chèn ép kẻ yếu hôm nay sẽ làm gì cho Tổ quốc ngày mai, hay sẽ vẫn tiếp tục giết kẻ trộm chó, đánh vợ mắng con nhưng lại sẵn sàng làm ngơ trước những nỗi bất bình trong xã hội? Bạo lực được hun đúc công khai ở các lễ hội sẽ rèn luyện cho chúng ta điều gì trong việc bảo vệ cây xanh, gìn giữ môi trường?

Nếu những hành vi phản cảm ở các lễ hội xuất phát từ nhận thức kém, từ dân trí thấp thì trong phiên chất vấn sắp tới của Quốc hội, các đại biểu nên yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình, đưa kế hoạch cụ thể để khắc phục. Nếu vấn đề nằm ở nền tảng văn hóa (vốn vẫn được đánh giá là đậm đà bản sắc, có bề dày và chiều sâu) của người Việt thì Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nên xem lại trách nhiệm của mình. Các chức sắc tôn giáo cũng cần nhìn lại tín đồ để dẫn dắt họ, để ít nhất chùa chiền không phải nơi để người ta thuần túy cầu danh lợi, cầu duyên; đền miếu không phải là nơi dân đến mượn lộc, trả lễ.

Không thể cấm người dân tổ chức lễ hội, nhưng các địa phương có thể không tổ chức lễ hội thay vì mượn tiếng quảng bá du lịch để tiêu tốn ngân sách (kể cả ngân sách vận động). Xin nhớ rằng du lịch cũng là một con dao hai lưỡi khi bước chân của du khách luôn kèm theo rác thải, nguy cơ hủy hoại môi trường, tăng tệ nạn xã hội, tai nạn… Và nếu vẫn cần tổ chức lễ hội, xin hãy nhìn lại cung cách tổ chức của mình: thời gian, địa điểm, hậu cần y tế, phương án khống chế, điều phối đám đông… để những lễ hội thực sự là lễ hội.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI