Mơ về "vườn hoa cựu chiến binh
Vừa tan họp ở phường, bà Bùi Thị Ánh - Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố 5, phường 6, quận 8 - liền ghé nhà hàng xóm. Đứng gõ cửa một lúc lâu, thấy bên trong vẫn lặng im, bà nóng ruột đi một vòng ra phía sau, vừa đẩy cánh cửa sổ, vừa gọi lớn: “Thùy ơi Thùy, mở cửa cho bác Hai”.
Cánh cửa sắt mở sau tiếng đáp mừng rỡ từ bên trong. Đứng ngay ngạch cửa là cô gái trẻ khiếm thị tên Thùy. Thùy hỏi: “Sao nay bác Hai về trễ vậy?”. “Có nghỉ được đâu. Sáng giờ tao đi tùm lum cả, hết lên phường rồi qua khu phố, không biết bao nhiêu chuyện cần làm” - bà Ánh phân trần.
|
Bà Bùi Thị Ánh ngày ngày vẫn chắt chiu tiền lương hưu ít ỏi để hỗ trợ cho 7 người khuyết tật và đỡ đầu cho 1 bé gái mồ côi mẹ do COVID-19 |
Cha làm công nhân, chị gái đi làm ở nhà hàng nên suốt ngày, Thùy đóng cửa ở trong nhà. Nhà hiu quạnh nên khi bà Ánh đến, Thùy hỏi đủ chuyện. Thùy khiếm thị bẩm sinh do bị sinh non khi mới được 6 tháng. Là hàng xóm nên khi Thùy còn nhỏ, bà thường xuyên ghé thăm, coi Thùy như cháu ruột. Tháng 8/2021, mẹ Thùy mất do dịch COVID-19, bà tới lui nhiều hơn để an ủi, hỗ trợ Thùy trong các hoạt động hằng ngày và trích phần lương hưu ít ỏi của mình để hỗ trợ hằng tháng, giúp cha Thùy - bộ đội phục viên - bớt đi phần nào gánh nặng.
“Ở đây, nếu không có bác Hai, em không biết nói chuyện với ai. Mà chắc cũng chỉ có một mình bác chịu khó ngồi nghe em tâm sự đủ chuyện như một người bạn” - Thùy nói. Người bạn sắp bước qua tuổi 70 nhìn Thùy cười. Yên tâm phần Thùy, bà đứng dậy, dặn cô gái kéo cửa cẩn thận, rồi tranh thủ ghé qua thăm “Vườn hoa cựu chiến binh” trước giờ đi đón cháu tan học.
Đó là bãi đất trống nằm trên con hẻm 2009 Phạm Thế Hiển. Mấy tháng trước, bãi trống này bị biến thành bãi rác bẩn thỉu. Không chịu cảnh nhếch nhác như vậy, bà dành mấy tháng trời vận động người dân trong hẻm cùng đóng góp để mở rộng hẻm, cải tạo môi trường. Người dân đã góp hơn 143 triệu đồng để biến đoạn đường sỏi nhấp nhô thành hẻm nhựa sạch sẽ.
“Tui đang lên kế hoạch dọn sạch cỏ, mua hoa về trồng chỗ này cho sạch đẹp để có chỗ cho bà con ra ngồi chơi” - bà Ánh chỉ vào khoảnh đất, nơi có mấy cây hoa vàng ươm đang nở rộ và nói về giấc mơ “Vườn hoa cựu chiến binh” mà bà đang từng bước thực hiện.
Trái với dáng người gầy nhom cùng mái tóc bạc trắng, đôi chân bà hoạt động không ngừng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chiến đấu ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trong giai đoạn ác liệt, bà tham gia cách mạng từ năm lên 10 tuổi. Khi cha bà chưa bị đày ra Côn Đảo và mẹ bà chưa hy sinh, ngôi nhà bà Ánh là một trạm giao liên vừa nuôi giấu bộ đội, vừa là điểm tiếp nhận chiến sĩ bị thương đưa về tuyến sau chữa trị.
Những ngày đó, bà làm giao liên, chuyên chạy báo tin, gác vòng ngoài cho các cuộc họp chi bộ diễn ra ngay trong nhà mình. Năm 1967, bà Ánh thoát ly gia đình, đi học tại Trường Lý Tự Trọng miền Nam (nay thuộc chi nhánh của Tổng cục Bưu điện) để làm giao liên mật cho ban thông tin của Phân khu 2. Sau mấy tháng học và làm lính thông tin, bà được rút về công tác tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Long An, làm việc ở bộ phận vô tuyến điện, có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ chiến trường. Năm 1971, bà được cơ quan cử ra Bắc học văn hóa để chuẩn bị lực lượng cán bộ cho miền Nam.
Sau ngày đất nước giải phóng, bà trở về TPHCM, xin đi làm kinh tế ở Liên hiệp Các xí nghiệp hóa mỹ phẩm thuộc Sở Công nghiệp TPHCM, rồi Xí nghiệp May xuất nhập khẩu quận 8, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn.
Ông Trang Hồng Châu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 6, quận 8 - cho biết, mặc dù thể trạng ốm yếu, bà Ánh vẫn hết lòng với phong trào tại địa phương, đặc biệt là chăm lo cho người yếu thế: “Gia cảnh không khá giả nhưng bà Ánh sống tiết kiệm, gom góp từng đồng để hỗ trợ người nghèo. Mấy năm qua, bà Ánh gom góp tiền lương hưu và phần trợ cấp ít ỏi từ công tác địa phương để chăm lo gần 100 triệu đồng cho người khó khăn. Không chỉ đỡ đầu Thùy, bà còn hỗ trợ thường xuyên 7 người khuyết tật khác, bao gồm cả người già, trẻ em”.
Miệt mài tìm hài cốt liệt sĩ
“Hồi còn sống, ngoại con thường dặn là mười mấy ngôi mộ trong nghĩa trang gia tộc chính là mộ của các chiến sĩ giải phóng, hương khói cho người thân ra sao thì cũng hương khói cho các chiến sĩ như vậy”. Nghe cô gái nói, ông Nguyễn Viết Quản bật khóc. Trận đánh dưới chân núi Gò Đen (tỉnh Tây Ninh) ùa về.
|
Với những đóng góp cho xã hội, đặc biệt là những công sức đi tìm hài cốt đồng đội, ông Nguyễn Viết Quản hai lần được UBND TPHCM vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” ẢNH: T.D.X |
Đêm đó, tiểu đội của ông nhận lệnh tấn công nhưng chẳng may bị lộ. Từ phía đồn, địch liên tục nã súng khiến 12 chiến sĩ hy sinh, nằm trên đất của địch. Cuộc giải vây để đưa thi thể các chiến sĩ đi chôn cất không thành, lại mất thêm mấy chiến sĩ. Bấy giờ, cơ sở cách mạng nhận lệnh thuyết phục, mua chuộc địch và đã đưa được các chiến sĩ về chôn trên đất mình.
“Trong số hy sinh, có liệt sĩ Đặng Quang Thắng. Trước mỗi trận đánh, liệt sĩ này thường dặn dò bạn chiến đấu: “Sau này, đất nước hòa bình, ai còn sống nhớ đi tìm người đã mất đưa về quê cha, đất tổ. Người đồng đội đầu tiên mà tôi tìm được để đưa về quê chính là Thắng” - ông Quản rưng rưng.
Năm 2008, khi nghỉ hưu sau nhiều năm công tác ở Công an quận 6, ông Quản bắt đầu đi tìm hài cốt đồng đội. Từ đó đến nay, một mình chạy xe máy, ông Quản đã về lại từng chiến trường năm xưa, rong ruổi qua các nghĩa trang liệt sĩ khắp các tỉnh, thành phía Nam để đi tìm đồng đội. 14 năm, ông tìm được phần mộ của 117 liệt sĩ, đưa được 47 hài cốt liệt sĩ về với gia đình.
Trong căn nhà ở phường 2, quận 6, ông Quản dành một góc riêng để chứa đựng hồ sơ là những tập bản đồ mỗi chiến trường do ông tự phác thảo thời còn tham gia chiến đấu. Ông chia sẻ: “Tôi lấy ngọn núi, ngọn đồi làm điểm chính, rồi dựa vào từng chiếc cầu, con suối, ướm chừng khoảng cách bước chân để vẽ sơ đồ khi một đồng đội ngã xuống. Sau này tìm lại, địa hình có nhiều thay đổi nhưng cố gắng kiên trì, tôi đều tìm được”.
Giờ đây, ở tuổi 71, mỗi ngày, ông vẫn dành nhiều thời gian nghiền ngẫm từng bản đồ, sau đó đi tìm hài cốt đồng đội. Để chuẩn bị cho hành trình đó, suốt thời gian còn công tác, ông Quản đã cùng các thành viên trong gia đình bỏ ống heo 10% thu nhập hằng tháng, còn bây giờ là toàn bộ lương hưu của ông. “Tôi chưa bao giờ nhận hỗ trợ của ai vì với tôi, đó là sự đền đáp, tri ân đồng đội đã ngã xuống để tôi có được ngày hôm nay, nhìn đất nước thanh bình, phồn vinh” - ông Quản nói.
|
Sau 14 năm, ông Nguyễn Viết Quản (bìa trái) tìm được phần mộ của 117 liệt sĩ, đưa được 47 hài cốt liệt sĩ về với gia đình |
Biết xã hội còn nhiều trẻ em không điều kiện đi học, ông tìm đến hội khuyến học của các địa phương để trao học bổng. Riêng trong năm 2022, ông đã cùng gia đình tặng 38 suất học bổng, tổng trị giá 64 triệu đồng. Ông cho rằng, giúp học bổng chỉ là một phần, nên ông đã đề xuất Hội Khuyến học quận 6 triển khai mô hình 1+1, tức là người tặng học bổng phải đồng hành, giúp đỡ và định hướng cho người nhận học bổng. Đề xuất này xuất phát từ kinh nghiệm đồng hành của ông với nhiều trường hợp.
Ông Nguyễn Viết Quản là một trong những cá nhân vừa được UBND TPHCM vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2022. Đây là lần thứ hai, ông nhận được vinh dự này, bên cạnh bằng khen của nhiều đơn vị khắp các tỉnh, thành dành cho ông.
40 năm mải miết giúp người
Ở tuổi 78, bà Nguyễn Thị Nguyệt - nguyên đại úy quân đội, thương binh 3/4 - bước đi khập khiễng không phải do tuổi già mà do vết thương từ chiến trường. Bà kể, năm 22 tuổi, trong một lần tải đạn chống càn, bà bị phục kích, bị bắn trúng vào đùi trái. Tuy đạn đã được lấy ra nhưng vẫn còn sót lại vài mảnh vỡ, gây đau nhức.
Mấy hôm nay trời trở lạnh, bà Nguyệt bị vết thương cũ gây đau buốt. Tối nào, bà cũng thoa dầu, xoa bóp. Ấy vậy mà, sáng ra, bà vẫn rảo một vòng quanh chợ Trần Hữu Trang, thăm hỏi, chuyện trò với mọi người. Bà Nguyệt cười: “Nhờ tình cảm đó mà người dân trong khu phố thương, nên tôi làm công tác dân vận thuận tay, nhất là vận động chăm lo cho các trường hợp bệnh tật, khó khăn đột xuất”.
|
Ở tuổi 78, bà Nguyệt (thứ hai từ phải qua) vẫn tích cực với các hoạt động địa phương, chăm lo cho người khó khăn |
Bà Nguyệt hiện là Trưởng ban điều hành khu phố 2, phường 10, quận Phú Nhuận. Trong nhiều hoạt động của bà Nguyệt, cô Vũ Ánh Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố - thường đồng hành. Cô Ngọc nói: “Vì tôi quý trọng và luôn muốn cảm ơn cô Nguyệt đã giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn”.
10 năm trước, cô Ngọc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Bấy giờ, kinh tế gia đình cô rất khó khăn. Chồng giữ xe ở chợ, cô Ngọc bán quán nước, nuôi 2 con nhỏ. Biết hoàn cảnh, bà Nguyệt trích 10 triệu đồng từ tiền lương hưu và tiết kiệm để giúp cô Ngọc điều trị bệnh. Những tháng sau đó, bà Nguyệt tiếp tục vận động, hỗ trợ thêm khoảng 6 triệu đồng. Các con của cô Ngọc hằng năm đều được tặng học bổng, tập vở. Sau 1 năm điều trị, cô Ngọc mặc cảm với ngoại hình, không giao tiếp với những người xung quanh. Bà Nguyệt lại đến gõ cửa, động viên và thuyết phục cô Ngọc quay trở lại tham gia hoạt động khu phố, tiếp tục làm chi hội trưởng phụ nữ cho đến nay.
Vài tháng trước, anh Đạt - người thu gom rác dân lập - vô tình bị mảnh vỡ của bóng đèn tuýp cứa đứt gân tay khi đang làm việc. Biết cảnh nhà anh Đạt khó khăn, chỉ có 2 mẹ con nương nhau sống trọ ở quận Gò Vấp, bà Nguyệt góp tiền và vận động nhiều người hỗ trợ anh gần 20 triệu đồng.
Bà Nguyệt sinh ra và lớn lên ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Khi vừa tròn 18 tuổi, bà tham gia kháng chiến, đóng quân ở Cục Hậu cần miền Nam với nhiệm vụ pha chế thuốc, phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội chiến trường và làm nhiệm vụ tải thương. Năm 1965, bà được bầu là “Chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn” và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau năm 1975, bà tiếp tục công tác ở Quân khu 7, tiếp quản cơ sở sản xuất thuốc và nghỉ hưu vào năm 1982.
Trở về địa phương, với tinh thần của người lính, bà Nguyệt tiếp tục đảm nhiệm vị trí Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố, Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Tổ trưởng tổ dân phố 24, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN phường.
Trong 40 năm tham gia công tác tại khu phố, bà Nguyệt đã giới thiệu cho nhiều gia đình vay vốn để làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, khu phố 2 không còn hộ nghèo. Bà đã vận động sửa chữa 25 căn nhà cho gia đình diện chính sách, nhà tình thương, tặng học bổng, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn. Mỗi năm, bà vận động 50 phần quà cho người khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ.
Theo báo cáo của Hội Cựu chiến binh TPHCM, trong 5 năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp tại TPHCM đã vận động hội viên tự nguyện hiến hơn 25.560m2 đất; đóng góp trên 2,8 tỉ đồng và hơn 56.300 ngày công, xây dựng 30 cầu giao thông nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 12.000m đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đặc biệt năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, bình quân mỗi ngày có hơn 10.000 hội viên cựu chiến binh tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, trong đó có nhiều người xông pha trên tuyến đầu. Tại Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh TPHCM lần thứ 7, nhiệm kỳ 2022-2027 mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh những đóng góp và việc làm cụ thể, thiết thực của các cựu chiến binh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các địa phương, xây dựng các tổ chức chính trị xã hội, xây dựng hội vững mạnh, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. |
Thu Lê-Tuyết Dân-Thiên Ân