"Chiến binh" vì cộng đồng
Một bên ngực đã bị đoạn vì căn bệnh ung thư, vết thương vẫn còn đau, nhưng cô Vũ Ánh Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận vẫn giữ niềm lạc quan, sống vui sống khỏe, sống để yêu thương, sẻ chia.
Cô Ngọc kể, vào năm 2012, nhờ nhiều lần được tham gia các buổi tư vấn, thăm khám sức khỏe nên cô mới được phát hiện bị bệnh ung thư vú và điều trị kịp thời. Mặc dù ở nhà luôn có chồng và hai con kề cận động viên nhưng cô Ngọc luôn mặc cảm với ngoại hình không hoàn thiện. Một năm sau khi đoạn nhũ, cô Ngọc như “tự giam mình” trong nhà. Trong lúc cô Ngọc “đóng cánh cửa” cuộc đời mình lại thì cô Nguyễn Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Điều hành khu phố - tìm đến nhà động viên, vực cô dậy. Trở lại với hoạt động Hội Phụ nữ tại khu phố, cô tiếp tục được chị em tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, công việc mà cô từng tham gia từ năm 2002.
|
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa phải) - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho nữ công nhân (tại quận 7) Ảnh: Diễm Trang |
Bắt đầu lại một cuộc sống mới, cô Ngọc quý thời gian hơn, cô tham gia công việc xã hội một cách năng nổ, nhiệt tình. Hằng ngày, ngoài công việc đi chợ nấu ăn cho gia đình, cô tranh thủ phụ chồng trông giữ xe máy ở chợ. Chợ tan, cô cùng chị em khu phố đi vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước đến bà con nhân dân. Đi đến đâu, thấy người nghèo khó, cô Ngọc để ý, ghi lại, rồi về vận động các Mạnh Thường Quân chăm lo.
Cô nhẩm tính: “Trên địa bàn khu phố hiện nay không còn hộ nghèo nhưng vẫn còn khoảng 28 hộ còn khó khăn”. Để giúp các gia đình vượt khó, cô Ngọc giới thiệu chị em vay vốn, tìm việc làm… Chủ trương của cô là “giúp cần câu chứ không giúp con cá” để chị em thoát nghèo bền vững. Biết gia đình bà Tiến ở khu phố tuổi cao, bệnh tật, cô Ngọc và chi hội vận động hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm hằng tháng. Ngoài ra, cô còn gợi ý hỗ trợ con gái bà vay vốn buôn bán trái cây. Nhờ đó, năm 2019, gia đình bà Tiến chính thức thoát nghèo.
Trường hợp khác là bà Tím, ngoài 50 tuổi, không có việc làm ổn định, chồng bị tâm thần và không còn khả năng lao động, cả gia đình sống trong căn nhà xập xệ, dột nát. Cô Ngọc đã cùng khu phố, UBND phường vận động 50 triệu đồng giúp sửa sang nhà. Có nhà, cô Ngọc lại giới thiệu Hội tặng chiếc máy may, hỗ trợ vay thêm 30 triệu đồng để bà Tím mở rộng mặt bằng, nhận hàng gia công. Nhờ trao “cần câu” đúng lúc, bà Tím cùng con gái đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Không chỉ chăm lo cho phụ nữ, cô Ngọc còn lo bữa ăn cho người già, vận động tặng gần 20 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học hằng năm. Có nhiều em đã duy trì thành tích học tập và được trợ cấp học bổng suốt hàng chục năm liền. Mới đây, cô Ngọc vừa hỗ trợ 10 chị em ở khu phố tái vay vốn với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng để buôn bán nhỏ.
Và cô Ngọc chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện phụ nữ đã được Hội giúp đỡ và sau đó “trả ơn” cho Hội bằng cách góp sức lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người khốn khó, dìu dắt chị em cùng bước tới. Chúng tôi gọi các dì, các chị là những “chiến binh” vì cộng đồng góp phần khắc họa bản sắc của Hội.
|
Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa trái) - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trong chuyến cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ miền Trung tháng 12/2020 cùng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - Quỹ Doanh nghiệp vì cộng đồng - Chi hội Sen vàng và đoàn bác sĩ Tâm Việt |
Hội - Ngôi nhà đầy ắp tình người
Có thể nói từ ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam đến nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống mang bản sắc Hội qua các thời kỳ luôn là một sứ mệnh của những người kế thừa. Riêng tại TPHCM, bản sắc Hội được kế thừa, tích lũy đến hôm nay là sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thể hiện qua cả một chặng đường lịch sử.
Còn nhớ những ngày đầu sau khi đất nước hoàn thoàn thống nhất, dù khó khăn trăm bề, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt nhà trẻ do Hội LHPN đề xuất đã được thành lập ở khắp các quận, huyện nội ngoại thành, được tổ chức quản lý tốt và giải quyết được bao khó khăn cho nhân dân. Cùng với đó, Hội đã đứng ra tìm nguồn hàng, lập hợp tác xã mua bán để phân phối hàng hóa… góp phần tháo gỡ cho nền kinh tế. Rồi Hội tham gia xóa mù chữ, vận động hội viên, phụ nữ cùng học chữ, tham gia xóa nghèo, tăng gia sản xuất…
Truyền thống đó, bản sắc đó được Hội LHPN các cấp ở TPHCM gìn giữ. Gần đây, với tốc độ phát triển, lan tỏa thông tin rất nhanh của các trang mạng xã hội, các cấp Hội đã tận dụng những phương tiện này để truyền thông về tổ chức mình, các giá trị truyền thống và bản sắc của Hội lại được lặp lại cũng là lẽ tất nhiên.
Tinh thần ấy thể hiện qua hàng loạt công trình mang dấu ấn như Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành - một địa chỉ đỏ của TPHCM; Nhà Văn hóa Phụ nữ (cơ sở 2 tại quận 7); tòa nhà Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Phụ nữ (quận 2); là sự hình thành Trung tâm Tư vấn hôn nhân và gia đình với những chức năng đặc biệt chỉ có tại TPHCM như bồi dưỡng giảng dạy văn hóa và tiếng Hàn cho những cô dâu Việt…
Tự hào hơn cả khi Hội LHPN TPHCM trở thành nơi đầu tiên trong cả nước thí điểm và đưa vào vận hành đề án hệ thống đào tạo trực tuyến; đề án bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị cho nữ công nhân; đề xuất ý tưởng xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em…
Hai năm 2020-2021, dịch bệnh làm ngưng trệ biết bao hoạt động và xáo trộn đời sống xã hội. Hoạt động và phong trào Hội cũng không ngoại lệ. Trong tình hình đó, đến nay, đã có 80% cơ sở Hội tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ mới với những kết quả thực chất hơn bao giờ hết.
Và cũng thật rõ ràng, dù cuộc sống từng gia đình cho đến mỗi con người có bị xáo trộn thì hội viên phụ nữ thành phố vẫn đang hướng đến cái chung: cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Chúng ta thực sự tự hào trong giai đoạn khó khăn nhất đó với hàng triệu chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay, găng tay chống dịch, bữa cơm, nồi cháo nghĩa tình… đã được các cấp Hội trao tặng đến mọi người. Thương và tự hào biết bao khi thấy Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (quận Gò Vấp) tẩn mẩn ngồi may từng chiếc khẩu trang, Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Huệ (huyện Bình Chánh) chọn cơm rau để nhường lương cho cuộc chiến chống dịch và nữ tu Thích Nữ Nhựt Thành (chùa Vĩnh Xương, quận 3) đã sáng tạo ra chiếc máy ATM gạo vận hành bằng tay độc nhất vô nhị…
|
Cô Ngọc (trái) trao đổi hoạt động chăm lo phụ nữ với cán bộ Hội LHPN phường |
Qua những ngày gồng mình phòng, chống dịch, Hội đã tiên phong trong việc trợ giúp những mảnh đời khó khăn. Sự giúp đỡ ân cần của các chị em đã an ủi biết bao mảnh đời khốn khó trong cuộc sống này.
Rồi những ngày miền Trung bão lũ, cùng với đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Nữ doanh nhân, các chị cán bộ Hội phụ nữ đã bám xe cứu trợ đi khắp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… để trao yêu thương của phụ nữ Sài Gòn đến với người dân nơi tâm bão lũ.
Trở về sau mỗi chuyến đi, các chị lại trăn trở về những mảnh đời khốn khó để nhen nhóm những chuyến đi tiếp theo, để giúp dân qua cơn khó ngặt, để xây lại căn nhà, để hỗ trợ vốn hoặc trao phương tiện để dân làm ăn vươn lên.
Ấn tượng trong mắt người dân ở thành phố này về cán bộ Hội không chỉ quẩn quanh các hội thi duyên dáng áo dài, chuyện vận động trồng hoa, tạo mảng xanh cho các gia đình, đường phố hay bao phong trào bề nổi mà chính là hình ảnh các chị ghé lại từng ngôi nhà, từng khu phố; đến những nơi dân phải sống trong cảnh ngập nước quanh năm; đến từng ngôi chợ để khảo sát vệ sinh an toàn thực phẩm; ghé lại từng xóm ấp để ghi nhận về các vụ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành… để rồi sau đó mạnh mẽ cất tiếng nói ở các kỳ họp HĐND thành phố, góp thành những kiến nghị, đề xuất gửi đến diễn đàn Quốc hội. Nhờ đó, mà biết bao chính sách, cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động, phụ nữ, trẻ em đã được hoàn thiện; là những luật và bộ luật được chú trọng việc lồng ghép giới, để bình đẳng giới được hoàn chỉnh từ trong luật.
Chính vì thấu hiểu vai trò, sứ mệnh của mình trong nhịp đời hối hả này, nên những bước chân cán bộ Hội phụ nữ vẫn luôn đi về phía của yêu thương.
Hạnh Chi - Song An