Văn học Việt vẫn là “mỏ vàng” của âm nhạc

04/07/2023 - 08:16

PNO - Nhạc Việt không thiếu những ca khúc lấy cảm hứng từ chuyện xưa, tích cũ hay tác phẩm văn học từng gắn bó với nhiều thế hệ. Đến nay, cách làm này vẫn được nhiều nhạc sĩ áp dụng, khai thác và tạo ra những tác phẩm thú vị, đáng chú ý.

“Mỏ vàng” cho sáng tạo

Số lượng tác phẩm văn học vô cùng lớn và sự phong phú của những điển tích, điển cố trong văn hóa Việt giúp không ít nhạc sĩ tìm thấy nhiều cảm hứng sáng tác. Họ đưa một phần câu chuyện, ý tứ trong các tác phẩm được nhiều người biết kết hợp với chất nhạc riêng để tạo ra các sáng tác vừa quen, vừa lạ. Cho đến nay, không ít ca khúc trở thành điểm nhấn của nhạc Việt như Để Mị nói cho mà nghe (lấy cảm hứng từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ), Bánh trôi nước (dựa trên bài thơ cùng tên của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương), ca khúc Chí Phèo (được nhạc sĩ Bùi Công Nam sáng tác với nguồn cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao)...

Phương Mỹ Chi vào vai nữ sinh cuối cấp trong MV Đẩy xe bò
Phương Mỹ Chi vào vai nữ sinh cuối cấp trong MV Đẩy xe bò

Thời gian gần đây, một “làn sóng” ca khúc lấy ý tưởng từ văn học Việt hay tích xưa tiếp tục được trình làng. Ca sĩ Hòa Minzy ra mắt Thị Mầu - dựa trên tác phẩm Quan âm Thị Kính, sản phẩm nhận về nhiều lời khen cho giọng hát và ý tưởng thực hiện MV giàu chất liệu truyền thống. Phương Mỹ Chi cũng gia nhập “cuộc đua” với MV Đẩy xe bò lấy cảm hứng từ tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Ngày 30/6, ca sĩ Tạ Quang Thắng vừa giới thiệu MV Sơn Tinh - Thủy Tinh ở thể loại rock, tạo ra màu sắc âm nhạc hoàn toàn khác biệt trên thị trường...

Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm DTAP là tác giả có nhiều ca khúc sử dụng “vốn liếng” từ văn hóa Việt. Nhóm đứng sau thành công của hàng loạt ca khúc do Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc thể hiện như See tình, Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm, Người ơi người ở đừng về... Khi sáng tác ca khúc Đẩy xe bò cho Phương Mỹ Chi, dù cảm hứng sáng tác có phần giống nhau nhưng tác phẩm hoàn thành lại mang những nét khác biệt. Trong bài, cách kết hợp giữa giai điệu của pop, house và nhạc dân gian khá hài hòa. Đoạn thể hiện làn điệu quan họ Bắc Ninh của Phương Mỹ Chi ở cuối bài ghi điểm tuyệt đối, tạo sự bất ngờ cho người nghe.

Nói về câu hát mang âm hưởng quan họ ở bài Đẩy xe bò, Phương Mỹ Chi cho biết cô chính là người viết nội dung này, lấy cảm hứng từ bối cảnh làng quê Bắc Bộ trong truyện Vợ nhặt và càng muốn viết khi biết Bắc Ninh cũng là quê của nhà văn Kim Lân. MV Đẩy xe bò những ngày qua nhận về nhiều lượt nghe bởi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa kết thúc, đề thi môn văn có nhắc đến tác phẩm Vợ nhặt. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng giúp tác phẩm trở nên “viral” (lan truyền nhanh) trên mạng xã hội.

MV Đẩy xe bò: 

 

Lưu ý sự phù hợp

Khi sáng tác ca khúc Sơn Tinh - Thủy Tinh, ban đầu, Tạ Quang Thắng không đặt nặng việc phải khai thác yếu tố văn hóa Việt vào ca khúc mà đơn thuần muốn viết một tác phẩm để kết hợp cùng Trần Thắng - guitarist của nhóm Ngũ Cung. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm ý tưởng, Tạ Quang Thắng thấy việc “mượn” hình tượng Sơn Tinh - Thủy Tinh để đại diện cho 2 tính cách âm nhạc sẽ phù hợp nhất nên bắt tay vào thực hiện.

Ngoài thể hiện tình yêu với rock, Sơn Tinh - Thủy Tinh mang thông điệp về văn hóa dân gian Việt Nam. Ca sĩ Ta Quang Thắng chia sẻ: “Chúng tôi muốn rằng âm nhạc phải luôn phảng phất hồn dân tộc. Những câu chuyện xưa vẫn phải thường xuyên được kể, để con em chúng ta không bao giờ quên mình là người Việt Nam. Nghệ sĩ Việt, dù có chơi thứ âm nhạc gì đi nữa thì cũng vẫn phải kể những câu chuyện của dân tộc mình”. Nam ca sĩ nói mong muốn của anh và ê kíp không quá lớn, bởi nếu âm nhạc không mang đặc trưng của dân tộc thì thật khó để nhận diện, định vị màu sắc riêng khi bước ra thế giới.

Tạ Quang Thắng và guitarist Trần Thắng trong MV Sơn Tinh - Thủy Tinh
Tạ Quang Thắng và guitarist Trần Thắng trong MV Sơn Tinh - Thủy Tinh

Việc lấy cảm hứng sáng tác từ tác phẩm văn học Việt Nam là cách làm khôn ngoan của nhiều nghệ sĩ, bởi ca khúc sẽ dễ dàng nhận được sự chú ý. Chưa kể, “kho” nội dung này rất lớn nên ít sợ trùng lặp với những tác phẩm đã ra đời trước đó. Nhưng dù có nhiều thuận lợi, các nhạc sĩ cũng gặp không ít thử thách trong sáng tác. Đó là phải sáng tạo làm sao để phù hợp với sự tiếp nhận của công chúng, không thể lấy cảm hứng một cách tùy tiện vì dễ phản tác dụng.

Ngoài ra, giữa thời điểm lượng ca khúc mới ra mắt khá lớn, việc mượn ý tưởng từ văn học Việt Nam chỉ tạo được ấn tượng bước đầu. Nếu muốn “neo” lại thị trường lâu hơn, ca sĩ và ê kíp thực hiện phải sáng tạo hơn trong cách phát hành, câu chuyện hay thông điệp truyền tải. Hoàng Thùy Linh và ê kíp hiện đi đầu trong việc đưa văn học, chất liệu văn hóa dân gian vào âm nhạc.

Nhìn vào sự thành công của Hoàng Thùy Linh, dễ thấy kết quả có được nhờ vào nhiều yếu tố: từ cảm hứng sáng tác, âm nhạc, ý tưởng MV, vũ đạo, phục trang, thời điểm phát hành... Nói để thấy, âm nhạc khai thác chất liệu văn học là hướng khai thác cần cổ vũ, nhưng tác phẩm có được khán giả yêu thích hay không phụ thuộc lớn vào cách sáng tạo, tư duy của ca sĩ và ê kíp. 

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI