Văn học Việt tìm đường xuất ngoại: Tại sao không?

03/12/2018 - 06:00

PNO - Một số nhà văn Việt Nam đã nghĩ đến việc xuất bản tác phẩm ở nước ngoài. Đó là hướng đi mới để tác giả mang ‘đứa con tinh thần’ giới thiệu với bạn đọc quốc tế, nhưng cuộc chơi không dễ dàng.

Nội lực của văn học Việt

Thời gian gần đây, văn học Việt Nam được quốc tế nhắc đến nhiều hơn từ các giải thưởng văn học trên thế giới. Lần gần nhất, vào tháng 11, nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh tại Liên hoan Văn học châu Á 2018 lần thứ 2, tổ chức tại Gwangju, Hàn Quốc.

Trước nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận Giải thưởng Văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon (Changwon KC International Literary Prize) năm 2018. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thắng giải Literaturpreis 2018 - Giải thưởng do Litprom - hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn.

Van hoc Viet tim duong xuat ngoai: Tai sao khong?
Cuốn Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh

Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng còn quá sớm để tự hào vì quy mô của những giải thưởng này tại quốc tế vẫn còn “non” về thời gian hay quy mô tổ chức thì điều đầu tiên, đó vẫn là một sự công nhận. “Quốc tế” theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp cũng đã quan tâm đến văn học Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là văn học hiện đại.

“Cách đây 10 năm, khi tôi gặp đồng nghiệp quốc tế, họ chỉ hỏi về văn chương của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, nhưng trong vòng 2 đến 3 năm gần đây họ hỏi về những nhà văn trẻ hơn như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. Gần hơn nữa, họ hỏi đến Nguyễn Ngọc Tư. Điều đó chứng tỏ quốc tế đã tịnh tiến hơn đến dòng văn hiện đại của chúng ta so với trước đây”, nhà văn Phan Hồn Nhiên chia sẻ.

Van hoc Viet tim duong xuat ngoai: Tai sao khong?
Buổi nói chuyện về chủ đề Làm văn: dễ hay khó? là cuộc gặp gỡ giữa bạn đọc và 3 nhà văn (từ trái sang) Phạm Bá Diệp, Phan Hồn Nhiên, Trần Tiễn Cao Đăng. Cuộc nói chuyện khơi gợi nhiều vấn đề, trong đó có một số ý kiến xoay quanh việc xuất bản văn học Việt tại nước ngoài.

Giải thưởng là một phần để minh chứng nội lực của văn chương Việt nhưng chính những người trong cuộc – các nhà văn, nhà thơ, các nhà biên tập sách cũng đã công nhận, văn chương trong nước đang rộng đường để phát triển. Một thế hệ trẻ với tư duy và sự mạnh dạn thể nghiệm thể loại mới đang mang tới một làn sóng khác biệt cho văn học Việt.

Cuộc thi Văn học tuổi 20, nếu gọi là một lát cắt thu nhỏ của thị trường sách Việt Nam thì tại đây, một cuộc cạnh tranh giữa các ngòi bút trẻ đã diễn ra mạnh mẽ. Về nội dung, nhiều tác phẩm thể hiện thái độ nghiêm túc khi nghiên cứu sâu về các giai đoạn lịch sử; lý giải tâm thế người Việt giữa trường quốc tế; đưa ra những câu chuyện xúc động về con người; những bài học về ý thức bảo vệ môi trường… Nói để thấy, lực lượng người viết trẻ trong nước rất đông và theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, chị tin tưởng trong 10 – 15 năm nữa, diện mạo văn học Việt sẽ thay đổi.

Van hoc Viet tim duong xuat ngoai: Tai sao khong?
Nhà văn Phan Hồn Nhiên luôn tin tưởng vào thế hệ tác giả kế thừa trong 10 - 15 năm tới sẽ thay đổi diện mạo văn học Việt.

Với sự trẻ hóa về độ tuổi lẫn văn phong, tiệm cận thế giới ở những thể nghiệm mới, nhà văn – dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đặt kỳ vọng vào những cây viết trẻ khi anh nhận thấy nhiều tác giả đang nghĩ đến chuyện xuất bản tác phẩm tại nước ngoài. Điều đó khả thi với nội lực của văn chương Việt hiện tại.

Đường thênh thang sau khe cửa hẹp

Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng mở đầu chia sẻ của mình bằng câu chuyện của nhà văn nổi tiếng người Nhật - Haruki Murakami. Trước khi được công chúng quốc tế biết đến, trước khi một tác phẩm chưa ra mắt đã được 50 quốc gia mua bản quyền, Murakami là một tác giả vô danh.

Ngoài 30 tuổi, Murakami lặn lội một mình sang Mỹ để tìm nhà xuất bản và không thành công. Ông chỉ được quốc tế, đặc biệt là giới xuất bản Mỹ biết tới sau khi một nhà xuất bản đề nghị một vị (là một trong ba dịch giả chính của Murakami sau này), giới thiệu một nhà văn đương đại Nhật Bản. Người này lục tìm và giới thiệu một truyện ngắn của Murakami. Sau khi tác phẩm được dịch, Murakami nổi tiếng.

Từ câu chuyện của tác giả người Nhật, nhà văn Cao Đăng cho rằng câu chuyện xuất bản văn học tại nước khác hoàn toàn là thực tế.

Van hoc Viet tim duong xuat ngoai: Tai sao khong?
Nhà văn - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đưa đến những thông tin mới về thị trường văn học quốc tế trong thời gian gần đây.

“Một nhận xét mà nhiều người vẫn nói rằng Việt Nam là “vùng trũng” của văn học thế giới, thậm chí là “trũng của trũng” nhưng nếu hỏi Việt Nam có cái gì để đưa ra quốc tế hay không, tôi khẳng định là có. Chỉ là nước ngoài họ không biết. Có những nhà văn xứng đáng được nước ngoài biết tới, ít nhất hay hơn nhiều tác phẩm của các tác giả nước ngoài đang được dịch ra tại Việt Nam”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định.

Sở dĩ quốc tế chưa biết đến nhiều tác giả Việt Nam, theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, điều đó dễ hiểu vì muốn được chú ý còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài văn học như kinh tế, xã hội. Khi một quốc gia có vị thế cao trên trường quốc tế thì chắc chắn thế giới sẽ quan tâm đến nền văn học của quốc gia đó.

“Theo quan sát của tôi đến văn học các nước lân cận chúng ta trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… họ cũng đặt ra câu hỏi này và được chứng minh bằng việc vị thế quốc gia được nâng lên thì văn chương của họ sẽ được chú ý. Điều đầu tiên là xuất hiện những giải thưởng quốc tế được trao cho nhà văn quốc gia đó. Còn hiện tại như Việt Nam, rất khó để các nhà xuất bản quốc tế tìm đến chọn dịch”, nhà văn Phan Hồn Nhiên nói.

“Gõ cửa những nhà xuất bản độc lập”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng với sự quan sát thị trường sách quốc tế trong nhiều năm khẳng định tác giả Việt sẽ “bị xếp xó” khi tiếp cận các nhà xuất bản lớn, nhưng các đơn vị độc lập thì không.

Van hoc Viet tim duong xuat ngoai: Tai sao khong?
Nhà văn trẻ Phạm Bá Diệp chuyên viết về thể loại fantasy - một thể loại mới được giới trẻ ưa thích.

“Các nhà xuất bản độc lập có hướng đi thiên về những tác phẩm bước ra từ “vùng trũng”, họ quan tâm đời sống con người nước sở tại và tạo mọi điều kiện để xuất bản. Đừng dại tìm đến những nhà xuất bản tên tuổi, thậm chí nghe tên một tác giả Việt Nam có khi họ sẽ không đọc bản thảo”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho biết.

Điều kiện cần để tiếp cận nhà xuất bản quốc tế, đặc biệt là đơn vị xuất bản tiếng Anh, là nội lực của tác giả Việt. Quyết tâm để quốc tế công nhận và chọn đi một con đường khác với cách những tác giả trong nước vẫn đang làm đòi hỏi bản lĩnh của người viết. Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, nếu đã có mục đích, tác giả đừng trông chờ vào các nguồn lực bên ngoài mà phải tự thân vận động, tự tìm cơ hội.

Điều kiện đủ là một tác phẩm hay. Tác giả Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định: “Có một số nhà văn sinh ra ở những đất nước cực kỳ giàu có với bộ máy xuất bản, quảng bá sách cực kỳ lớn và nếu đầu tư đủ nhiều, họ trở nên nổi tiếng. Còn những tác phẩm giá trị lớn nhưng nằm ở các “vùng trũng”, tác giả cần chủ động tìm đến quốc tế để khuếch đại tên tuổi, văn chương của mình, điều đầu tiên phải có là tác phẩm của bạn phải hay, thông điệp phải đủ mạnh. Với một số nhà văn Việt, điều đó là khả thi”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI