Chưa được tổng kết
Thế hệ văn học nửa thế kỷ qua thường được nhắc đến bằng các cụm từ: văn học hậu chiến, văn học hậu chống Mỹ, văn học đổi mới… Lúc còn sống, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn gọi đó là thế hệ nhà văn sau năm 1975. Bài viết này tạm lấy tên gọi ấy, để phân định với những thế hệ văn học trước đó: 1900-1945 (hiện đại hóa), 1945-1954 (chống Pháp), 1954-1975 (chống Mỹ). So với những thế hệ văn học trước, thì thế hệ nhà văn sau năm 1975 dường như vẫn là một vùng mờ chưa được định danh một cách đầy đủ.
Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ, một thế hệ văn học nối tiếp thế hệ chống Mỹ đã đổi khác, một thế hệ mới đã kịp ra đời và trưởng thành, tham gia sôi nổi và để lại dấu ấn trên văn đàn; nhưng ta chưa làm được công việc tổng kết đó. Đó là thiếu sót rất lớn.
|
|
Những gương mặt chưa đầy đủ của văn học Việt Nam sau năm 1975: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Dương Kiều Minh, Trần Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý
|
Xuất phát từ thực tiễn văn học và nhu cầu nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, có không ít cuộc đánh giá được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm, tổ chức, đơn vị văn hóa. Nếu kể một cuộc tổng kết tương đối về văn học giai đoạn này, chính là hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 và tuyển tập Thế hệ nhà văn sau 1975: Diện mạo và thành tựu do Đại học Văn hóa Hà Nội đứng ra tổ chức mấy năm trước, với sự góp mặt của đông đảo giới sáng tác lẫn nghiên cứu văn học trên cả nước. Tuy nhiên, với một cuộc tổng kết lớn và quan trọng như vậy, theo nhà thơ Trần Anh Thái, đơn vị “chính danh” là Hội Nhà văn Việt Nam nên đứng ra tổ chức mới thể hiện được hết tầm vóc của nó.
Tổng kết không có nghĩa là đại trà
Văn học sau năm 1975 thực chất là tiếp nối văn học chiến tranh ở tầm cao hơn, không còn mang tính tuyên truyền mà đi sâu vào thân phận con người, những người lính trong chiến tranh, những vấn đề của hậu chiến… với những góc nhìn khác, tiến sát bản chất văn học hơn. Nói như thế không có nghĩa bác bỏ giá trị của văn học chiến tranh.Văn học chiến tranh sản sinh ra trong một thời kỳ đặc biệt, yêu cầu phải thế. Nó là một dòng chảy nhiều nhánh, ngày càng tiếp cận sâu và đầy đủ hơn số phận con người Việt Nam.
Tiến tới tổng kết văn học Việt Nam sau chiến tranh
Đúng là nhiều năm qua, lác đác những cá nhân, những nhóm hoặc những tổ chức nào đó thực hiện công việc tổng kết này. Tuy nhiên, để tổng quát, đánh giá diện mạo văn học nửa thế kỷ, tính từ năm 1975, thì chưa có. Để làm được điều này, phải là đội ngũ chuyên ngành, các viện, Hội Nhà văn Việt Nam bắt tay nhau cùng thực hiện.
Một trong những nhiệm vụ của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10 là tiến tới tổng kết văn học 50 năm sau chiến tranh. Vì đây là một vấn đề vô cùng lớn và quan trọng, nên hội đã bắt đầu chuẩn bị, triển khai từ bây giờ. Cụ thể: mời/đặt chuyên gia viết bài, phân công công việc cho các ủy viên ban chấp hành.
Như thế, chúng ta mới có thể tổng kết được diện mạo văn học nửa thế kỷ qua trong nhiệm kỳ này. Đây không phải việc vài tháng hay một năm là xong. Chúng tôi sẽ họp, bàn kỹ lưỡng nội dung, các vấn đề, cũng như các khía cạnh của văn học sau năm 1975, để có cái nhìn rõ nhất, đầy đủ và sòng phẳng nhất có thể.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
|
Lực lượng sáng tác của văn học sau năm 1975 có thể là những người bước ra từ cuộc chiến hoặc những người sinh sau đẻ muộn, không trải qua chiến tranh nhưng lớn lên trong tàn dư rơi rớt. Văn học giai đoạn này được gọi là văn học hậu chiến là vì thế. Nghĩa là, sau cuộc chiến, vẫn còn những vấn đề khắc khoải mà cuộc chiến để lại. Không đơn giản như văn học chiến tranh, số phận con người và thời cuộc được soi chiếu phức tạp hơn, đa diện hơn. Những người từng tham chiến cũng sống và viết trong một tâm thế mới. Họ nhận ra chính mình cần thay đổi. Điều đó là bắt buộc. Độc giả sau chiến tranh cũng có nhu cầu được đọc khác.
Trong bài viết Thời đổi mới: Bước ngoặt lớn của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX, Giáo sư Trần Đình Sử đánh giá: “Thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau 1975 là lớp người đóng góp lớn nhất cho sự nghiệp đổi mới văn học. Họ xuất hiện để làm mới văn học, đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ không có gì để giữ gìn, không có gì để mất. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mỹ học mới, làm phong phú văn học dân tộc”.
Theo nhà thơ Thanh Thảo, thời gian 50 năm đã đủ độ lùi để chúng ta ngồi lại, đánh giá toàn diện thế hệ văn học này. Ông lấy câu thơ của Olga Berggoltz không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên để lưu ý tinh thần của cuộc tổng kết văn học nửa thế kỷ: “Toàn diện, công bằng. Ai, điều gì đóng góp thực sự thì phải chỉ ra. Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên - trở thành tiêu chí của cuộc tổng kết văn học sau năm 1975. Chỉ khi làm được điều đó, thì đó mới là cuộc tổng kết có ý nghĩa cho văn học. Còn không, nó cũng vu vơ, tầm phào, chẳng giải quyết được gì”.
Ông nói thêm: “Tổng kết văn học không có nghĩa là đại trà, liệt kê cho đông vui. Văn học không bao giờ đông vui, cũng không chấp nhận sự đông vui. Nhưng văn học, đồng thời, cũng không bỏ quên những tài năng bị khuất lấp”. Nên thực tế, cụ thể và công bằng. Có những người bị khuất lấp hoặc cố tình bị khuất lấp (mà bằng tài năng văn học của mình, tác phẩm của họ vẫn còn sống nguyên đó), thì phải có cái nhìn sòng phẳng, đánh giá lại.
Cốc Vũ