PNO - Những danh hiệu “Cống hiến”, “Thành tựu trọn đời” đã được trao cho các nhà văn: Lê Lựu, Trang Thế Hy, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp… Họ đều là những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam, để lại cho văn đàn những giá trị không thể thay thế.
Hội Nhà văn TPHCM vừa tổ chức tọa đàm tưởng niệm cố nhà văn Trang Thế Hy (1914-2015), nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, đồng thời tôn vinh ông bằng giải thưởng Cống hiến - giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2024. Dịp này, những người cầm bút và bạn đọc thế hệ sau có cơ hội được nhìn lại những giá trị, đóng góp mà nhà văn đất Bến Tre đã để lại cho văn học Việt Nam. Thập niên 1960, Trang Thế Hy được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm Anh Thơm râu rồng. Năm 1994, tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát được trao tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng tác phẩm Nợ nước mắt được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng thưởng năm 2001.
Nhà văn Trang Thế Hy vừa được Hội Nhà văn TPHCM tôn vinh giải Cống hiến - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
“Nhà văn Trang Thế Hy luôn hướng về phía những số phận lam lũ và yếu thế mà ông xác định cần bênh vực. Ông đã tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những con người bình thường và bình dị. Qua văn chương Trang Thế Hy, mỗi con người đều xứng đáng được cảm thông và nâng đỡ để sống lương thiện và an lành” - nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - nhận định. Tiếp cận tác phẩm từ góc độ phê bình sinh thái, thạc sĩ Nguyễn Hồng Anh - Trường đại học Sư phạm TPHCM - ghi nhận các tác phẩm có bối cảnh vùng đồng quê của nhà văn Trang Thế Hy (Con cá không biệt tăm, Giả đò yêu, Trong trắng, Sách và chim, Trời xanh như mắt em…) đều chuyên chở vẻ đẹp của tình đất, tình người.
“Gia tài” văn chương của nhà văn xứ dừa không phải là quá nhiều (cả sự nghiệp của ông có khoảng 65 truyện ngắn, 20 bài thơ và 4 tiểu thuyết) nhưng các tác phẩm đều có sức sống vượt thời gian. Tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của ông, Nhà xuất bản Trẻ cũng vừa phát hành Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy với các tác phẩm làm nên tên tuổi ông: Anh Thơm râu rồng, Nợ nước mắt, Vết thương thứ mười ba, Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn…
Nếu nhà văn Trang Thế Hy là “đại thụ” đất phương Nam thì nhà văn Lê Lựu (1942-2022) là cây bút của một “thời xa vắng” trên đất Bắc. Ông vừa được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” với những tác phẩm đồ sộ: Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng, Mở rừng, Chuyện làng Cuội, Người cầm súng, Phía mặt trời… Đó là những tác phẩm gắn với tên tuổi của ông từ những năm 1970 cho đến nay.
Nếu như các giải thưởng văn chương thường niên được trao cho tác giả đương thời thì những danh hiệu như giải “Cống hiến” hay “Thành tựu trọn đời” hầu hết đều trao cho những tên tuổi đã khuất. Tôn vinh để tưởng nhớ và nhìn lại, tri ân những giá trị mà các nhà văn đã dành trọn đời để cống hiến cho văn đàn. Trước đó, các Hội Nhà văn từng trao tặng những danh hiệu cao quý này cho các nhà văn: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Văn Nghĩa, Đỗ Nam Cao, Hải Như, Nguyễn Vũ Tiềm, Đoàn
Vị Thượng… Người nằm xuống và trang văn còn mãi
Thế hệ các nhà văn đi trước trải qua những giai đoạn đầy biến động của đất nước, với 2 cuộc kháng chiến - chống Pháp và chống Mỹ, sang thời kỳ bao cấp và đổi mới. Dấu ấn của những “thời đại văn hóa” được nhìn thấy rõ nét trong các sáng tác và đó cũng là một trong những điều làm nên sức nặng, tầm vóc của các tác phẩm vang bóng một thời.
Tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng
Nhắc đến những tên tuổi lớn của văn đàn, bạn đọc nhiều thế hệ đều có thể nhớ đến nhiều tác phẩm còn sống mãi: nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) với Mẫu Thượng Ngàn, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa…; nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) với Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ…; nhà văn Ma Văn Kháng với Mùa lá rụng trong vườn, Đồng bạc trắng hoa xòe, Chó Bi - đời lưu lạc…; nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021) với các tác phẩm về Sài Gòn xưa: Mùa hè năm Petrus; Mùa tiểu học cuối cùng; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy…
“Mai này, còn ai đội gạo lên chùa…” là lời tạ từ mà những người yêu văn chương đã dành cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ngày ông từ giã cõi đời. Đó cũng là lời ngậm ngùi khi văn đàn vắng đi những người cầm bút đã luôn mang đến cho đời bao tác phẩm văn chương đồ sộ, đậm dấu ấn. Các nhà văn sống qua những giai đoạn khác nhau, tác phẩm của họ cũng đẫm đầy chất liệu hiện thực, soi chiếu giá trị của thời đại văn hóa và lịch sử. Những thế hệ cầm bút mới vẫn tiếp nối, những làn gió mới của văn chương đương đại đã là những giá trị mới cùng sự khác biệt về tư tưởng, phong cách trong những câu chuyện phả hơi thở của đời sống hôm nay.
Những “cây đại thụ” của làng văn không còn nữa hoặc đến nay đã ngừng sáng tác, nhưng tác phẩm của họ sẽ còn sống mãi với thời gian. Đó cũng là những “thành tựu trọn đời” không thể thay thế của văn chương Việt.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.