Văn học trẻ: Nhường sân cho 9X

22/06/2017 - 16:16

PNO - Hội nghị viết văn trẻ lần IV khai mạc ngày 21/6 (đến 23/6 tại TP.HCM, Vĩnh Long và Cần Thơ). Được xem là hội nghị cuối cùng của những tác giả sinh năm 1985 trở về trước.

Các cây bút 8X từng “trấn giữ” văn đàn văn chương trẻ một thời sẽ “nhường sân” cho một thế hệ cầm bút mới, trẻ hơn và cũng đầy nội lực.

Tủ sách 8X của NXB Văn hóa Văn nghệ một thời từng gầy dựng được những cái tên: Lê Minh Nhựt, Trương Thanh Thùy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Văn Song Toàn… Nhiều nhà văn đi trước đã kỳ vọng sẽ có một “thế hệ 8X” tạo nên sức sống mới cho văn chương trẻ. 

Van hoc tre: Nhuong san cho 9X

Những tác phẩm được đánh giá cao trên văn đàn trẻ thời gian qua hầu hết là của những cây bút 9X

5 năm qua, mỗi người viết ấy đều có cách riêng để tác phẩm đến với bạn đọc, nhưng để gọi là “tác phẩm đỉnh cao” hay xứng tầm lại không nhiều. Từ sân chơi truyện ngắn ban đầu, các cây bút 8X đã tỏa đi nhiều thể loại: truyện dài, tạp văn, du ký… Nhưng khi có một số lượng lớn những người viết không chuyên biết khai thác đề tài thu hút số đông, rất nhiều tên tuổi 8X dần chìm đi. 

Một phần khác là do nhu cầu của độc giả hiện đại - sách văn học hoàn toàn lép vế trước những cuốn sách du ký trải nghiệm, tản mạn, kỹ năng… Nhưng lý do chính vẫn là mảnh đất văn học chưa được cày xới một cách đúng nghĩa. Nói theo những người trong giới thì người viết trẻ đã không dám chạm đến những vấn đề nóng của xã hội, thiếu dấn thân và tầm vóc của lý tưởng thời đại.

Van hoc tre: Nhuong san cho 9X
 

Sân chơi văn chương trẻ giờ nhường cho những tên tuổi 9X: Đỗ Nhật Phi, Huỳnh Trọng Khang, Phạm Bá Diệp, Đặng Hằng, Hạnh Nguyên… Nhiều tác phẩm gây chú ý thời gian qua như Say, Người ngủ thuê, Nhân gian nằm nghiêng, Mộ phần tuổi trẻ… chính là tác phẩm của những cây bút này. 

“Nhà văn lớn là người tạo ra độc giả. Tôi không thích khi đọc một bài phỏng vấn tác giả mới - khi được hỏi thì bảo rằng chỉ xem văn chương như một cuộc chơi. Tôi tin rằng không có một giọt mực nào rơi trên giấy lại không mang trong mình một sứ mệnh, một trách nhiệm, sự ký thác của người viết” - trong phần tham luận trình bày trước hội nghị văn trẻ, cây bút sinh năm 1994 - Huỳnh Trọng Khang - bày tỏ quan điểm. 

Anh viết Mộ phần tuổi trẻ khi mới 20 tuổi. Cuốn tiểu thuyết ngay sau đó được đánh giá cao và Khang nhanh chóng được đưa vào đội ngũ “gương mặt của văn chương mới”.
Nếu nói Anh Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Iris Cao… viết sách best-seller nhờ nổi tiếng ở các lĩnh vực khác và viết tản mạn phù hợp với độc giả trẻ; thì một sự thật khác cũng có thể thấy: một số cây bút “thức thời” cũng đã chuyển sang thể loại này. 

Van hoc tre: Nhuong san cho 9X
 

Văn chương chính thống - một khái niệm tạm gọi để phân biệt với “văn chương thị trường” - gần như bị chìm khuất trên kệ sách. Nhưng nếu người viết nào cũng chọn một ngã rẽ chung theo thị hiếu, thì văn chương trẻ cũng sẽ trôi trên một dòng chảy bị xem là “vụn vặt, cái tôi bé nhỏ” như đã từng.

“Văn trẻ bội thực nỗi đau cá nhân. Dạo qua một vòng nhà sách, ta dễ dàng bắt gặp những tựa đề hấp dẫn, những bìa sách đẹp mắt của các bạn viết trẻ cùng sự phát triển khủng khiếp của công nghệ và truyền thông. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu lắm những quyển sách viết cho và viết vì người trẻ” - tác giả sinh năm 1995, Nguyễn Đình Minh Khuê, nhìn nhận. 

Dù có được những nhà văn đi trước công nhận hay không, hàng loạt cây bút “thị trường” vẫn tự khẳng định được vị trí và sức hút của bản thân trên mạng xã hội. Sự phát triển ồ ạt của người viết trẻ chỉ bắt đầu sau này, từ những cây bút thuộc “8X đời cuối” (sinh sau năm 1985) về sau. Điều đó cho thấy có một lực lượng viết tiềm ẩn và sẵn sàng… best-seller bất cứ lúc nào.

Van hoc tre: Nhuong san cho 9X

 “Chúng ta còn trẻ. Những kinh nghiệm đời còn chưa làm chúng ta lắng xuống. Chúng ta vẫn đang cháy với những non nớt, những nỗi đau của sự trưởng thành. Chúng ta chưa có định kiến, chúng ta còn đang đầy hoài nghi. Nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta đang ở trạng thái “nửa tỉnh nửa mê” và đó chính là trạng thái lý tưởng cho sáng tác”- chia sẻ của Giải nhất Cuộc vận động văn học tuổi 20 lần V - Đỗ Nhật Phi. 

Trong khi đó, cây bút sinh năm 1996 Vĩnh Thông nhìn thẳng: “Thế mạnh của giới trẻ là tìm tòi và thể nghiệm với bút pháp mới, tư duy mới. Tác phẩm của họ thể hiện những trải nghiệm của tuổi trẻ, những nghĩ suy về cuộc sống với những xúc cảm trẻ trung và chân thật. Nhưng một phần không nhỏ các cây viết trẻ hiện nay muốn chọn cho mình hướng đi an toàn. 

Van hoc tre: Nhuong san cho 9X

Nhiều người lấy lý do mình còn trẻ, nên cố tình tránh những đề tài có chiều sâu hay có ý nghĩa lớn, chỉ chọn viết những tác phẩm nhẹ nhàng phục vụ nhu cầu giải trí của độc giả”.

Đây chính là điều mà nhiều cây bút 8X (thậm chí cả 7X) đã vướng phải. Mong rằng những ngòi bút đầy nội lực của thế hệ 9X khi nhận ra được, sẽ đủ bản lĩnh vượt qua những giới hạn để làm nên một “chân dung thế hệ viết mới”. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI