Văn học thời "xách ba lô lên và đi"

11/02/2017 - 14:10

PNO - Không chỉ chia sẻ trải nghiệm cá nhân, nhiều cuốn sách chứa đựng năng lượng tinh thần tích cực, truyền cảm hứng cho người đọc trẻ. Có tác phẩm trở thành dự án cộng đồng với hàng loạt chương trình trò chuyện, hướng nghiệp ý nghĩa...

Trước tết Nguyên đán 2017, cây bút nữ Nguyễn Thị Kim Ngân khiến người đọc "hết hồn" với câu chuyện đạp xe từ An Giang (Việt Nam) đến Paris (Pháp). Từng có người trẻ đi phượt, du lịch bụi để viết nhưng chưa có tác giả Việt nào có một hành trình “dễ sợ” như Kim Ngân. Ngày ra mắt tác phẩm "Nào, mình cùng đạp xe đến Paris!" (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành), cô tự nhận mình “điên rồ và liều mạng”. Đọc hành trình đạp xe vì môi trường và vì khát vọng khám phá thế giới, nội tâm mãnh liệt của cây bút tuổi 28, mới thấy tiềm ẩn trong những khát vọng của người trẻ hiện đại chính là có được những cuộc “dấn thân toàn cầu”.

Kiểu đi du lịch vòng quanh thế giới bằng cách quá giang xe, đi xe máy, xe đạp… không lạ với người phương Tây. Những chuyến đi kiểu này của tác giả Việt trước đây khá hiếm. Nhưng kể từ Huyền Chip (với những cuốn sách du ký đình đám "Xách ba lô lên và đi", "Đừng chết ở châu Phi!"), đến nay đã có nhiều người trẻ khác truyền cảm hứng bằng những chuyến đi ấn tượng không kém: Đinh Hằng từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để viết cuốn "Quá trẻ để chết!", Đinh Phương Linh đạp xe từ Bắc Kinh về Hà Nội để viết "Đường về nhà"; Võ Mỹ Linh chinh phục núi Everest và viết "Bên kia đồi", giờ là Kim Ngân vượt 15.000km từ Việt Nam đến Paris…

Van hoc thoi
Các cây bút trẻ hiện nay

Mô hình couchsurfing - hệ thống chỗ ở miễn phí kết nối toàn cầu đã giúp những người đi bụi tiết kiệm tối đa chi phí, mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa, làm đầy trải nghiệm và tri thức trong họ. Một cách nào đó, có thể thấy đây là những cuộc dấn thân đáng nể của một lớp người viết trẻ hiện đại. Bởi thế, không lạ khi những cây bút - dù chưa được gọi là nhà văn chuyên nghiệp này đều có lượng độc giả không nhỏ.

Cách đây không lâu, nhóm tác giả trẻ Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh và Phạm Anh Đức có buổi giao lưu ra mắt cuốn sách viết chung: "Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới "(Alpha Books và NXB Thế giới ấn hành), thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự. Ba tác giả đều là những người trẻ năng động, hiện đã là công dân toàn cầu (khái niệm về những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có một hoặc nhiều quốc tịch). Cùng với dự án sách là chuỗi sự kiện giao lưu truyền cảm hứng Những bước trở thành công dân toàn cầu tại TP.HCM, Vinh (Nghệ An) và Hà Nội.

“Tìm kiếm bản thân, định hướng đường đi, thay đổi thái độ, nắm bắt cơ hội, vượt qua những thử thách, thành công tại xứ người, đóng góp cho thế giới…” là những tiêu chí nổi bật cho “lộ trình” trở thành công dân toàn cầu của ba tác giả này.

Hồ Thu Hương (sinh ra ở Hà Nội và lớn lên tại Cộng hòa Séc, từng sống và làm việc tại Argentina, Mexico, Canada, hiện định cư tại Boston, Mỹ) chia sẻ rằng từ nhỏ cô đã tự rèn luyện ngoại ngữ, tham gia các khóa học tìm hiểu về các nền văn hóa. “Không ngừng tìm kiếm cơ hội đi qua những cuộc thi đầy thử thách để hiện thực hóa giấc mơ” của mình là cách Hương đã làm, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.

Còn Phạm Anh Đức (từng sống và làm việc tại Brazil, Pháp, Anh, hiện công tác tại Thượng Hải, Trung Quốc), bắt đầu vào đại học đã lên kế hoạch đến một đất nước thuộc mỗi châu lục, hoạt động tình nguyện trong các tổ chức toàn cầu. Nhìn hình ảnh Đức ngồi tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ) thảo luận về vấn đề sử dụng súng trên thế giới, mới thấy những nỗ lực cho “giấc mơ không tưởng” của cậu rồi cũng thành hiện thực.

“Thái độ của bản thân ảnh hưởng rất lớn tới kết quả mà mình mong muốn. Tôi luôn mỉm cười dù cuộc sống có khó khăn đến đâu” - chia sẻ của Nguyễn Phan Linh cũng là tinh thần chung của ba công dân toàn cầu này khi dám chọn những con đường khó mà đi ra với thế giới. Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới được viết như cuộc tái hiện chi tiết mọi lịch trình, những nỗ lực cũng như khó khăn có thể gặp. Cũng có thể xem đây là một “cẩm nang” cho hành trình trở thành công dân toàn cầu của bất kỳ người trẻ nào giữ cùng giấc mơ.

Van hoc thoi
"Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chíp

Văn chương “thuần túy”, tản văn - nói theo dự báo của một chuyên gia ngành sách - có thể sẽ lùi lại một bước, nhường chỗ cho dòng sách truyền cảm hứng. Thời của những cuốn sách dạng “vác ba lô lên và đi” vẫn còn, cùng với những câu chuyện chia sẻ trải nghiệm thật của những người trẻ ưu tú có thể sẽ là một xu hướng xuất bản mới trong năm 2017, minh chứng qua sự đón nhận nhiệt tình của người trẻ với những hoạt động truyền cảm hứng cho “giấc mơ toàn cầu”.

Như với loạt chương trình "Bật nút công dân toàn cầu" của doanh nhân Nguyễn Phi Vân, tác giả cuốn sách "Quảy gánh băng đồng ra thế giới" trước đó. Thông qua những câu chuyện thực tế và cả bản lĩnh dấn thân, “người truyền cảm hứng” Nguyễn Phi Vân đã có những buổi giao lưu đầy hào hứng, ý nghĩa với sinh viên các trường đại học tại TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước. Bài học về sự dấn thân và thành công chưa bao giờ thôi thu hút. Đó cũng là lời lý giải cho những cuốn sách của tác giả "Tony Buổi Sáng" (Cà phê cùng Tony và Trên đường băng) luôn là hai tựa sách bán chạy nhất trong suốt ba năm qua.

Có một “thế hệ trẻ thiếu dấn thân, thiếu trải nghiệm, sa đà vào cảm xúc vụn vặt cá nhân” theo đánh giá của nhiều người đi trước. Nhưng cũng có một thế hệ trẻ rất bản lĩnh, dám nghĩ dám làm và luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Họ trở thành những tác giả không chuyên nhưng lại cùng góp phần tạo nên một dòng chảy truyền cảm hứng dấn thân tích cực.

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI