Văn học thiếu nhi từ cảm hứng đồng bằng

26/04/2015 - 08:39

PNO - PN - Trong dòng chảy vốn dĩ không quá sôi động của văn chương Việt, văn học thiếu nhi như một mảng trầm mà mỗi khi bàn đến, người trong giới không khỏi chạnh lòng với mẫu số chung: thiếu vắng và ít lan tỏa. Nhưng, đâu đó vẫn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Van hoc thieu nhi tu cam hung dong bang

Nhà văn Trần Quốc Toàn trong vòng vây của độc giả tại một buổi giao lưu các nhà văn viết cho thiếu nhi khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Trong một cuộc trò chuyện về văn học thiếu nhi mới đây, nhà văn Võ Diệu Thanh - cây bút đoạt giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 4 bật mí: chị vừa hoàn thành một câu chuyện cho các em nhỏ.

“Mục đích là nâng cao khả năng ngôn ngữ và trí tưởng tượng cho các em. Tôi có cơ hội mỗi ngày tiếp xúc, am hiểu trẻ nhỏ nên thấy thế giới của các em vô cùng phong phú. Tôi muốn kể cho các em nghe một câu chuyện hoàn toàn gần gũi với trí tưởng tượng và sự hồn nhiên của các em. Lâu nay người lớn nói là viết cho thiếu nhi nhưng thường áp đặt suy nghĩ, quan điểm của mình vào tác phẩm. Điều đó rất khó chạm được vào suy nghĩ của trẻ nhỏ bây giờ” - nhà văn, cô giáo Võ Diệu Thanh (hiện là giáo viên Trường tiểu học Chợ Vàm B, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Trong cuốn sách đang được NXB Kim Đồng biên tập lần này, Võ Diệu Thanh cũng là tác giả minh họa những bức tranh giàu trí tưởng tượng. “Các em thiếu nhi thích đọc sách tranh nhiều hơn chữ, nên tôi cố gắng để các em tiếp cận thị giác trong những câu chuyện càng nhiều càng tốt”.

Bắt đầu từ cảm hứng đồng bằng với những giá trị riêng biệt, nhiều ấp ủ tâm huyết đã được bộc bạch. Nhà văn Mai Bửu Minh cho biết, anh đang ôm ấp câu chuyện mang chút phiêu lưu kỳ bí về vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Gắn với đời sống của ngư dân, nguồn gốc các ngư cụ truyền đời là câu chuyện về một cậu bé và con tàu ma bí ẩn.

Văn chương đồng bằng đã từng có những tên tuổi tạo nên tác phẩm có giá trị vượt thời gian và ở lại trong lòng nhiều thế hệ độc giả như các nhà văn Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng… Thế hệ người cầm bút kế thừa vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn cho văn học thiếu nhi đương đại.

Nhà văn Trần Quốc Toàn, người luôn nặng lòng với những tác phẩm viết cho thiếu nhi nhắc nhớ về một thời “vàng son” khi những tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi được phát hành lên đến hàng chục ngàn bản, nhà văn “sống khỏe” với tiền nhuận bút. Còn bây giờ, nhà văn vẫn nỗ lực đóng góp nhưng trong tâm thế khá phập phồng về số lượng bản in và lựa chọn của độc giả.

Tổng kết tại Hội sách TP. Cần Thơ lần 1/2015 vừa qua, thể loại sách được mua nhiều nhất ngoài hạt giống tâm hồn là truyện tranh các loại. Thế nên cũng có băn khoăn trước sự lấn át của sách truyện manga Nhật Bản, làm thế nào để độc giả nhỏ tuổi có thể quay về với những tác phẩm văn học thiếu nhi của đồng bằng? Trăn trở này của nhiều bậc phụ huynh cũng là nỗi lo chung của các nhà văn.

Trương Văn Tuấn - cây bút trẻ An Giang vẫn đang dành toàn thời gian sáng tác truyện thiếu nhi, anh nói ngoài những hỗ trợ từ hội nghề nghiệp hay NXB, chính các nhà văn cũng cần nỗ lực hết mình trên con đường chinh phục trái tim độc giả nhí.

Vẫn còn là một “con đường khó”, song trước những thao thức và nhiệt tâm dành cho văn học thiếu nhi, những lời hứa từ các cây bút đồng bằng ít nhiều mở ra một kỳ vọng về sự ra đời của những tác phẩm văn học hứa hẹn gần gũi, thu hút các em nhỏ trong thời gian tới.

 TIỂU QUYÊN

Sẽ tái bản tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi

Sau khi ký hợp đồng độc quyền tái bản loạt tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng, NXB Kim Đồng đang có kế hoạch tái bản các tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi. Ông Cao Xuân Sơn - Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM nói, cần mang những tác phẩm văn học có giá trị một thời đến với thế hệ độc giả hôm nay, khi văn học thiếu nhi đương đại vẫn đang là một khoảng trống những tác phẩm có dấu ấn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI