Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) vừa phối hợp thực hiện đề án Trao giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em, bắt đầu từ năm nay. Đề án xây dựng giải thưởng cho văn học thiếu nhi của TP.HCM cũng đã được trình lên UBND TP.HCM phê duyệt. Ngoài ra, còn có giải thưởng Dế Mèn (báo Thể thao và Văn hóa), giải Sách hay thường niên… Những giải thưởng đã cùng khởi động, liệu có thể là “đòn bẩy” sáng tạo cho những người cầm bút?
Người viết nhiều nhưng thiếu sức bật
Ngày 1/6, báo Thể thao và Văn hóa sẽ công bố kết quả giải thưởng Dế Mèn lần 2/2021 (mùa giải đầu tiên được tổ chức năm 2020). Theo thông tin từ ban tổ chức, có 120 tác phẩm gửi về dự giải, đa dạng thể loại, đề tài. Theo đánh giá của hội đồng chung khảo, có hơn mười bản thảo chất lượng khá tốt, hoàn toàn có thể in thành sách. Năm 2020, ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giải Dế Mèn còn được trao cho nhà văn trẻ Nguyễn Chí Ngoan, cây bút nhí Cao Khải An (con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)…
|
Một số tác phẩm văn học thiếu nhi vừa được ra mắt chào hè của nhà xuất bản Kim Đồng |
Chỉ qua hai mùa giải Dế Mèn, có thể thấy lực lượng người viết cho thiếu nhi không ít. Những cuộc thi, giải thưởng là cơ hội thu hút tác phẩm dự thi, phát hiện các cây bút mới. Những năm qua, có rất nhiều tựa sách cho thiếu nhi được xuất bản, nhưng không nhiều tác phẩm tạo được sức bật. Khi nhìn nhận lại diện mạo của văn học thiếu nhi hiện nay, góc nhìn chung nhất của giới quan sát, những người làm nghề, phần lớn là đánh giá không mấy khả quan.
Ngoài những tên tuổi nhà văn có tác phẩm tạo dấu ấn sâu đậm trong dòng văn học thiếu nhi Việt Nam: Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Dương, Vũ Hùng… lực lượng viết cho thiếu nhi được kế thừa bởi nhiều người viết trẻ. Nhưng nếu gọi là đã có những nhân tố mới nổi bật thì vẫn chưa hẳn.
“Nếu có được những giải thưởng danh giá dành cho văn học thiếu nhi, tôi nghĩ đó cũng là động lực thúc đẩy sáng tác cho những người cầm bút. Giải thưởng sẽ cho cuốn sách một danh phận mới, ít nhiều góp phần lan tỏa cho tác phẩm” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, người xây dựng đề án giải thưởng văn học thiếu nhi TP.HCM nhìn nhận. Theo bà, dù giải thưởng văn học không phải lúc nào cũng là đích đến của người cầm bút, nhưng sự vinh danh các tác phẩm xứng đáng hoàn toàn có thể trở thành động lực, khích lệ cho họ. Tác phẩm được trao giải định vị được giá trị trên văn đàn, và tạo dấu ấn với bạn đọc. “Và không chỉ trao giải là xong, bước tiếp theo là cần đưa tác phẩm đến với trường học, được đông đảo bạn đọc đón nhận, thì tác phẩm ấy sẽ nổi bật hơn” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nói thêm.
Ở góc độ người sáng tác, nhà văn Võ Thu Hương cho rằng, tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay nhiều, nhưng vẫn ít nổi bật có một phần lý do từ chủ thể sáng tạo. Chị cho biết: “Nhược điểm lớn của nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay là nhà văn còn áp đặt góc nhìn của người lớn vào thế giới trẻ thơ, hơn là thật sự đặt mình vào tâm thế của trẻ con, để thấu hiểu và nhìn nhận, chia sẻ với các cháu. Vì vậy, bạn đọc nhỏ tuổi có thể không cảm nhận được sự gần gũi”.
Cần có sự khích lệ
Khi nói đến văn học thiếu nhi, ý niệm chung của nhiều người thường là tác phẩm được viết ở các thể loại văn chương: truyện ngắn, truyện vừa hoặc truyện dài, tiểu thuyết. Tuy nhiên, có một mảng sách cho bạn đọc nhỏ tuổi được phát triển khá đa dạng trong thời gian qua là dòng sách về văn hóa - lịch sử, khám phá - du lịch, sách tranh kỹ năng, những mẩu chuyện nhỏ về gia đình...
Mảng sách thiếu nhi hiện nay còn có sự “vào cuộc” những cây bút nhí: Nguyễn Bình, Cao Việt Quỳnh, Cao Khải An… Lợi thế của các tác giả nhí là viết sách cho bạn đọc tuổi mình, hiểu rõ tâm tư và bày tỏ suy nghĩ đồng điệu với thế hệ mình. “Nhưng cũng rất khó nói trước về lựa chọn đường dài của các cây bút nhí. Nếu các em vẫn giữ được niềm đam mê văn chương, trí tưởng tượng phong phú và nhiều cảm xúc thì có thể đây cũng là một thế hệ đáng kỳ vọng” - bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc công ty sách Chibooks, đơn vị xuất bản bộ sách fantasy Người sao chổi của cây bút nhí Cao Việt Quỳnh, nhìn nhận.
|
Nhà văn Võ Thu Hương cho rằng sách cho thiếu nhi đã có được những bước thay đổi khá lạc quan những năm gần đây. Nhiều năm trước, sách cho trẻ nhỏ chủ yếu là sách dịch, nay đã có sự tham gia của nhiều tác giả, đa dạng lĩnh vực: nhà văn, giáo viên, bác sĩ, phụ huynh viết sách cho con… Dù không phải là sáng tác văn chương, nhưng những sáng tạo đa chiều với đề tài đa dạng, thể loại phong phú ấy vẫn có cách tiếp cận riêng với bạn đọc nhỏ tuổi.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho rằng: “Tiềm năng mảng sách thiếu nhi còn rất lớn, và có nhiều cách để khai thác tốt. Hiện tôi cũng đang phụ trách thực hiện dự án Sách Lãng Du với các tác giả là sinh viên, đề tài liên quan đến du lịch, văn hóa, nghệ thuật của thành phố và tại một số tỉnh, thành. Tôi nghĩ rằng người trẻ không thiếu sáng tạo, quan trọng là họ có được niềm khích lệ, động lực để viết sách cho trẻ nhỏ”.
Sẽ khập khiễng nếu so sánh lực lượng viết cho thiếu nhi hiện nay với các thế hệ nhà văn đi trước - những người xem việc sáng tác cho thiếu nhi là lựa chọn, tâm tư cả đời. Những giải thưởng mở ra cho văn học thiếu nhi trước mắt là niềm khích lệ cho những người cầm bút. Hy vọng văn đàn văn học thiếu nhi sẽ dần được lưu dấu ấn bằng những tác phẩm được trao giải và những tên tuổi đáng kỳ vọng.
Lục Diệp