Không thiếu tác phẩm hay
Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam vừa có buổi giao lưu trò chuyện với các nhà văn Nga, trước thềm Festival Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương 2021. Chibooks cũng vừa tham gia Hội thảo xuất bản sách thiếu nhi Trung Quốc - ASEAN lần hai trong khuôn khổ Hội sách Bắc Kinh lần thứ 28 và chính thức là thành viên của Liên minh xuất bản sách thiếu nhi Đông Nam Á.
Văn học thiếu nhi Việt Nam đã có những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành tại nhiều nước trên thế giới như: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần)… Nhưng đó cũng chỉ là những con số ít ỏi so với bề dày hàng thập niên văn học, cùng với sự thay đổi, tiếp nối của những thế hệ người cầm bút.
|
Một số tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành tại nhiều nước trên thế giới |
“Lực lượng sáng tác hiện nay có sự góp mặt của đông đảo nhà văn, tác giả viết cho thiếu nhi. Ở mỗi thế hệ, mỗi nhà văn có một cách thể hiện khác nhau, tạo nên sự đa dạng của thế hệ mình” - nhà văn Phong Điệp nhìn nhận. Có thể thấy rõ hai nhánh nổi bật: thứ nhất là tác phẩm của các nhà văn viết về ký ức tuổi thơ những năm thập niên 1960, 1970… thứ hai là câu chuyện từ trải nghiệm của các tác giả trong cuộc sống sinh hoạt gia đình hôm nay. Bên cạnh đó là những câu chuyện phiêu lưu, kỳ ảo, khám phá tự nhiên…
Trong sân chơi toàn cầu hóa văn học, theo bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty sách Chibooks - các tác phẩm sách thiếu nhi (cả nội dung và tranh vẽ) nếu muốn được các đối tác chú ý, cần thể hiện được giá trị bản sắc của từng nước. Đây cũng là đúc kết từ thực tế quan sát, trao đổi kinh nghiệm của Chibooks với các nước trong khuôn khổ Hội sách Bắc Kinh vừa qua. Đồng tình với ý kiến này, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng, việc lựa chọn tác phẩm giới thiệu ra thế giới nên chú trọng các tác phẩm mang dấu ấn Việt, hoặc ít ra phải có những yếu tố Việt và được bạn đọc nhỏ tuổi trong nước đón nhận.
Nhìn lại những giá trị của văn học thiếu nhi Việt Nam, có thể nói rằng chúng ta không thiếu tác phẩm hay để giới thiệu với bạn bè thế giới. Dù không phải tác phẩm nào cũng đặc sắc, nổi bật, nhưng có không ít tác phẩm đã tạo dấu ấn, được bạn đọc yêu thích, được trao các giải thưởng văn học trong nước, chứa đựng những “giá trị phổ quát” về thiên nhiên và con người.
|
|
Cuộc kết nối giao lưu với các nhà văn Nga lần này, Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn tham dự như: Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều), Xóm bờ giậu, Trên đôi cánh chuồn chuồn (Trần Đức Tiến), Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy), Hoàng tử Rơm, Chuyện kể ở lớp cây me, Tay chị tay em, Cút cà cút kít (Nguyễn Thị Kim Hòa)… Những tên tuổi viết cho thiếu nhi còn phải kể đến: Phùng Quán, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương, Lê Phương Liên, Vũ Hùng…
Nguồn lực tác phẩm Việt rất dồi dào. Nhưng với văn học thiếu nhi nói riêng cũng như việc “xuất khẩu” văn chương Việt nói chung, lâu nay các nhà làm sách trong nước vẫn chưa bắc được nhịp cầu thuận lợi, và cũng chưa thật sự để tâm đầu tư vào đó. Nhà văn Kiều Bích Hậu bày tỏ hy vọng thông qua việc kết nối giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Nga lần này, có thể mở ra cơ hội “xuất bản chéo” cho các tác phẩm văn học thiếu nhi giữa hai nước. Đây cũng là tín hiệu tốt để hy vọng.
Cần có chiến lược lâu dài
Trong cuộc trò chuyện với các nhà văn Nga, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ thông tin: Lần đầu tiên, Hội Nhà văn Việt Nam xem văn học thiếu nhi là chiến lược quan trọng, đầu tư dài hạn. Động lực cho điều đó chính là giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em, được Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp thực hiện, khởi động từ năm nay.
|
|
“Chiến lược lâu dài” cũng là mối lưu tâm của bà Nguyễn Lệ Chi khi kỳ vọng về việc xuất khẩu sách thiếu nhi trong nước. “Tôi nghĩ, muốn bán được bản quyền sách ra thế giới, chúng ta phải hiểu được yêu cầu của các nhà xuất bản lẫn nhu cầu của độc giả các nước. Và nếu đã có chủ trương hướng đến việc xuất khẩu sách, các đơn vị làm sách trong nước cần phải đầu tư, xây dựng nền tảng giá trị lâu dài”, bà Nguyễn Lệ Chi nói. Chibooks cũng vừa chính thức trở thành thành viên của Liên minh xuất bản sách thiếu nhi Đông Nam Á, mở một cơ hội cho giao lưu kết nối trong khu vực. Điều này có được từ mối quan hệ cá nhân và là mục tiêu phát triển sách thiếu nhi của Chibooks. Còn các nhà làm sách Việt Nam khác có mong muốn và đủ tiềm lực cùng tham gia vào sân chơi chung hay không, lại là một chuyện khác.
Rào cản lớn nhất - theo các nhà văn cũng như các nhà làm sách - chính là vấn đề kinh phí đầu tư, dịch thuật để có thể quảng bá tác phẩm Việt ra thế giới. Ở các nước như Nga, Hàn Quốc, Malaysia… đều có được sự hỗ trợ đầu tư lớn từ nhà nước cho việc phát triển, quảng bá văn học nghệ thuật nước nhà. Giới thiệu tác phẩm văn học có giá trị ra thế giới, còn là câu chuyện của “xuất khẩu văn hóa” mà bấy lâu nay Việt Nam chưa có được sự quan tâm đầu tư.
Lục Diệp