Văn học Tây Nguyên chờ dấu ấn mới

20/04/2023 - 08:17

PNO - Không gian văn hóa Tây Nguyên giàu bản sắc là “mảnh đất màu mỡ” cho văn học song chưa nhiều tác phẩm từ vùng đất này bật nổi. Những câu chuyện từ núi rừng vẫn đang được chờ đợi sẽ khẳng định tầm vóc.

Hội Nhà văn Việt Nam vừa phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm “Văn học Tây Nguyên trong tiến trình xây dựng đất nước” tại TP Buôn Ma Thuột, vào ngày 16/4. Đây cũng là dịp để các nhà văn 5 tỉnh Tây Nguyên gặp gỡ, chia sẻ những tâm tư về văn chương của vùng đất mình.

Một số tác phẩm văn học Tây Nguyên đương đại
Một số tác phẩm văn học Tây Nguyên đương đại

Nhiều tác phẩm còn mang tính cá nhân cao 

Nếu không kể đến văn học dân gian, văn học Tây Nguyên cho đến thời điểm này, khi nhắc đến những dấu ấn nổi bật, nhiều người chỉ nhớ đến Rừng xà nu và Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. 

Nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm nói không phải văn học Tây Nguyên không có thành quả. Theo bà, các tác giả đã và đang sinh sống ở vùng đất này đều có ít nhiều cống hiến cho văn chương, nhưng lâu nay thiếu những nhà phê bình chú ý đến tác phẩm của họ. Một phần không được quan tâm nên văn học Tây Nguyên đương đại đã không được nhìn thấy trên bản đồ văn học Việt Nam. Tuy nhiên, nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk - nhìn nhận: nhiều tác phẩm của người cầm bút Tây Nguyên còn mang tính cá nhân rất cao, chưa đủ tạo dấu ấn sâu sắc và cũng chưa thể gọi là đã đóng góp được cho văn học nước nhà những tác phẩm tầm vóc. 

Lực lượng tác giả của 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay không nhiều. Trong đó có thể kể đến một số nhà văn đã có tên tuổi và thành tựu: Trúc Hoài (Từ sông Krông Bông, Từ những tháng năm, Vượt dải Trường Sơn), Thu Loan (Sương chưa tan làng trăng, Cuốn trong dòng lũ, Pơthi, Giữa cõi âm dương), Đặng Bá Canh (tập truyện Rừng xa), Phạm Đức Long (tác phẩm Lưu lạc)…; các nhà thơ Văn Công Hùng (đã in hơn 10 tập thơ), Tạ Văn Sỹ (các tập thơ: Mặt đất, Ở núi, Tùy khúc, Cõi người…) cùng những người viết trẻ: Đào Thu Hà, H’Xíu H’Mok, Ngô Thanh Vân…

Các cây bút Tây Nguyên vẫn đã và đang viết về nơi mình đang sống. Tác phẩm của họ ít nhiều được biết đến trong giới văn chương nhưng chưa thực sự phổ biến và lan tỏa đến công chúng. 

Những câu chuyện từ làng 

“Chúng ta sẽ viết gì và viết như thế nào trên mảnh đất chứa đựng những giá trị văn hóa kỳ diệu này?” - đó là điều nhiều người cầm bút ở Tây Nguyên trăn trở. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhắc đến tác phẩm Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez - câu chuyện viết về ngôi làng của một dòng họ sống qua trăm năm và trở thành một phần lịch sử của Colombia. Ông muốn nói rằng, mỗi ngôi làng/cộng đồng đều có những câu chuyện, những giá trị mà nếu nhà văn có đủ tầm, đủ tài sẽ có thể đưa ngôi làng văn hóa đó vào trang viết, tác phẩm hay sẽ đủ sức bật và trường tồn với thời gian.

“Câu chuyện từ làng” là một khái niệm chỉ dấu vùng đất, không gian sống quen thuộc của người cầm bút. Thực tế, nhà văn mỗi miền đều đã đưa văn hóa của vùng đất nơi họ sống vào trang viết. Còn đại ngàn hùng vĩ chứa đựng biết bao giá trị bản sắc, bao di sản văn hóa là những điều huyền bí lại đang là vùng văn hóa còn thiếu vắng trong văn học hôm nay. Đó là điều rất đáng tiếc. Các sách nổi bật và dễ tìm thấy về không gian văn hóa Tây Nguyên hiện nay chủ yếu thuộc văn học dân gian (sử thi) và sách nghiên cứu, tư liệu.

Nhà văn Đặng Bá Canh - Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Đắk Nông - cho rằng, những tác giả tại địa phương là lực lượng được kỳ vọng sẽ hiểu sâu và viết hay về vùng đất, vùng văn hóa nơi họ sinh sống. Theo ông, việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng người viết trẻ tại địa phương cũng vô cùng quan trọng. Không chỉ là những cây bút đồng bào dân tộc mà còn là những tác giả người Kinh đang sống và viết ở vùng đất này.

“Tây Nguyên xa xôi với các đô thị nhưng lại là vùng đất màu mỡ, rất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng là mảnh đất đã trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Thế nhưng vẫn thiếu tác phẩm mang dấu ấn văn hóa, chân dung và đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu mỗi tác giả đều có ý thức chú trọng đề tài này, biết đâu tác phẩm sẽ mang màu sắc riêng, giúp người đọc nhớ và hiểu về bản sắc, con người Tây Nguyên. Một tác phẩm như thế cũng dễ tạo nên dấu ấn cho tên tuổi của tác giả” - nhà thơ Thu Loan (Gia Lai) nhắn nhủ. 

Viết về Tây Nguyên xanh không chỉ chờ các nhà văn, các cây bút trẻ tại địa phương mà không gian văn hóa đại ngàn vẫn đang chờ đợi mọi người cầm bút. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI