Văn học sử: Dòng chảy âm thầm nhưng đầy cuốn hút

20/02/2025 - 07:44

PNO - Tiểu thuyết lịch sử trầm lắng trong dòng chảy chung của văn học, nhưng luôn để lại dấu ấn cho văn đàn. Cuộc tái dựng các triều đại cùng không gian văn hóa và số phận con người trong lịch sử qua các tác phẩm luôn thu hút bạn đọc.

Những “cường nữ” thời gió bụi

Những ngày đầu tháng Hai, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ tin vui: tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi vừa được tái bản lần thứ ba. Đây là tác phẩm viết về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, ra mắt lần đầu vào năm 2021. Dựa trên nguồn tư liệu sử lẫn nhiều tài liệu tham khảo, nhà văn Lê Phương Liên đã khắc họa chân dung và cuộc đời của nữ sĩ tài hoa một cách chân thật và đầy sức hút.
Nữ sĩ thời gió bụi nhận được nhiều lời khen về khả năng dẫn chuyện tài tình của nhà văn, yếu tố lịch sử và dã sử kết hợp nhuần nhuyễn. Trong tác phẩm này, bạn đọc còn “gặp” được những nhân vật đương thời: thi sĩ Đặng Trần Côn, quận công Nguyễn Nghiễm - cha của đại thi hào Nguyễn Du, danh y Lê Hữu Trác… Cuộc tái dựng cuộc đời các nhân vật cũng như không gian văn hóa cách nay hơn 2 thế kỷ đầy dụng công và tài năng của nhà văn đã góp cho văn đàn một tác phẩm đậm dấu ấn.
Những nhân vật “nữ cường” trong lịch sử là niềm cảm hứng cho nhiều người cầm bút. Hai Bà Trưng xuất hiện trong tiểu thuyết Trưng Nữ Vương của nhà văn Phùng Văn Khai và Trống Đồng của nhà văn gốc Việt Phong Nguyễn. Trong khi đó, Bà Triệu từng được viết trong tiểu thuyết lịch sử Vua Bà Triệu Ẩu của tác giả Nguyễn Tử Siêu. Ngoài ra còn có Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong tác phẩm Tây Sơn phụng thần ký (tác giả Thành Châu, phát hành năm 2023), Lý Chiêu Hoàng trong Nguyệt thư ảnh kiếm (Bình Chi, 2023)…

Một số tác phẩm thuộc dòng văn học sử gây dấu ấn sâu đậm với độc giả
Một số tác phẩm thuộc dòng văn học sử gây dấu ấn sâu đậm với độc giả

Đặc biệt, hình tượng nhân vật các nàng công chúa qua các triều đại được nhiều nhà văn khai thác và đó đều là những tác phẩm ghi dấu sâu đậm trong dòng chảy của văn học sử. Nổi bật có Huyền Trân công chúa (Hoàng Quốc Hải), Bí mật về Huyền Trân công chúa (Viết Linh, sau này được tái bản với các tiêu đề khác: Chuyện tình Huyền Trân công chúa, Huyền Trân công chúa)… Bộ tiểu thuyết gây tiếng vang gần đây nhất là Công chúa Đồng Xuân (2 tập) của nhà văn Trần Thùy Mai, viết về công chúa Nguyễn Phúc Gia Phúc, con gái vua Thiệu Trị. Trước đó, nhà văn Trường An có tiểu thuyết Hồ dương viết về công chúa Ngọc Du - chị gái của Nguyễn Ánh, Vũ tịch viết về công chúa Lê Ngọc Bình - con gái út vua Lê Hiển Tông…

Số phận thăng trầm trong biến loạn của những nàng công chúa cũng như những ẩn khuất của lịch sử cho nhà văn không gian sáng tạo, hư cấu và suy đoán, kiến giải thời đại qua góc nhìn của hậu thế. Đây chính là một trong những yếu tố thu hút bạn đọc của thể loại tiểu thuyết lịch sử/dã sử.

Âm thầm nhưng đặc sắc

Văn học sử vốn là dòng chảy trầm lắng, ít xuất hiện theo trào lưu hay mang tính bề nổi. Dù vậy, các tiểu thuyết lịch sử/dã sử đều thu hút được lượng độc giả riêng. Những giải thưởng tôn vinh cũng như số lần tái bản cho thấy các tác phẩm không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn được bạn đọc quan tâm, đón nhận.

Bộ tiểu thuyết ngàn trang Từ Dụ thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai từng là hiện tượng văn chương khi ra mắt vào năm 2019. Tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân tiếp tục tạo tiếng vang với giải thưởng Văn học cố đô lần thứ 7-2024. Các tác phẩm được tôn vinh tại những giải thưởng văn chương, ghi dấu cho văn học sử những năm qua còn có: Thông reo Ngàn Hống (Nguyễn Thế Quang), Ngô Vương (Phùng Văn Khai)… Bên cạnh đó là những tác phẩm có giá trị vượt thời gian: An Tư công chúa, Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần, Câu thơ yên ngựa (Hoàng Quốc Hải)…

Không chỉ các nhà văn thế hệ trước, những người cầm bút trẻ cũng đã cùng dấn bước với văn học sử. Trường An là một trong số ít cây bút thuộc thế hệ 8X theo đuổi thể loại đầy thử thách này. Tác giả Đặng Hằng có Nhân gian nằm nghiêng, viết về triều đại nhà Trần (từng được trao giải Bạn đọc yêu thích nhất tại giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 6). Cây bút trẻ Phạm Thúy Quỳnh từng viết Trăng trong cõi - tiểu thuyết dã sử về vua Lê Long Đĩnh… Sự khác biệt trong cách tiếp cận của người viết trẻ đối với thể loại này là chọn hình thức “xuyên không”, để nhân vật chính được quay về quá khứ và trở thành một phần của lịch sử. Họ ở đó chứng kiến và kể lại, kiến giải, mở rộng trường liên tưởng theo góc nhìn của nhà văn. Các tác phẩm đều là sự dụng công tái dựng các triều đại, không gian văn hóa và số phận của những con người trong lịch sử.

Dòng chảy của văn học sử với đề tài từ thời cổ đại đến cận đại đã và đang được những người cầm bút tiếp tục khai thác. Thể loại này ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà văn nhiều thế hệ, với rất nhiều tác phẩm: Bửu Sơn Kỳ Hương (Lý Lan, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022), Nắng Thổ Tang (Đinh Phương, giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021), Đức Thánh Trần (Trần Thanh Cảnh), Trần Khánh Dư (Lưu Sơn Minh), Vua Thành Thái (Nguyễn Hữu Nam)…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI