Văn học nghệ thuật TPHCM: Bảo tồn song hành phát triển

25/07/2023 - 20:30

PNO - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

 

Báo cáo tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW vào chiều 25/7, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung tham mưu, ban hành nhiều chính sách gắn với thực tiễn hoạt động trên lĩnh vực VHNT, góp phần hiệu quả vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành; xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình, hướng đến phát triển các hoạt động sự nghiệp, hình thành nhiều thương hiệu văn hóa trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức báo cáo tổng kết hội nghị.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức báo cáo tổng kết hội nghị

Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các di sản đã được UNESCO ghi danh luôn được quan tâm.

Một nét đặc thù là trên địa bàn TPHCM còn có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể từ khắp mọi miền đất nước du nhập vào, như: ca trù, dân ca quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ… Thành phố cũng đã chỉ đạo giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian trong học đường, đẩy mạnh bồi đắp kiến thức, tình yêu nghệ thuật dân tộc, các giá trị chân - thiện - mỹ cho thế hệ trẻ.

Sôi động nhất là hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT luôn được định hướng về tư tưởng lẫn thẩm mỹ nghệ thuật, gắn với các sự kiện lớn của đất nước và thực tiễn của thành phố. Trong đó, với quan điểm đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển VHNT, TPHCM cũng là nơi có các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động nhộn nhịp nhất, mang đến nhiều sản phẩm VHNT đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh cho người dân.

Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: Quốc Thanh.
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: Quốc Thanh

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận những thành quả VHNT TPHCM đạt được trong 15 năm qua. Đặc biệt, trong 2 năm 2020 - 2021 ở cao điểm đại dịch COVID-19, VHNT TPHCM đã thể hiện rõ vai trò của mình khi đồng hành cùng thành phố vượt qua những thời khắc khó khăn, khốc liệt nhất.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực VHNT TPHCM trong thời điểm lịch sử đó cần được ghi nhận như 1 dấu son trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao bằng khen cho các tập thể có thành tích thực hiện xuất sắc Nghị quyết 23 trong 15 năm qua

Bên cạnh đó, Phó bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong 15 năm qua. Điển hình như một số cấp ủy đảng, chính quyền vẫn chưa nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng cho văn hóa, VHNT. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nghệ thuật truyền thống, còn nhiều bất cập từ cơ chế đãi ngộ, chính sách khuyến khích nhân tài, phương thức hiệu quả thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội… Hay niềm trăn trở trong nhiều nhiệm kỳ là chưa xây dựng được những công trình văn hóa trọng tâm lớn, chưa phát huy được các thiết chế văn hóa tương xứng với nhu cầu và vị thế phát triển của TPHCM.

Có 21 tập thể và 31 cá nhân được tôn vinh tại hội nghị.
Có 21 tập thể và 31 cá nhân được tôn vinh tại hội nghị

Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của VHNT cùng năng lực lãnh đạo và hiệu quả quản lý về phát triển VHNT; khuyến khích và tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo nhiều tác phẩm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Tập trung nguồn lực xây dựng 1 nền VHNT phát triển ngang tầm vị trí đô thị trung tâm cả nước và khu vực. Trong đó, chú ý phát triển trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới; đồng bộ phát triển công nghiệp văn hóa với đẩy mạnh phong trào văn hóa, VHNT trong quần chúng nhân dân…

Đề xuất thành lập trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được ban hành vừa qua đã cho phép TPHCM được thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM.

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã đề xuất thành lập trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM, xem đây là nhân tố quan trọng góp phần kết nối, xúc tiến và quảng bá sản phẩm văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, thời gian qua, các tổ chức và doanh nghiệp văn hóa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua tăng cường sự tích hợp giữa văn hóa - nghệ thuật với kinh doanh và khoa học - công nghệ. Cho nên, đây là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng khi thành lập để không mất đi những “cơ hội vàng” trong đổi mới sáng tạo.

Công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa với nhiều hình thức hoạt động đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế TPHCM

TPHCM hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa (chiếm khoảng 7,74% tổng số doanh nghiệp). Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 19.313 tỉ đồng, đến năm 2019 đạt trên 38.916 tỉ đồng, đóng góp cho GRDP ngày càng tăng. Công nghiệp văn hóa khai thác khía cạnh kinh tế của văn hóa, làm giảm sự phụ thuộc vào cơ chế bao cấp, đồng thời góp phần gia tăng sự phát triển bền vững của văn hóa, tạo nên “sức mạnh mềm” của địa phương.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI