Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm đi đâu, về đâu?

01/10/2017 - 06:00

PNO - Bên cạnh những thay đổi khách quan của cơ chế thị trường, cuộc “chuyển giao thế hệ” trong niềm tin và hy vọng của những người đi trước đã sinh ra một đội ngũ trẻ tài năng, dám nghĩ, dám làm...

30 năm sau đổi mới, các lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) tại TP.HCM đã có những cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh những thay đổi khách quan của cơ chế thị trường, cuộc “chuyển giao thế hệ” trong niềm tin và hy vọng của những người đi trước đã sinh ra một đội ngũ trẻ tài năng, dám nghĩ, dám làm...

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?

Trong dòng chảy văn học TP.HCM 30 năm, Nguyễn Nhật Ánh giữ vị trí đặc biệt đối với độc giả

Dấu ấn xã hội hóa

So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, dấu ấn xã hội hóa ở mảng điện ảnh thể hiện rõ nét nhất. Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990 - giai đoạn phim mì ăn liền - vai trò của tư nhân in đậm qua những cái tên như nhà sản xuất Lý Huỳnh, Đào Thu...

Phim họ làm, hoặc dựa theo cổ tích, dân gian như Thạch Sanh - Lý Thông, Phạm Công - Cúc Hoa... hoặc theo mẫu các phim võ thuật Hồng Kông như Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La... rồi chuyển sang những câu chuyện tình bi lụy, sướt mướt kiểu Đài Loan như Vị đắng tình yêu, Sau những giấc mơ hồng, Tóc gió thôi bay

Cuối năm 2002, Bộ VH-TT ban hành quyết định số 38/2002 cho phép thành lập cơ sở sản xuất phim tư nhân và thẩm quyền, thủ tục duyệt phim - tiền đề của Luật Điện ảnh ra đời vào năm 2006, lực lượng tư nhân ngày càng lớn mạnh.

Sau chặng đường 15 năm xã hội hóa, số lượng các hãng phim tư nhân gia tăng chóng mặt (hiện có hơn 400 công ty sản xuất phim), đẩy lượng phim nội sản xuất hằng năm tăng cao - từ chỗ chỉ trên dưới chục phim/năm lên đến 40 phim/năm (năm 2016 có 41 phim Việt Nam ra rạp, chiếm 26,9% doanh thu thị trường chiếu bóng). Đề tài, thể loại phim cũng đa dạng hơn: hành động, kinh dị, tình cảm; kể cả thể loại khó như cổ trang, dã sử, kỳ ảo (fantasy).

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?
Vị đắng tình yêu - một sản phẩm góp mặt vào thời kỳ vàng son khi điện ảnh xã hội hoá

Với tiềm lực về tài chính, các hãng phim tư nhân cũng thổi làn gió mới vào công tác phát hành phim - khâu yếu kém nhất của các hãng phim quốc doanh. Khán giả bắt đầu làm quen với những chiêu trò PR của các nhà làm phim: câu khách bằng cảnh nóng, mời hotgirl-hotboy đóng phim, chăm chút poster, nhạc phim, thực hiện teaser, trailer và liên tục đưa đến công chúng những câu chuyện hậu trường…

Thập niên 2000, những Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, Lọ lem hè phố, Nữ tướng cướp, Trai nhảy… là minh chứng cho sự nhạy bén của các nhà làm phim tư nhân. Tuy ăn khách, chất lượng của dòng phim thị trường này không được đánh giá cao.

Thành công về doanh thu giúp mức đầu tư vào phim của các đơn vị tư nhân ngày càng lớn. Không hiếm tác phẩm có kinh phí lên tới con số triệu đô la (20 tỷ trở lên) như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Thiên mệnh anh hùng, Quyên hay gần nhất là Fan cuồng.

Tiền đã giúp phim Việt có bước tiến dài về công nghệ: chất lượng hình ảnh rõ, góc máy và khung hình đẹp mắt, các pha hành động hoành tráng, âm nhạc và âm thanh chỉn chu, kỹ xảo công phu... không thua kém nhiều bộ phim nước ngoài.

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?
Không hiếm phim Việt được đầu tư kinh phí trên 20 tỷ, trong đó có Fan cuồng

Nhờ xã hội hóa, số lượng các cụm rạp chiếu phim tư nhân hiện đại như CGV, Galaxy, Lotte, BHD… mọc lên ngày càng nhiều. Đến hết năm 2016, cả nước có 138 cụm rạp, trong đó các doanh nghiệp nội địa (nhà nước và tư nhân bao gồm cả hình thức góp vốn hợp tác với nước ngoài) là 92 rạp.

Có rạp, có phim, doanh thu thị trường chiếu bóng cũng tăng mạnh. Riêng năm 2016 đạt hơn 132 triệu USD, so với thời điểm năm 2000 chỉ có hai triệu USD. Phim nội có doanh thu “khủng” cũng không còn là chuyện hiếm. Để Mai tính 2 thu hơn 101 tỷ, Em là bà nội của anh hơn 102 tỷ đồng và kỷ lục là Em chưa 18 đạt 169 tỷ.

Thật trớ trêu, trong khi dòng phim tư nhân phát triển thì dòng phim nhà nước ngày càng yếu thế. Kể từ sau phim Cuộc đời của Yến phát hành vào đầu năm 2016, dòng phim nhà nước hoàn toàn biến mất khỏi các rạp và cả ở các “sân chơi” chuyên môn như giải Cánh diều, Liên hoan phim Việt Nam.

Mảng phim truyền hình, làm sao có thể quên Giờ vàng phim Việt mà mở đầu là Vòng xoáy tình yêu đã tạo nên hiệu ứng vang dội từ phía người xem. 

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?

Tèo em - tác phẩm hài hành trình lần đầu xuất hiện trên phim Việt nhờ công của đạo diễn Charlie Nguyễn

Để diện mạo điện ảnh Việt Nam khởi sắc như hiện nay phải kể đến công lao của những đạo diễn Việt kiều. Thập niên 1980-1990, nhiều đạo diễn Việt kiều từng về nước làm phim như Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi; nhưng phải kể từ sau khi Luật Điện ảnh ra đời với những chính sách cởi mở, tạo không khí bình đẳng giữa phim tư nhân - phim nhà nước thì làn sóng các nhà làm phim Việt kiều về nước làm phim mới thực sự bùng nổ.

Mở đầu với Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn, Victor Vũ với Chuyện tình xa xứ và sau đó là Cường Ngô, Ringo Lê, Dustin Nguyễn, Hàm Trần, Stephane Gauger…

Nếu những đạo diễn Việt kiều thuở trước như Lưu Huỳnh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh chọn các đề tài nghiêm túc, đậm chất nghệ thuật thì lớp đạo diễn thế hệ tiếp theo lại sẵn sàng dấn vào nhiều thể loại. Victor Vũ hết làm phim tình cảm, hài, đến cổ trang, kinh dị và cả phim nhà nước đặt hàng. Charlie Nguyễn không chỉ là người đầu tiên khơi mào dòng phim hành động mà còn khai phá thể loại mới mẻ, đề tài lạ chưa từng có trên phim Việt - phim hài hành trình (Tèo em), về nhạc rock (Fan cuồng).

Tất nhiên, không phải đạo diễn Việt kiều nào cũng thành công. Sài Gòn tình ca của Ringo Lê, Sài Gòn nhật thực của Othello Khánh hay Ngôi nhà trong hẻm của Lê Văn Kiệt khá rối rắm.

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?
Phan Gia Nhật Linh - người tạo nên tác phẩm đạt doanh thu 100 tỷ đầu tiên của phim Việt

Cạnh tranh với lớp đạo diễn Việt kiều là những đạo diễn trẻ trong nước, thuộc thế hệ thứ ba như Nguyễn Quang Dũng, Bùi Tuấn Dũng, Vũ Ngọc Đãng… và mới nhất có Hồng Ánh, Lê Thanh Sơn, Phan Gia Nhật Linh. Tư duy hiện đại cộng với việc được học trường lớp bài bản đã giúp cho các đạo diễn này vươn lên ở thị trường trong nước, thậm chí ra cả nước ngoài.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Theo tôi, thay đổi nhiều nhất của điện ảnh Việt Nam sau đổi mới là sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim thị trường, phim tư nhân. Chúng ta giờ đã có được những bộ phim phát hành ở thị trường quốc tế. Các cụm rạp chiếu phim hiện đại, được nước ngoài đầu tư có mặt nhiều hơn. 10 năm trở lại đây, hầu như mỗi năm thị trường điện ảnh Việt Nam đều tăng trưởng 30%/năm - con số mà nhiều đối tác hết sức lưu tâm. Nhưng điều đáng mừng nhất chính là việc những người làm nghề đã sống được với nghề, công việc làm phim dần quy củ, chuyên nghiệp hơn so với trước đây. 

Sức trẻ còn được thấy ở việc ngày càng có nhiều phim đầu tay của các đạo diễn tay ngang ra rạp. Chuyện ông bầu ca nhạc như Quang Huy hay diễn viên như Khương Ngọc, biên đạo múa, ca sĩ thậm chí bác sĩ thẩm mỹ đổ xô làm phim chẳng còn là chuyện lạ.

TP.HCM không thiếu các hãng băng đĩa và khả năng của các đơn vị này hoàn toàn đủ để sản xuất, phát hành một lượng cực lớn sản phẩm ra thị trường. Thế nhưng, vào thời kỳ đầu đổi mới, nhạc Việt gần như không hề có chỗ đứng trong lòng khán giả. Mảng mỹ thuật, họa sĩ Chu Văn Mười cho biết, vai trò của tư nhân trong việc xây dựng các galery “được phép mở ra hoạt động rất nhiều” và “kèm theo đó là lần đầu tiên các nhà tài trợ cho các cuộc triển lãm cá nhân”.

Trừ những chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình, thị trường âm nhạc là sân chơi của nhạc hải ngoại và nhạc nước ngoài cho đến cuộc “cách mạng” mang tên Mưa bụi và sự xuất hiện của bảng xếp hạng âm nhạc Làn sóng xanh. Nhạc Việt đã có cuộc trỗi dậy ngoạn mục, giành lại thị trường và tiến ra hải ngoại khi các hãng băng đĩa như Thúy Nga, Asia, Làng Văn… chọn đưa sáng tác mới của các tác giả trong nước vào album.

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?
Làn sóng xanh là cuộc trỗi dậy ngoạn mục của nhạc Việt, giành lại thị trường nhạc Việt nhiều năm chỉ toàn nhạc hải ngoại

Ngoài chuyện được mời ra nước ngoài biểu diễn cho kiều bào, ca sĩ thời xã hội hóa cũng dễ dàng thành lập công ty giải trí cho riêng mình để tự quản lý hoạt động, quảng bá hình ảnh thay vì phải lệ thuộc vào hãng đĩa như trước.

Ở mảng nhạc hàn lâm, sau nhiều năm rặt một màu sắc Nga (do hầu hết sinh viên đều được gửi đi Nga đào tạo), Nhạc viện TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch đã kết nối rộng hơn với thế giới.

Sinh viên học sinh của Nhạc viện giờ đã có mặt ở Mỹ, Pháp, Singapore… theo diện trao đổi hoặc du học tự túc. Chương trình Transportation của Na Uy đã mang đến Nhạc viện các nghệ sĩ quốc tế thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Ở các kỳ liên hoan Giai điệu mùa thu, ngoài sự xuất hiện của những tài năng thế giới, những gương mặt trẻ của Việt Nam cũng đã trở về, mang đến cho khán giả các tiết mục nhiều màu sắc. 

Một tối cuối tuần, bạn muốn đi xem kịch, sẽ có một danh sách dài các sân khấu xã hội hóa cho bạn chọn lựa: Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận, Kịch Trịnh Kim Chi… với kịch mục trải dài từ kịch tâm lý xã hội, kịch thiếu nhi đến cả kịch kinh dị. Những khó khăn về điểm diễn, kinh phí đã không ngăn được khao khát làm nghề của các nghệ sĩ đầy nhiệt huyết.

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?
Hữu Châu, Thành Lộc - hai NSƯT chủ chốt tạo nên "thương hiệu" kịch Idecaf

Sức bật từ đội ngũ trẻ

Từ thập niên 1990, ấn tượng nhất trên văn đàn phải kể đến Nguyễn Nhật Ánh. Trong khi rất nhiều nhà văn khác chỉ tạo dựng được “một thời vàng son” thì Nguyễn Nhật Ánh kéo dài tình trạng “best-seller” của mình qua hàng thập niên, với những tác phẩm viết cho cả thiếu nhi và người lớn.

Tuy nhiên, sự chuyển dòng lớn nhất có thể nhìn thấy từ đội ngũ kế thừa. Một lực lượng đông đảo những người viết trẻ đang ghi chép lại thế hệ của chính họ. Không gian sống, tư tưởng, hơi thở của thời đại mới phả vào các trang viết đa chiều - như một gạch nối giữa chiều dài lịch sử văn học Việt Nam.

Bệ phóng quan trọng cho người trẻ là sân chơi Văn học tuổi 20, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995, đã gọi tên một thế hệ nhà văn mới: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Phan Việt, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần…

Từ tác phẩm được trao giải thưởng đầu tiên - Ngọn đèn không tắt, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã “tiến bước” với nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Đặc biệt, tiểu thuyết Cánh đồng bất tận trở thành điểm nhấn cho một giai đoạn văn học.

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là điểm nhấn cho một giai đoạn văn học Việt, phim điện ảnh làm từ tác phẩm này cũng là một tác phẩm đáng nhớ

Hầu hết các cây bút khởi đầu từ sân chơi này đều đi được đường dài với văn chương, trở thành những tác giả ghi dấu ấn cho một thế hệ. Đến nay Văn học tuổi 20 vẫn là điểm tựa bền vững, mang giá trị riêng trong dòng chảy văn học trẻ đang ngày càng lẫn lộn vàng thau.

Cùng với phương thức xã hội hóa của sân khấu, điện ảnh… sự “nở nồi” của các đơn vị làm sách tư nhân đã mở rộng cửa cho người trẻ gia nhập đội ngũ sáng tác. Họ cùng khơi nguồn những thể loại, đề tài mới và tạo nên một dòng chảy riêng, đáp ứng nhu cầu độc giả cũng trẻ như họ. Sách của người trẻ ngày càng tiệm cận với khái niệm “best-seller” và giúp văn chương Việt có nguồn sinh khí mới.

Đáng tiếc, khi văn xuôi phát triển theo hướng tích cực, thơ lại như trượt trên một con dốc khác. Một thời thơ sôi động với những tên tuổi như: Hồ Thi Ca, Trương Nam Hương, Trần Hữu Dũng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thái Dương… đã trôi xa. Đời sống thơ ngày một thoi thóp đến mức ngày nay phần lớn thơ được in đều là của các… doanh nhân và được xếp vào nhóm “biếu rất chạy”. 

Nhà văn Dương Thụy: Lý tưởng của thế hệ chúng tôi rất lớn

* Ngày viết Hành trình của những người trẻ (Giải ba, Văn học tuổi 20 lần III), chị đã nhìn thấy “người trẻ” thời đại mình như thế nào?

Van hoc nghe thuat Thành phó Hò Chí Minh 30 nam di dau, ve dau?

Thế hệ chúng tôi có lẽ đã sống với những lý tưởng rất lớn. Tâm thế tuổi trẻ lúc nào cũng hướng về phía trước, trau dồi kiến thức, luôn nỗ lực vì một tương lai tốt hơn. Những trang viết ngày ấy, dù có nhiều khó khăn, thách thức mà người trẻ phải đối mặt, nhưng tôi không thấy có sự quỵ lụy, yếu mềm, sướt mướt như bây giờ. Với bản thân tôi, đi du học, tiếp cận với những bạn trẻ từ nhiều nước cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách viết sau này.

* Người trẻ vẫn đang ghi chép về thời đại họ đang sống, nhưng dường như đâu đó vẫn có những rào cản?

- Tôi không thấy như thế mà ngược lại - các bạn có nhiều cơ hội viết hơn. Chỉ khác là các bạn trẻ hôm nay ngày càng được tiếp nhận nhiều cái mới, nhận thức ít nhiều bị ảnh hưởng nên nhiều người đã chọn viết về nỗi cô đơn, những mối tình vô vọng… Tôi không bất ngờ lắm với những thay đổi này trong văn chương, bởi tôi hiểu người trẻ cũng đang lao vào những vòng xoáy khác của cuộc sống. Họ đang viết những gì gần nhất. Thật khó đòi hỏi họ dấn thân, “vắt kiệt” sức cho văn chương như thế hệ các nhà văn đi trước đã từng.


 T.Q. (thực hiện)

Nhóm PV VHVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI