Văn học miền Tây lên phim: Mối lương duyên ngọt ngào

15/12/2022 - 07:40

PNO - Đã có không ít bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học bị chê nhiều hơn khen, tuy nhiên phần lớn các phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học miền Tây lại chiếm cảm tình người xem.

Mối lương duyên ngọt ngào giữa văn học và phim ảnh này, lại được đem đến từ những đạo diễn không phải người miền Tây.

Những thước phim mang tính tư liệu văn hóa

Kể từ khi ra mắt vào ngày 2/12 vừa qua, bộ phim Tro tàn rực rỡ dù không gây sốt phòng vé, nhưng vẫn nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn lẫn công chúng. Đây là điều khá hiếm hoi, không chỉ với phim Việt nói chung, mà còn với dòng phim chuyển thể từ văn học nói riêng.

Điểm cộng lớn nhất của Tro tàn rực rỡ là khắc họa rất rõ nét đặc trưng vùng miền, cho thấy nhà làm phim có sự tìm hiểu và tình cảm đối với đất và người miền Tây Nam Bộ.

Phim Tro tàn rực rỡ thấm đẫm chất miền Tây qua  bối cảnh
Phim Tro tàn rực rỡ thấm đẫm chất miền Tây qua bối cảnh

Tinh thần, linh hồn miền Tây toát lên ở bối cảnh những ngôi nhà sàn tránh lũ mang kiến trúc Chăm và Khmer, căn chòi chơ vơ giữa biển của ngư dân, cảnh xuồng vượt qua đê ngăn mặn… Những cảnh quay mô tả các công việc lao động hằng ngày như ép chuối, làm than củi, đóng đáy hàng khơi, lái xuồng ghe, bửa củi… Sau Mùa len trâu Cánh đồng bất tận, mới có lại một bộ phim làm từ truyện gây nao lòng người xem bởi chất miền Tây đậm đặc.

Phim ảnh, với phương pháp kể chuyện bằng hình, đã gần như có lợi thế trong việc chuyển thể các tác phẩm văn học miền Tây lên màn hình. Bởi chưa bàn đến nội dung, chỉ với những khung cảnh dân dã của miền sông nước và tính cách mộc mạc hồn nhiên của nhân vật, đã khiến phim dễ có thiện cảm từ công chúng.

Xem phim Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), khán giả xốn xang với những khung hình đẹp như tranh vẽ, đậm chất nguyên sơ của cánh đồng không tên mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã mô tả. Trong Mùa len trâu (chuyển thể từ tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam), cảnh hàng trăm con trâu đi giữa cánh đồng nước nổi, cảnh cơn lũ tràn về giữa đêm cuốn trôi nhà cửa, túp lều giữa đồng nước nổi, người dân quấn chiếu thay mền… vừa cảm động, vừa khiến không ít người xem nhớ quê.

Chỉ có ở những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học miền Tây, khán giả mới được chiêm ngưỡng những thước phim tái hiện chân thật các đặc trưng cuộc sống người miền Tây, chẳng hạn với Mùa len trâu là công việc len trâu vất vả, trong Tro tàn rực rỡ là nghề đóng đáy hàng khơi, làm than củi. 

Phim Mùa len trâu, một trong những bộ phim ấn tượng về cuộc sống, văn hoá miền tây
Phim Mùa len trâu, một trong những bộ phim ấn tượng về cuộc sống, văn hoá miền Tây

Phim truyền hình Đất phương Nam (chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi) như một kho sưu tầm âm nhạc diễn xướng phương Nam, vì tái hiện sống động các làn điệu hò, vè, hát sắc bùa, nói thơ, nói tuồng, trích đoạn cải lương. Chính tính chất tư liệu văn hóa đó, mà các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học miền Tây luôn nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn và công chúng.

Kẻ du mục đi tìm chất riêng

Nhìn lại các cuộc bén duyên thành công giữa văn học miền Tây và phim ảnh, có một điều thú vị là các đạo diễn làm phim không phải dân miền Tây thứ thiệt. Có lẽ đây cũng là lý do khiến phim mang tới góc nhìn mới mẻ. Đạo  diễn Nguyễn Phan Quang Bình (phim Cánh đồng bất tận) cho biết: “Đạo diễn miền Bắc làm phim về miền Tây giống như một kẻ du mục đi đến vùng đất khác và hay kiếm tìm những góc nhìn khác biệt. Lúc làm phim Cánh đồng bất tận, tôi luôn muốn kiếm bối cảnh đặc biệt, đặc trưng, vì cũng muốn giới thiệu đến người nước ngoài những nét riêng của Việt Nam”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vô cùng tâm đắc khi tìm được cảnh người dân đi xuồng vượt đê ngăn mặn. “Tôi đi Cà Mau thấy cảnh đó, và đưa vào phim ở cảnh mẹ chồng Hậu chở Hậu đi đẻ”, anh kể. Hình ảnh chiếc xuồng trượt trên một đường ray gây ấn tượng mạnh với người xem, vì ẩn dụ một cách tinh tế cuộc “vượt cạn” của Hậu.

Trailer phim Tro tàn rực rỡ:

 

Đạo diễn miền Bắc làm phim về miền Tây sông nước, theo đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình còn phải học về quy luật con nước, con trăng, thời tiết, mùa màng, vì: “Lúc chọn bối cảnh cánh đồng bất tận xơ xác hợp với kịch bản, nhưng một thời gian sau, đến lúc quay, cánh đồng lại tươi tốt mơn mởn”.

Vượt qua những hạn chế về vùng miền, thì việc đem con chữ lên màn ảnh cũng gặp nhiều khó khăn, vì hình phim ảnh và văn học có ngôn ngữ khác nhau. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chia sẻ: “Khi chuyển thể, điều cần ưu tiên là chọn cách kể, thống nhất cấu trúc, chọn nhân vật, sáng tạo cá tính cho nhân vật. Ngôn ngữ văn học và điện ảnh đều hướng đến cảm xúc khán giả, nhưng văn học là cái cá nhân, còn phim ảnh hướng đến tập thể, nên cách kể trong phim cần tiết chế, chỉ lấy tinh túy của văn học, người làm phim phải tự tạo ra câu chuyện cho nhân vật. Nhiều câu trong văn đọc rất hay, nhưng khó diễn tả trên phim”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng: “Phim có cấu trúc, cách thức riêng chứ không mô phỏng câu chữ được. Do đó chỉ giữ lại chất điện ảnh trong văn học, và biết nên chiết xuất gì từ văn học. Phim có cách thưởng thức khác truyện. Chữ nghĩa là ma thuật, nhưng phim xem từ mắt trôi qua sau gáy, nghe từ tai này qua tai kia, khó để nhớ nên phim phải có cấu trúc để khán giả hiểu. Tìm được cấu trúc đó không hề dễ dàng”. 

Sắp tới đây, màn ảnh sẽ có thêm một cuộc “hôn nhân” mới giữa văn học miền Tây và phim điện ảnh là phim Đất rừng phương Nam. Văn học miền Tây vẫn còn nhiều tác phẩm hay để các nhà làm phim khai thác. Người xem đang và sẽ chờ đợi, kỳ vọng “mối lương duyên” này ngày càng đem lại những bộ phim hay.

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI