Văn học Hàn Quốc chuyển mình

18/10/2024 - 08:48

PNO - Việc nữ nhà văn Han Kang được gọi tên tại giải Nobel văn chương 2024 vì “văn xuôi mãnh liệt đậm chất thơ, qua đó thể hiện những chấn thương lịch sử và sự mong manh của cuộc sống con người” đã cho thấy sự thay đổi của Viện hàn lâm Thụy Điển và sự bùng nổ của văn học Hàn Quốc ở nước ngoài.

Thấy gì từ chiến thắng mới?

Với vinh dự này, Han Kang đã trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên, nhà văn nữ thứ 18 và gốc Á thứ 9 được gọi tên ở giải thưởng văn chương lớn nhất hành tinh. Sau một thập niên hầu như chỉ tôn vinh các cây bút từ châu Âu và nước Mỹ, giải thưởng lần này đã ghi nhận nỗ lực của Viện hàn lâm Thụy Điển khi nhìn xa hơn, quan tâm đến các nền văn chương khác.

3 tác phẩm đã có bản dịch tiếng Việt của Han Kang - Ảnh tư liệu
3 tác phẩm đã có bản dịch tiếng Việt của Han Kang - Ảnh tư liệu

Việc Han Kang được vinh danh cũng cho thấy quy tắc bình đẳng giới được ghi nhận, khi từ năm 2017 đến nay thì quy luật trao xen kẽ cho tác giả nam - nữ đã góp phần cải thiện tình hình nam giới thống trị trong hơn 100 năm lịch sử của giải Nobel văn chương.

Chiến thắng này được xem là tương đối bất ngờ bởi Han Kang được nhận định là còn khá trẻ (53 tuổi) dù bà không phải là người trẻ nhất (kỷ lục là tác giả Chuyện rừng xanh - Rudyard Kipling, 41 tuổi). Ngoài ra, với 3 tập truyện ngắn, 6 tiểu thuyết và 1 tập thơ thì số lượng tác phẩm của bà cũng không quá nhiều nếu so với đa phần những người chiến thắng khác thường có tài sản văn chương đồ sộ. Dẫu vậy, không thể phủ nhận giá trị văn chương của bà khi những tác phẩm này đã gây được tiếng vang cả trong, ngoài nước. Bà là nhà văn châu Á đầu tiên thắng giải Man Booker quốc tế cho cuốn Người ăn chay vào năm 2016 và sau đó 2 năm cũng lọt vào vòng đề cử với Trắng. Có thể nói, bà là nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng nhất ở thị trường văn chương thế giới.

Khi công bố trao giải cho Han Kang, phần đông viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển đều nhắc đến cuốn tiểu thuyết Bản chất của người của bà. Tác phẩm xoay quanh sự kiện lịch sử chấn động vào thế kỷ XX của Hàn Quốc - vụ thảm sát Gwangju, nơi bà sinh ra, vào năm 1980. Để chống lại chính quyền độc tài, người dân và sinh viên đã đứng lên đấu tranh, dẫn đến hàng trăm cái chết đau thương. Han Kang may mắn rời đến Seoul chỉ vài tháng trước khi sự kiện diễn ra ở tuổi lên 10 nhưng chấn thương ấy vẫn mãi in hằn trong tâm trí bà.

Trong một bài phỏng vấn, bà chia sẻ: bạo lực luôn là câu hỏi mà bà trăn trở, bởi vì sao một cá nhân có thể phút trước rất thiện lành rồi ngay sau đó đã làm một việc tàn ác? Do đó, Gwangju chỉ là điển hình trong hành trình đi sâu vào tâm lý đen tối của con người - như bà chia sẻ - nó đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Áp vào tình hình năm nay, có thể thấy Viện hàn lâm Thụy Điển đã xét đến tính thời sự khi trao giải cho Han Kang. Cũng như năm 2021, nhà văn Abdulrazak Gurnah được trao giải khi vấn đề di cư nổi cộm hay 1 năm sau đó là nhà văn Annie Ernaux khi Quốc hội Mỹ lật ngược lại quyền tự do phá thai. Năm nay, với những bất ổn ở Trung Đông và Bắc bán cầu, tác phẩm của Han Kang đã là một lời kêu gọi nhìn nhận bạo lực và những tác động sâu sắc mà nó có thể gây ra, từ đó có những giải pháp đem lại hòa bình và sự an toàn cho nhân loại.

Sự bùng nổ của văn học Hàn Quốc

Không chỉ phản ánh tầm nhìn sâu rộng của Viện hàn lâm Thụy Điển, chiến thắng của Han Kang cũng đánh dấu sự thăng hạng vượt bậc của văn học Hàn Quốc trên trường quốc tế. Trong các năm qua, nhờ vào làn sóng Hallyu (xuất khẩu văn học - nghệ thuật Hàn Quốc) và nỗ lực của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI) khi hỗ trợ chi phí cho việc giới thiệu văn học Hàn Quốc ra toàn cầu, nền văn chương của đất nước này đã được thế giới biết đến nhiều hơn.

Han Kang trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên được gọi tên ở Nobel văn chương  - Nguồn ảnh: The Guardian
Han Kang trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên được gọi tên ở Nobel văn chương - Nguồn ảnh: The Guardian

Liên tục từ năm 2020 đến nay, luôn có tác phẩm từ Hàn Quốc góp mặt ở giải thưởng văn học Booker quốc tế danh giá của Anh và Khối thịnh vượng chung hay các giải thưởng dịch thuật nổi tiếng. Đơn cử, có năm có đến 2 tác phẩm lọt vào danh sách. Có thể kể đến những tác phẩm như Con thỏ bị nguyền rủa (Chung Bora), Love in the Big City (Tình yêu trong thành phố lớn của Sang Young Park), Whale (Cá voi của Cheon Myeong-kwan) hay gần đây nhất là Mater 2-10 (Ba thế hệ công nhân đường sắt của Hwang Sok-young)…Trong khi Cửa hàng tiện lợi bất tiện (Kim Ho Yeon), Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut (Lee Miye)… làm mưa làm gió tại các bảng xếp hạng sách bán chạy của Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác.

Vì sự khác biệt về ngôn ngữ, các tác phẩm dịch chính là nền tảng để Viện hàn lâm Thụy Điển xem xét trao giải cho một nhà văn. Với riêng Han Kang, ngoài 2 tác phẩm được đề cử ở giải Booker quốc tế là Người ăn chayTrắng, bà cũng có 3 tác phẩm khác được dịch là Bản chất của người, Greek lessons (Những bài học tiếng Hy Lạp) và We do not part (Không thể chia lìa) sẽ được ra mắt vào đầu năm sau. Rõ ràng, chiến lược tiếp cận vượt trội và bao phủ rộng khắp của LTI đã đóng góp rất lớn cho chiến thắng lần này của Han Kang.

Điều đó càng được bảo chứng nếu nhìn lại thời điểm 2015, lúc bản dịch tiếng Anh của Người ăn chay mới được ra mắt, nó cũng chỉ được 1 nhà xuất bản nhỏ phát hành. Để thấy, nếu không có chiến lược đường dài của các cơ quan quản lý văn hóa thì những nền văn học “thiểu số” sẽ rất ít có khả năng được biết đến bên ngoài đất nước. Nhưng cũng có điều tương đối may mắn là số lượng nhà xuất bản độc lập quan tâm đến văn học “thiểu số” ở Anh và Mỹ đang ngày càng nhiều hơn như Tilted Axis Press hay Fitzcarraldo Editions… Đây chính là cơ hội để các tác giả có thể được biết đến nhiều hơn, từ đó, giấc mơ Nobel văn chương cũng gần hơn.

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI