Văn học đề tài chiến tranh: Nỗ lực tìm thế hệ kế thừa

11/08/2017 - 14:57

PNO - Thiếu tướng Lê Hoàng Phúc - Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh An Giang, người từng trải qua các cuộc chiến tranh chống Mỹ, biên giới Tây Nam - nói khi đọc tác phẩm của người trẻ viết về chiến tranh, ông thấy ngày càng… không đúng.

Đây cũng chính là điều khiến nhiều người viết trẻ e ngại, né tránh khai thác đề tài chiến tranh. Việc tìm kiếm một thế hệ người viết mới cho mảng đề tài này không phải là chuyện dễ.

Van hoc de tai chien tranh: No luc tim the he ke thua
 

Trại sáng tác Văn nghệ quân đội về Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ Quốc đang diễn ra tại An Giang (từ 1 - 15/8). Với chủ đề này, ban tổ chức đã thiết kế cho 30 trại viên những chuyến thực tế tại địa phương: tham quan các di tích lịch sử, giao lưu với các đơn vị bộ đội, biên phòng; những buổi nói chuyện với các nhân chứng lịch sử; tìm hiểu cuộc sống người dân… Những trải nghiệm trong 15 ngày ở trại sáng tác sẽ là nguồn tư liệu, vốn sống để trại viên sáng tác.

Tham gia trại, ngoài những cây bút kỳ cựu như: Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài, Dương Đức Khánh, Nguyễn Thu Phương… thì phần lớn là những gương mặt của văn chương trẻ: Lê Quang Trạng, Hoàng Thị Trúc Ly, Phan Duy, Đỗ Quang Vinh, Lê Vũ Trường Giang… Họ không phải là những tên tuổi đình đám, best-seller với những cuộc ra mắt hay những “tour” giao lưu rầm rộ như nhiều người viết trẻ khác; nhưng họ lại là những tên tuổi được tin cậy, đánh giá cao trên văn đàn. Chuyến đi thực tế về An Giang vào đúng mùa nước nổi, cùng với những huyền thoại, di tích lịch sử và những khác biệt đặc trưng của miền biên giới hứa hẹn sẽ mang về nhiều tác phẩm đa phong cách.

Van hoc de tai chien tranh: No luc tim the he ke thua
 

Văn học về đề tài chiến tranh hoặc hậu chiến, lâu nay đã được viết rất nhiều bởi những người trong cuộc, cùng thời đại. Văn đàn vẫn đang tiếp tục đón nhận tác phẩm đề tài này như: Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn)… Còn với người viết trẻ, mọi thứ vẫn như một bước dạo, thử sức mà nếu nhìn nhận một cách thực tế: chưa có người viết trẻ nào dám “đi thẳng vào cuộc chiến” để khai thác đến tận cùng. Lý do đơn giản và phổ quát nhất luôn được người trẻ biện luận cho cuộc né tránh: không hiểu về chiến tranh.

Cây bút trẻ Minh Moon khi viết Hạt hòa bình - tác phẩm đoạt giải ba Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V, có chia sẻ rằng, khi chọn chiến tranh làm đề tài, cô đã tìm đọc tư liệu trên mạng, lắng nghe các cựu binh. Nhưng cách mà Minh Moon chọn thể hiện lại là thể loại văn học kỳ ảo, đan xen bối cảnh hiện tại và mất mát của người trong cuộc chiến. 

Ngược lại, Phan Duy - cây bút cần mẫn của Cần Thơ viết về phận người sau chiến tranh, về mẹ Việt Nam anh hùng và nỗi đau da cam. Đinh Phương chọn khai thác những góc khuất thân phận từ cuộc chiến trong Đợi đến lượt… Điểm chung vẫn là nhân vật mang tư tưởng của tuổi trẻ hiện đại, thể hiện bằng những bút pháp khác nhau. Hầu như chưa có người trẻ nào dám tiệm cận chiến tranh như cách mà các nhà văn đi trước đã làm.

Van hoc de tai chien tranh: No luc tim the he ke thua
 

“Có những cuộc chiến phải làm đến 350 bài toán mới ra được kế hoạch, chiến lược tấn công. Có những mất mát khủng khiếp mà nếu không trải qua, nhìn thấy, sẽ không thể nào tưởng tượng nổi. Các bạn trẻ sau này viết truyện vẫn hay, nhưng tôi đọc thì thấy viết về chiến tranh như vậy là không đúng. Nhiều truyện tôi thấy người viết tả cảnh chiến đấu bằng sự tưởng tượng. Tôi biết đó là nỗ lực tìm tòi, đọc tư liệu; nhưng quả thật không thể đúng được” - Thiếu tướng Phúc nhận định. Đây lại càng là áp lực lớn cho người viết trẻ nếu dấn thân vào mảng đề tài mà bối cảnh đã cách xa mình nửa thế kỷ này.

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy từng nói rằng, thế hệ ông đã “hoàn thành phận sự” của những người chứng kiến và ghi chép lại; còn vẫn kỳ vọng một đội ngũ trẻ “viết về chiến tranh với những góc nhìn khác - lùi xa hơn, bình tĩnh hơn”. Nhưng, nói như biện luận của Anh Khang thì “thời đại nào, đề tài đó”. Phủ lên văn đàn hiện nay là một làn sóng văn chương rất khác. Số tác giả trẻ chọn khai thác đề tài chiến tranh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. 

Các trại thực tế sáng tác theo chủ đề về ngày 30/4 hay Tết Mậu Thân 1968 của Hội Nhà văn TP.HCM nhiều năm qua cũng chỉ dành cho những cây bút là người chứng kiến, trẻ nhất cũng đã qua tuổi 40. Trại sáng tác lần này cũng không mong sẽ có được một lực lượng tạo dấu ấn với mảng đề tài đầy thử thách này. Nhưng có thể xem đó là nỗ lực dìu dắt của thế hệ đi trước, còn kết quả vẫn còn là một ẩn số. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI