Văn học 2018: Những nhấn nhá trên nền xám

01/01/2019 - 10:00

PNO - Bức tranh về ngành xuất bản trong nước có lẽ đang là màu xám khi nhập nhằng giữa các tín hiệu vui và thách thức phát triển về chất lượng.

Theo tổng kết của Cục Xuất bản, trong năm 2018, ngành sách có gần 32.000 cuốn sách mới, với hơn 390 triệu bản (tăng 20,6% so với năm 2017). Số lượng sách xuất bản tăng mạnh, đương nhiên là tín hiệu mừng, nhưng ở một khía cạnh khác, đó là nỗi lo lớn.

Tại hội thảo khoa học toàn quốc - Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay, diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, số lượng sách xuất bản tăng không tỷ lệ thuận với chất lượng. Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, không dưới 70% là sách vô bổ. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cũng đồng nhất ý kiến trên.

Bức tranh về ngành xuất bản trong nước có lẽ đang là màu xám khi nhập nhằng giữa các tín hiệu vui và thách thức phát triển về chất lượng. Trong năm 2018, số lượng sách vi phạm giảm (63 trường hợp so với 129 của năm 2017), số lượng nhà xuất bản đủ điều kiện hoạt động tăng (59 đơn vị so với 41 của năm 2017), đơn vị phát hành sách tăng thêm 5 đơn vị...

Sách về Sài Gòn

Van hoc 2018: Nhung nhan nha tren nen xam
Bộ sách giá trị về văn chương Sài Gòn của nhà báo Trần Nhật Vy

Năm 2018 ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm về Sài Gòn - sách nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM trong bề dày lịch sử 320 năm, cho đến thể loại truyện ngắn/truyện dài, tản văn về Sài Gòn. Đây là sự tiếp tục xu hướng sáng tác đã có từ cuối năm 2017. 

Ngoài ra, 2018 cũng là năm kỷ niệm 320 năm thành lập Sài Gòn - TP.HCM. Một số tác phẩm có giá trị nghiên cứu, ghi chép về Sài Gòn như: Sài Gòn - Chợ Lớn (nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp), Sài Gòn bao giờ cũng thế (tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu), Sài Gòn có một thời như thế (kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái), Văn chương Sài Gòn tập 2 và 3 (Trần Nhật Vy).

Các tác phẩm tản mạn chọn cách đi giữa việc cung cấp thông tin độc, lạ về Sài Gòn và lồng ghép tình cảm dành cho mảnh đất này như: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (Lê Văn Nghĩa), Sài Gòn của tôi (nhạc sĩ Quốc Bảo), Sài Gòn - những biểu tượng (nhiều tác giả), Sài Gòn chuyện tập tàng - Lược sử truyền miệng thức uống Sài thành (Lê Lade), Milano Sài Gòn đang về hay sang? (Trương Văn Dần)... Số lượng sách viết về Sài Gòn tăng là tín hiệu vui cho những ai yêu mến thành phố này.

Tuy nhiên, khi có quá nhiều tác phẩm ra đời, sự lặp lại đã xuất hiện. Những con hẻm Sài Gòn, những góc phố với cà phê vỉa hè, những trầm tư khi thành phố “thay da đổi thịt”, xúc cảm của những người con xa xứ bất đắc dĩ trở thành công dân Sài Gòn... liên tục được bắt gặp trong nhiều tác phẩm, tạo cảm giác nhàm chán, cũ kỹ.

Van hoc 2018: Nhung nhan nha tren nen xam
Sách tết đã trở lại sau nhiều năm gián đoạn

Sách truyền cảm hứng

“Trị liệu bằng văn chương” là một trong những điểm đáng chú ý trong năm 2018. Những cuốn sách truyền cảm hứng về giá trị gia đình, giá trị của tuổi trẻ, của hạnh phúc và sự dấn thân đã giành được những thành quả đáng khích lệ. Tác giả Phi Tuyết gây ấn tượng với Tại sao chúng ta không hạnh phúc? (nằm trong tủ sách Sống - sách của tác giả Việt). Cuốn sách đưa ra những góc nhìn mới về các hệ giá trị trong cuộc sống, thông qua những chứng cứ, phân tích, lập luận chặt chẽ.

Trước đó, giữa năm 2017, Phi Tuyết ra mắt cuốn Sống như ngày mai sẽ chết, tạo được cơn sốt trong giới trẻ. Cho đến nay, sách đã tái bản 4 lần với hơn 23.000 bản.

Ngoài Phi Tuyết, những tác giả trẻ mong muốn truyền động lực cho bạn đọc thông qua sách cũng liên tục ra mắt tác phẩm: La Di với Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc; Trần Trà My với Tin vào điều tử tế; Rosie Nguyễn với Mình nói gì khi nói về hạnh phúc; Lương Nguyễn An Điền với Không nổi tiếng cũng đâu có sao... 

Những cuốn sách “đánh” trúng tâm lý hoang mang của nhiều người trẻ trước ngưỡng cửa trưởng thành, gợi đúng nỗi lo toan trong một xã hội mà những hệ giá trị đang thay đổi chóng mặt... đã giúp sách truyền cảm hứng nổi lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, chóng nở cũng chóng tàn. Sách truyền cảm hứng năm nay đã chững lại về mặt đề tài, thể hiện. Đơn cử, những chuyến đi truyền cảm hứng đã được viết quá nhiều trong năm và dự báo 2019 sẽ là một năm khó khăn cho dòng sách này nếu không có thay đổi về đề tài, cách khai thác câu chuyện, cách lồng ghép thông điệp.

Van hoc 2018: Nhung nhan nha tren nen xam
Maik Cây (trái) và Mai Thảo Yên - 2 tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20

Sự trở lại của những cuốn sách ấn tượng

Năm 2018 ghi dấu sự trở lại của nhiều cuốn sách ấn tượng. Gần đây nhất có Sách tết 2019, ra mắt cuối tháng 12 vừa qua. Sách tết ra đời hơn 90 năm trước (năm 1928) với tên gọi ban đầu là Sách xem tết. Sách ra mắt đều đặn vào dịp cuối năm - chào đón năm mới. Tuy nhiên, đến năm 1958, sách tết bị gián đoạn.

Ngoài những tác phẩm văn, thơ, sử, cổ tích… do nhiều tác giả nổi tiếng sáng tác, một phần đáng chú ý trong Sách tết 2019 là số lượng hình ảnh minh họa được các hoạ sĩ như Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Tạ Huy Long, Phan Thanh Nam... thực hiện.
Trong lần tái bản vào tháng Mười vừa qua, Almanach - Những nền văn minh thế giới đã được chỉnh lý, bổ sung 1.065 trang, gồm 256 trang phụ bản ảnh màu và 809 trang nội dung, nâng tổng số trang lên 3.296 trang.

Bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman do tác giả Hùng Lân phóng tác từ phim hoạt hình Hesman đã gắn bó với thế hệ bạn đọc 7X, 8X và đời đầu 9X cũng đã quay lại với bạn đọc sau 20 năm. Dũng sĩ Hesman nay còn xuất hiện ở những hình thức khác, gồm: phiên bản kỹ thuật số, game, mô hình... do những bạn trẻ yêu mến truyện tranh Việt thực hiện. Trước đó, năm 2004 và 2014, Dũng sĩ Hesman từng được tái bản bằng hình thức sách giấy.

Năm của những giải thưởng văn học quốc tế

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận được giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom - Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin - trao tặng cho tác phẩm Cánh đồng bất tận. Bản tiếng Đức cuốn sách có tên Endlose Felder đã vượt qua tác phẩm của 8 tác giả nữ quốc tế để giành chiến thắng.

Van hoc 2018: Nhung nhan nha tren nen xam
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sang Đức nhận giải Literaturpreis 2018

Sau khi nhận được 3.000 Euro tiền thưởng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn nhận được 6.000 Euro tiền hỗ trợ từ ban tổ chức để phát triển một hoạt động văn học dành cho nữ giới tại quê nhà. Mới đây, nữ nhà văn đã cùng nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát động cuộc thi sáng tác truyện ngắn về phụ nữ có tên Một nửa làm đầy thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận được giải thưởng Changwon KC International Literary Prize (giải thưởng Văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon). Đây là giải thưởng trao cho những tác giả từ 50-65 tuổi, có nhiều cống hiến và đóng góp sáng tạo cho văn học nghệ thuật trong và ngoài nước. Tác giả phải có tác phẩm xuất bản bằng tiếng Hàn và tác phẩm dịch sang tiếng Anh. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.

Nhà văn Bảo Ninh nhận giải Asian Literature Award (giải thưởng Văn học châu Á) với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh tại Liên hoan Văn học châu Á 2018 lần thứ 2 ở Gwangju, Hàn Quốc...

Giải thưởng văn học trong nước: đỏ mắt tìm nhân tài

2018 kết thúc ba năm cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 với kết quả được trao cho 9 cá nhân xuất sắc. Đáng tiếc, không có ai được trao giải nhất, chỉ dừng lại ở đồng giải nhì. Hai tác phẩm ấn tượng trong Văn học tuổi 20 lần 6 là: Wittgenstein của thiên đường đen (tác giả Maik Cây) và Người lạ (tác giả Mai Thảo Yên). So với các tác phẩm còn lại lẫn mặt bằng chung của cuộc thi, 2 giải nhì hoàn toàn xứng đáng vì đề tài mới, cách thể hiện lẫn văn phong mang hơi thở của những người trẻ hiện đại.

Van hoc 2018: Nhung nhan nha tren nen xam
Wittgenstein của thiên đường đen

Cách lý giải của Giám đốc nhà xuất bản Trẻ - ông Nguyễn Minh Nhựt - về việc không thể chọn giải cao nhất vì cả 2 tác phẩm kèn cựa nhau về chất lượng, hội đồng chấm giải tranh luận gay gắt để bảo vệ lựa chọn của mình và con số khi chấm điểm bằng nhau. Ngoài Văn học tuổi 20 lần 6, năm 2018, nếu xét về các cuộc thi văn học trẻ, vẫn còn thiếu sân chơi quy mô để các tác giả trẻ thử sức.

Bên cạnh các cuộc thi do một số cơ quan báo chí tổ chức, quanh quẩn chỉ có vài cuộc thi do các cá nhân, hội/nhóm thực hiện. Năm 2018 cũng chứng kiến một số lùm xùm trong việc trao giải thưởng Sách quốc gia 2018.

Ở tác phẩm Chim ưng và chàng đan sọt - đoạt giải C - có nhiều đoạn tả cảnh ái ân dung tục, suồng sã giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Những chi tiết được cho là “quá đà”, sai thực tế trong cuốn sách dẫn đến việc nhiều chuyên gia, bạn đọc cho rằng, tác phẩm không xứng đáng đoạt giải.

Dẫu vậy, sự né tránh hướng xử lý của đại diện Ban tổ chức giải thưởng - ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản - mới là nguyên nhân chính góp phần làm hạ uy tín giải thưởng. 

 Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI