Văn hóa xe buýt qua ứng xử với người khuyết tật, người già và trẻ em

10/03/2023 - 06:19

PNO - Chuyện nhân viên xe buýt ở Nghệ An từ chối người khuyết tật và những tranh cãi về việc “nhường ghế” cho người khuyết tật đang làm “nóng” mạng xã hội những ngày gần đây.

 

Hỗ trợ người già, người khuyết tật khi đi xe buýt sẽ tạo nên văn hóa xe buýt - ẢNH: D.R.Đ.
Hỗ trợ người già, người khuyết tật khi đi xe buýt sẽ tạo nên văn hóa xe buýt - Ảnh: D.R.Đ.

Mới đây, một phụ nữ đã kể lại trên trang cá nhân về việc gia đình chị đi xe buýt. Do có con nhỏ, chị đề nghị một bạn nữ nhường ghế cho con, nhưng người này từ chối. Chị bức xúc cho rằng bạn nữ kia ý thức kém. Câu chuyện đã nhận được sự chia sẻ của nhiều người và gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc “nhường ghế có phải là nghĩa vụ khi đi xe buýt?”.

Vài ngày sau, vụ nữ nhân viên xe buýt tuyến TP Vinh - thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) bị phạt 100.000 đồng vì không hỗ trợ người khuyết tật lên xe lại tiếp tục khiến dư luận “dậy sóng”.

“Văn hóa xe buýt” là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ hết thời sự, bởi nó vẫn hiện diện quanh chúng ta hằng ngày. Dưới đây là ý kiến của người dân và các chuyên gia về vấn đề này:

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến  - Phó trưởng bộ môn truyền thông, Trường đại học Văn Hiến: 

Nhường ghế trên xe buýt, cần được nhìn nhận nhiều chiều

Việc nhường ghế cho những nhóm người yếu thế trong ứng xử nơi công cộng là hết sức cần thiết. Tuy vậy, tiêu chí tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe… không phải là duy nhất để xác định, bởi thực tế cuộc sống phong phú hơn nhiều. 

Có những người lớn tuổi nhưng sức khỏe vẫn rất tốt, trẻ nhỏ nhưng thể lực tràn đầy, người khuyết tật nhưng luôn tự tin hòa nhập cuộc sống và không muốn xã hội ứng xử với mình như với người đặc biệt. Việc được nhường ghế có khi lại mang đến cảm xúc thiếu tích cực về mặt tâm lý cho họ.

Ngược lại, có trường hợp bề ngoài tưởng không thuộc một nhóm yếu thế nào, nhưng trong một số thời điểm nhất định, họ lại rất cần sự thấu cảm của xã hội. Chẳng hạn một thanh niên vừa kết thúc ca trực đêm căng thẳng, một bạn trẻ vừa trải qua một sang chấn trong cuộc sống… Thế nên, việc nhường ghế nơi công cộng, rất cần được suy xét đầy đủ những khía cạnh, tránh phán xét vội vàng dẫn đến những tổn thương không đáng có giữa những người trong cuộc. Nhường ghế là một hành động đẹp, song cũng cần được nhìn nhận nhiều chiều.

Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền - Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch: 

Nhường ghế là hành động đẹp trong văn hóa ứng xử

Không ai có quyền ép buộc người khác phải nhường ghế cho mình và cũng không ai có trách nhiệm, bổn phận phải nhường ghế cho ai. Tuy nhiên việc nhường ghế cho người khó khăn là hành động đẹp, nét đẹp trong ứng xử. 

Tôi cho rằng cuộc sống bận rộn khiến nhiều người quên mất giao tiếp, trò chuyện để hiểu nhau. Chỉ một câu nói về lý do cần nhường ghế hoặc không nhường được ghế sẽ khiến tất cả cùng vui vẻ, thấu cảm cho nhau, thay cho sự bức xúc dẫn đến hành vi sai trái là bóc phốt, miệt thị nhau. 

Ông Nguyễn Văn Thanh - người khiếm thị, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu: 

Người khuyết tật luôn cần sự quan tâm, hỗ trợ ở nơi công cộng

Tôi ở Củ Chi, đi dạy ở quận 10 nên mỗi ngày đều đi về - bằng xe buýt. Các anh tài xế tuyến 13, 94 có chia sẻ là từ sau dịch, lượng khách không ổn định nên chủ xe không thuê tiếp viên, tài xế phải lo hết các khâu, kể cả bán vé và soát vé. Thực tế ấy khiến việc hỗ trợ người khuyết tật cũng rất khó khăn, nhất là khi họ phải dừng xe giữa đường. Để bớt đi những phiền phức đó, tôi thường đón xe ở bến.

Hiện nay có 2 dạng xe buýt, trợ giá và không trợ giá. Với những tuyến không trợ giá, tài xế đối xử rất tốt với người khuyết tật, vì mọi người đều mua vé. Còn với những tuyến trợ giá, có khi các bác tài không thèm dừng đón khách. Những khi kẹt xe hay lố giờ, khách xuống chưa kịp đứng vững xe đã chạy khiến người lành lặn cũng dễ chới với. Nhiều tài xế, tiếp viên xe buýt không mặn mà đón người khuyết tật là sự thật.

Đối với người khiếm thị như tôi, phải đứng trên xe buýt trong quãng đường dài tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thứ nhất, họ không thể tự bảo vệ tài sản nên nguy cơ bị móc túi rất cao. Thứ hai, khi xe thắng gấp, người khuyết tật không biết cầm nắm vào đâu để giữ thăng bằng. 

Ông Phạm Lân - 70 tuổi, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè:

Nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ là bài học về sự tử tế 

Con cái đều đi làm nên hằng tháng, tôi tự đón xe buýt đến bệnh viện để lấy thuốc. Phần lớn những lần tôi lên xe đều được các bạn trẻ nhường ghế. Nhiều hôm thể trạng, tinh thần tốt, tôi cười cảm ơn, nhưng từ chối nhận, bởi tôi muốn lòng tử tế của mình cũng được trao đi. Mỗi lần được nhường ghế, tôi cảm thấy rất vui vì trong một xã hội đang thiếu niềm tin về đạo đức xã hội, thì sự tử tế vẫn đang hiện diện. Tôi nghĩ rằng, “văn hóa xe buýt” sẽ góp phần tạo nên văn hóa cộng đồng. 

Lê Ngọc Hồng - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM: 

Không nên phán xét một người qua chuyện nhường ghế

Nhường ghế là lựa chọn, không phải là nghĩa vụ mọi người đều phải làm. Do đó không nên phán xét hay đánh giá ai đó dựa trên quyết định của họ. 

Không nên đặt quá nặng vấn đề nhường ghế cho người khác, vì có thể một người trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhưng họ không khỏe, đang gặp vấn đề về trang phục, hoặc đang rã rời sau một ngày dài. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là bạn có thể tùy tiện chiếm những ghế ngồi dành cho những người được ưu tiên. Nếu xe trống, bạn được quyền ngồi, nhưng nếu xe đông và những người được ưu tiên cần ghế, bạn nên nhường ghế ưu tiên đó. 

Chị Quỳnh Hương - TP Thủ Đức, TPHCM: 

Cần hướng đến việc thiết kế phương tiện thân thiện với người yếu thế

Tôi từng sử dụng phương tiện công cộng ở các nước châu Âu. Ở họ, ít có chuyện nhường ghế, vì các phương tiện công cộng đều có sẵn 10 - 20% số ghế dành cho người già, trẻ em, người khuyết tật. 

Những ghế ưu tiên được thiết kế rộng rãi và đặt ở phía trước để đối tượng ưu tiên dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Người bình thường sẽ không sử dụng những ghế này. Ngoài ra, trên các phương tiện công cộng (như xe buýt, tàu điện ngầm) người ta còn thiết kế kỹ thuật để nâng xe lăn lên và dành vị trí cho xe lăn…

Có lần ở Anh, tôi thấy một người ngồi xe lăn chờ xe buýt. Tôi nghĩ bụng, người này sẽ rất khó khăn khi lên xe buýt. Nhưng mọi việc dễ dàng hơn tôi tưởng, bởi sàn xe buýt được thiết kế nối liền với sàn nhà chờ nên người khuyết tật chỉ việc lăn xe vào vị trí thì sẽ được nâng cả người và xe lên xe buýt.

Tôi nghĩ, để có “văn hóa xe buýt” thì giao thông công cộng cần hướng đến việc thiết kế những phương tiện thân thiện với các đối tượng yếu thế. Ngoài ra, cũng cần “luật hóa” các quy định ứng xử khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ở Úc, nếu bạn là người bình thường mà từ chối nhường ghế cho đối tượng ưu tiên khi được yêu cầu, bạn có thể bị phạt tiền lên tới 147 đô Úc. 

Phong Vân - Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI