Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội: Lời nói phản chiếu "nhân cách ẩn giấu"

06/06/2023 - 17:32

PNO - Mạng xã hội cho người dùng không gian chia sẻ, kết nối, bình luận...Thế nhưng môi trường mạng cũng không kém phần độc hại với những ứng xử thiếu văn hóa.

Vụ việc nhà văn Hiền Trang bị tấn công cá nhân sau buổi giao lưu với bạn đọc TPHCM mới đây, một lần nữa cho thấy ứng xử kém văn hóa của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Chỉ từ một ý phát ngôn của nhà văn bị tách khỏi ngữ cảnh và nội dung chia sẻ, nhiều người đã cố tình nghĩ sai lệch và định hướng vấn đề theo chiều hướng tiêu cực. 

Sự việc không còn là chuyện một cá nhân bị hiểu sai phát ngôn, bị giễu cợt hay chỉ trích mua vui mà nghiêm trọng hơn, trở thành vi cố tình bôi xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đây cũng không phải là lần đầu một bộ phận người dùng Facebook bộc lộ ứng xử kém văn hóa của họ trên không gian mạng xã hội. 

Nhà văn Hiền Trang bị bắt nạt trên không gian mạng chỉ vì cộng đồng hiểu sai ý phát ngôn của cô
Nhà văn Hiền Trang bị bắt nạt trên không gian mạng chỉ vì cộng đồng hiểu sai ý phát ngôn của cô - Ảnh: Phanbook

Facebook là phương tiện kết nối cộng đồng, cho mỗi cá nhân cơ hội tự do chia sẻ, bày tỏ quan điểm, nhìn nhận, bình luận về mọi vấn đề trong cuộc sống. Nhưng đó cũng là một không gian vô cùng độc hại, phản chiếu văn hóa, đạo đức của một bộ phận người dùng mạng xã hội. 

Theo số liệu thống kê từ Datareportal (trang tổng hợp và cung cấp miễn phí các báo cáo Digital Marketing trên toàn thế giới), tại Việt Nam hiện có hơn 76 triệu người sử dụng mạng xã hội và các nền tảng (hơn 70 triệu người dùng Facebook, hơn 62 triệu người dùng YouTube, 11 triệu người sử dụng Instagram và gần 40 triệu người dùng TikTok).

Mạng xã hội tạo ra trend (xu hướng nổi bật), viral (sự lan truyền mạnh mẽ)... cả theo 2 chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Mạng xã hội cũng tạo ra những "anh hùng bàn phím" và một cộng đồng tự cho mình quyền phán xét, sẵn sàng lên án, chỉ trích, mỉa mai, chửi bới, miệt thị... người khác, bất chấp đúng sai.

Họ không cần tìm hiểu tường tận bản chất vấn đề, cố tình bỏ qua sự thật mà chỉ cần thấy "hiện tượng" là sẵn sàng lao vào giễu cợt, bỉ bôi, cười chê và hả hê với điều đó. Từ bao giờ, "drama" trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý, một bộ phận người dùng Facebook xem scandal hay sự cố không may của ai đó là niềm vui của bản thân, mặc sức hả hê, bình luận chửi bới, hằn học.

Nhào dzô- tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Biếm họa Báo chí Việt Nam lần V–2018
Nhào dzô - tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Biếm họa Báo chí Việt Nam lần V-2018  

Ngôn từ chợ búa, độc hại trên mạng xã hội không thuộc về riêng một đối tượng, tầng lớp hay độ tuổi nào. Trong đó có người trẻ, trí thức lẫn người của công chúng - mà lẽ ra phải là những người góp phần trao gửi những giá trị đẹp cho cộng đồng. 

Văn hóa ứng xử hình thành dựa trên lối sống, tính cách và suy nghĩ của mỗi người. Lời nói phản chiếu nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân.  Sự hằn học, ném đá, chửi rủa, miệt thị... người khác xuất phát từ sự không vừa lòng/vừa mắt lẫn những ẩn ức nội tâm của mỗi người. Càng được tự do bộc lộ, cộng đồng mạng càng cho thấy "nhân cách ẩn giấu" bên trong mỗi người. 

Khi học sinh sẵn sàng nói xấu, lăng mạ thầy cô giáo; người trẻ sẵn sàng dùng ngôn từ chợ búa để chửi mắng nhau; trí thức cũng không đứng ngoài những bình luận thô lỗ, dung tục; nghệ sĩ không ít người sẵn sàng đáp trả bằng ngôn từ kém văn hóa...

Chuẩn mực đạo đức và những giá trị văn hóa nền tảng bị đảo lộn trên không gian mạng. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay và đã đến mức báo động về ứng xử kém văn hóa, đạo đức trên mạng xã hội. 

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành, trong đó có quy tắc ứng xử lành mạnh: Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam
Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành, trong đó có quy tắc ứng xử lành mạnh: "Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam"

Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ" và sự bảo vệ này không loại trừ không gian mạng. Những hành vi ứng xử, giao tiếp trên không gian mạng đi ngược với những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, vi phạm pháp luật cần có chế tài, phạt nặng để đủ sức răn đe.

Cội rễ của ứng xử văn hóa bắt đầu từ nhận thức và ứng xử của cá nhân và cộng đồng, mà giáo dục là nền tảng. Chấn chỉnh hành vi văn hóa của một cộng đồng là điều không thể nói suông hay có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nhưng cần thiết xem đó là vấn đề lớn của văn hóa dân tộc để điều chỉnh, định hướng và xây dựng một thế hệ có nền tảng giáo dục tốt, góp phần xây dựng và làm trong sạch môi trường văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Trần Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI