'Văn hóa truyền thống là mỏ vàng mà ta chỉ mới khai thác 1%'

11/03/2019 - 14:37

PNO - Anh Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập Ỷ Vân Hiên: “Văn hóa truyền thống là mỏ vàng mà ta chỉ mới khai thác 1%”

Phóng viên: Là một trong những đơn vị tư nhân tiên phong hoạt động ứng dụng trong lĩnh vực cổ phong, anh đánh giá thế nào về mỏ quặng văn hóa của Việt Nam, như một nguồn lực để phát triển đất nước?

 Bài: Khi người trẻ quay về với cổ phong

Anh Nguyễn Đức Lộc: Văn hóa cổ của Việt Nam đủ tầm, đủ tư liệu và là một mỏ quặng khổng lồ ta chưa khai thác hết. Nếu lấy con số 100% làm số đo thì hiện tại, ta mới khai thác được 1% thôi. Nhìn sang 3 nước đồng văn với nước ta là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, có thể thấy, họ đang khai thác mỏ quặng văn hóa của họ hết sức mạnh mẽ. Họ coi văn hóa là quyền lực mềm, xuất khẩu ra bên ngoài; đồng thời cạnh tranh, gây ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực, thậm chí trên thế giới. Họ làm phim, làm truyền hình, làm du lịch, đưa vào cả truyện tranh, game… Họ dùng công cụ mới, hiện đại, để ứng dụng, làm sống dậy văn hóa cổ truyền.

Nhìn lại, ở Việt Nam thời gian qua, điều đó gần như bị bỏ quên. Gần đây mới manh nha một vài đơn vị, đưa ứng dụng này vào ngành công nghiệp. Song nhìn chung, chúng ta vẫn còn một hành trình dài trước mặt.

'Van hoa truyen thong la mo vang ma ta chi moi khai thac 1%'
Nguyễn Đức Lộc 

* Chúng ta từng có những bộ phim lịch sử hoặc lấy bối cảnh lịch sử bị gọi là thảm họa phục trang. Trong nhiều nguyên nhân, có cả việc những người làm phục trang không được học hành bài bản, dẫn đến việc tiếp cận, hiểu biết cổ phong không đầy đủ?

- Một phần, do điều kiện về giáo dục của mình chưa tốt. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, nền tảng cơ bản của họ về cổ phong khá tốt. Khi xem trang phục, có thể họ không nắm được một cách chi tiết, nhưng ít ra, họ cũng phân biệt được triều đại nào, qua trang phục. Còn ở Việt Nam, việc triều đại nào có trước triều đại nào đôi khi còn là một câu hỏi khó, chưa nói tới ngành trang phục cổ - ngành ngách của ngách.

Ở ta làm gì có trường chính quy nào đào tạo ngành trang phục cổ. Khi tìm hiểu mới biết, những bạn trẻ làm về cổ phục, đều học trái ngành trái nghề; do đam mê, tâm huyết, họ tự mày mò rồi theo đuổi. Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh có Khoa Phục trang để chuẩn bị trang phục cho phim; tuy nhiên, sinh viên đầu vào rất ít, học xong, theo nghề lại còn ít hơn, gần như đếm trên đầu ngón tay. Còn các trường thiết kế thời trang, sinh viên cũng được dạy về trang phục, nhưng lại là thời trang mới; hoặc có bộ môn trang phục cổ Việt Nam, nhưng được dạy một cách cho có và gần như sinh viên học xong cũng chẳng biết gì.

Do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nền văn hóa của ta bị đứt gãy, thiếu tính liền mạch. Ngay cả thế hệ cha mẹ mình, do đời sống khó khăn, lo cái ăn cái mặc, nên nhiều khi, hiểu biết như thế nào là đúng, đủ, chuẩn về trang phục truyền thống của ông bà tổ tiên ngày xưa cũng hạn chế, nói gì các bạn trẻ. Sau này, đời sống vật chất được cải thiện, không phải lo cái ăn cái mặc nữa, nhưng lại đứng trước sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa bên ngoài. Không có nền tảng về văn hóa truyền thống nên ta dễ lung lay là vì vậy.

* Nói về nỗ lực của phong trào cổ phong, có ý kiến cho rằng, đó là một nỗ lực… bất thành, vì nó bất tiện, lạc hậu và không còn phù hợp với thời đại?

- Tôi xin phép nói một câu hơi sốc: chỉ có người thiếu hiểu biết và tầm nhìn hạn hẹp, ấu trĩ mới nghĩ như vậy. Văn hóa truyền thống là một mỏ vàng mà ta mới chỉ khai thác 1%. Hãy nhìn sang các nước để thấy họ đã làm gì với nền văn hóa cổ phong của họ. Nó trị giá hàng tỷ USD mà mình chưa biết cách khai thác.

Có người nói, những cách ăn, mặc, đi đứng, ăn nói, lễ… đó không còn ứng dụng được trong đời sống. Tôi xin nêu ví dụ về chiếc kimono của Nhật Bản. Nó có vướng víu không? Rất vướng víu, rất phức tạp và nhiều lớp. Cổ phục của Việt Nam, so với đó, chưa là gì. Thế thì tại sao cho tới bây giờ, kimono vẫn là một biểu tượng khi nhắc đến văn hóa Nhật? Khoảng thập niên 1980 - 1990, ngành công nghiệp may kimono, may mặc truyền thống của Nhật trị giá hàng tỷ USD. Thợ thủ công may đồ truyền thống của họ làm không hết việc. Một bộ kimono rẻ cũng tầm 5.000 - 7.000 USD, trung bình cũng 10.000 - 20.000 USD, có bộ đắt đỏ lên tới cả trăm ngàn đô la. Dù bây giờ, ngành này đã suy thoái ít nhiều, con số vẫn rất lớn.

Hay sang Trung Quốc, xem ở Hàng Châu, Tô Châu, Thượng Hải... họ có những phim trường rộng lớn. Ngoài quay phim, người ta còn thu tiền từ các dịch vụ “ăn theo” như chụp hình, in ấn...

Xuất khẩu văn hóa có lẽ vẫn là một khát vọng xa. Tôi mong văn hóa cổ truyền của ta được trung hưng, phục hồi, được quảng bá, phát triển từ hội họa, phim ảnh... và quảng bá cho chính người Việt hiểu hơn về văn hóa truyền thống của mình.

* Cảm ơn anh.

 Anh Đông Nguyễn, đồng sáng lập và quản trị viên nhóm Đại Việt cổ phong: “Chúng ta đang bị nhập nhằng”

Phóng viên: Dường như phải đến khi bộ phim Diên Hy công lược và Như Ý truyện của Trung Quốc làm mưa làm gió, chúng ta mới cảm thấy “trống rỗng” khi nhìn về cổ phong trong văn hóa đại chúng hiện nay?

Anh Đông Nguyễn: Tôi không nghĩ là phải đến mấy phim đó công chúng mới “thức tỉnh”. Đành rằng, những bộ phim này, với sự đầu tư rất lớn, đã tạo nên một làn sóng quan tâm về cổ phong. Nhưng có lẽ nó chỉ khiến người ta nghĩ nhiều về cách quay phim, nước ảnh, hiệu ứng... chứ những người trăn trở thì vẫn cứ trăn trở. Trước khi các bộ phim đó được chiếu rất lâu, chúng ta đã từng trăn trở về phim lịch sử - từ thời những bộ phim như Đêm hội long trì, rồi những phim chào đón 1.000 năm Thăng Long. Có chăng, những bộ phim kể trên đã gợi lại chuyện cũ mà thôi.

'Van hoa truyen thong la mo vang ma ta chi moi khai thac 1%'

* Như anh nói, đây là chuyện cũ, nhưng vì sao nói mãi vẫn thế? Có người bảo do nội hàm văn hóa Việt không đủ mạnh? Có người lại bảo Việt Nam chưa quan tâm và xem văn hóa như mũi nhọn để phát triển kinh tế?

- Người Việt chưa quan tâm tới văn hóa cổ. Nếu quan tâm, họ đã có thể tìm thấy rất nhiều tư liệu trên mạng, để làm đúng, làm đẹp. Nếu quan tâm, nhiều dự án văn hóa cổ đã không phải chật vật tìm nguồn tài chính, vì người Việt đâu có nghèo. Những khoản đầu tư vào các show diễn hàng tỷ đồng, những công trình đình, đền, chùa hàng chục ngàn tỷ đồng cho thấy nguồn vốn của ta có thể rất lớn. Nhưng những dự án nghiêm túc, muốn đi sâu, thì lại chật vật, chỉ vì không gom nổi vài chục triệu đồng. Tôi thấy, tỷ lệ người quan tâm cổ phong giờ khá đông, nhưng vẫn chỉ là một “nhúm nhỏ” trong xã hội, nơi mà phần đông, người ta vẫn chuộng sự hiện đại, Âu Mỹ, thậm chí có nhiều người coi nhẹ hoặc cả ác cảm với văn hóa cổ.

* Nhóm Đại Việt cổ phong mong “phổ biến những nét đẹp và cái nhìn xác thực về văn hóa truyền thống Việt Nam”. “Cái nhìn xác thực” ở đây là gì?

- Cái nhìn “xác thực” của chúng tôi, đơn giản là “giống với thực tế”. Hiện tại, chúng ta quảng bá rất nhiều thứ là “văn hóa cổ”; trong khi thực tế ngày xưa không phải thế. Lấy ví dụ, chúng ta đem áo dài học sinh đi quảng bá là chiếc áo có từ thời cổ đại, trong khi phom dáng bó sát mỏng manh và dài quét gót của áo dài mới chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, do phong trào đổi mới theo thẩm mỹ phương Tây, vốn chuộng vẻ đẹp cơ thể. Cha ông ta chuộng áo dài thụng, rộng, để che khiếm khuyết cơ thể. 

Đó là những trường phái tư duy trái ngược nhau, nhưng chúng ta đang bị nhập nhằng. Chúng tôi muốn, thông qua những nghiên cứu tỉ mẩn, để tách bạch cho mọi người thấy những gì là yếu tố mới, những gì là yếu tố cổ. Chỉ có thế, ta mới thấy được diện mạo chuẩn xác của cha ông xưa và hiểu được tư tưởng, tư duy của họ. Không thì ta rất dễ chủ quan, áp đặt góc nhìn hiện nay vào bối cảnh xưa và lý giải sai lệch sự việc.

* Cảm ơn anh. 

Du Nguyên

 Cốc Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI