Văn hóa trên môi trường mạng: Thầy cô cũng phải học!

16/11/2021 - 06:42

PNO - Khi dạy học, làm việc trên môi trường mạng, văn hóa ứng xử trong mỗi nhà trường cần thay đổi, dịch chuyển để thích ứng. Mỗi giáo viên đều phải học.

Thầy cô cũng phải học

Mạng xã hội đang xôn xao việc nhiều giáo viên của một trường THPT tại TP.HCM phản ánh hiệu trưởng nhà trường áp dụng một kiểu chấm thi đua “không giống ai”. Đó là nếu giáo viên không “thả tim” (phản hồi) trong nhóm Zalo của trường khi nhà trường thông báo các thông tin về hoạt động, giảng dạy thì sẽ bị trừ điểm thi đua.

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, quy định phải tương tác trong các group trường, nhóm, tổ trước các tin nhắn thông báo hoạt động chỉ đơn giản là văn hoá ứng trong giao tiếp tối thiểu ở bất cứ môi trường nào. Điều này là hoàn toàn bình thường.

“Tại trường mình, khi ban giám hiệu hay tổ trường chuyên môn thông báo các hoạt động, để biết được rằng mọi người đã tiếp nhận được thông báo đó hay chưa, lãnh đạo cũng nói rằng, nếu đã đọc tin thầy cô nên có phản hồi bằng cách bấm like hay thả tim, thay vì gửi tin nhắn sẽ dễ làm trôi thông báo. Làm việc trên môi trường mạng, đây là văn hoá ứng xử rất cơ bản mà ai cũng cần phải có, mỗi giáo viên đều phải học”, thầy N.N (giáo viên một trường THPT tại Q.8) chia sẻ

Cô Phạm Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1 nhận định, khi làm việc trên môi trường trực tuyến, rất nhiều vấn đề phát sinh. Các thông báo cũng gửi đến liên tục. Để hiệu qủa khi làm việc trực tuyến, hiệu trưởng phải biết được rằng giáo viên đã tiếp nhận được thông tin mới nhất đó chưa. Việc phản hồi bằng cách xem rồi thả tim hay like là điều cực kỳ đơn giản, nó thể hiện rằng giáo viên đã xem thông báo, thể hiện sự tôn trọng với ban giám hiệu. Đồng thời, qua việc tương tác này, giáo viên cũng sẽ thẳng thắn trao đổi, những khó khăn, vướng mắc của giáo viên mới được kịp thời tháo gỡ. 

Hiệu trưởng này chia sẻ, văn hóa ứng xử trên mạng internet bằng cách tương tác hiện cũng đang được nhiều thầy cô đã và đang áp dụng cho học sinh, phụ huynh trong các group. “Khi dạy học, làm việc trên môi trường mạng, văn hoá ứng xử trong mỗi nhà trường cũng cần phải thay đổi, dịch chuyển để thích ứng, phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả thì các quy tắc ứng xử này cần được trao đổi, thống nhất trong đội ngũ nhà trường để giáo viên hiểu, đồng hành”.  

Bàn về văn hóa học đường trong môi trường lớp học ảo, ThS. Trần Trọng Khiêm (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú) cho rằng, khi dạy và học trực tuyến, giáo viên, học sinh đều phải ý thức tự điều chỉnh hành vi. Khi dạy học trực tiếp điều này không quá khó nhưng khi dạy trên internet, phụ thuộc nhiều vào thiết bị và bị chi phối bởi các yếu tố môi trường xung quanh thì đòi hỏi cả hai bên đều không thể quá dễ dãi...

Làm chủ cảm xúc

Mỗi giáo viên đều phải học văn hoá ứng xử khi làm việc trên môi trường mạng (hình minh hoạ)
Mỗi giáo viên đều phải học văn hoá ứng xử khi làm việc trên môi trường mạng (hình minh hoạ)

Trong một tọa đàm gần đây về văn hoá học đường, khi bàn về văn hoá ứng xử trên môi trường lớp học ảo, TS. Đào Lê Hoà An (Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam) nhìn nhận, chuyển đổi số giúp giáo viên dễ dàng đưa các phần việc vốn chỉ thực hiện ngoài lớp học đến với học sinh. Thế nhung, để làm được điều này lại đòi hỏi giáo viên phải làm chủ được lớp học, làm chủ được công nghệ thông tin, đặc biệt là làm chủ cảm xúc. 

“Trong lớp học ảo, người dạy và người học không ở cùng một nơi, cảm xúc tâm tư khó mà thấu hiểu với nhau. Điều này khiến ngay cả những thầy cô có kinh nghiệm trong dạy học cũng khó làm chủ được cảm xúc, dẫn đến những hình ảnh không đẹp trong ứng xử thầy trò, tác động không hay đến văn hoá học đường”.

Để hình thành văn hóa học đường thích ứng trong lớp học ảo, TS. Đào Lê Hoà An cho rằng, chính người thầy phải làm chủ hơn nữa, thích ứng hơn nữa để tạo ra những viên gạch văn hóa xây dựng nên văn hóa học đường trên môi trường mạng internet của mỗi đơn vị nhà trường. 

TS. Phạm Đăng Khoa (Trưởng phòng GD-ĐT Q.3) khẳng định, văn hóa học đường là nền tảng cho các hoạt động chuyên môn của nhà trường. Văn hóa học đường không thể nào hình thành trong ngày một ngày hai mà phải được hun đúc từng ngày, từng giờ với sự chung tay góp sức của mọi thành viên trong nhà trường, từ ban giám hiệu cho đến mỗi giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh. Trong đó, vai trò đầu tàu là người hiệu trưởng. 

“Trong bối cảnh 4.0, trong môi trường dạy học trực tuyến thì văn hóa học đường, ứng xử trong mỗi nhà trường cũng cần phải thay đổi để thích ứng. Song càng trên môi trường ảo thì càng phải chú trọng gìn giữ và lan tỏa những giá trị hiện diện, những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc như tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, không lai căng, làm sao để học sinh vừa được học hỏi thêm các nét văn hoá mới nhưng vừa giữ được các nét văn hóa nước nhà...”, TS. Khoa nhấn mạnh.

Én Bông

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI