Văn hoá thưởng thức: Vết gợn còn dài

31/05/2018 - 12:27

PNO - Không phải mới mẻ nhưng như một ‘mầm bệnh’ dai dẳng, rằng văn hoá thưởng thức thời nào cũng tồn tại những mối nguy. Mà nguy nhất là mãi vẫn chưa có lời giải cho những hành động lệch chuẩn trong văn hoá thưởng thức.

Sang, hèn cũng một vài giây

Câu chuyện Mỹ Tâm vội vã rời sân khấu khi chưa kịp nói lời chào tạm biệt và bài hát chưa kết thúc vì một vị khách táy máy chân tay, trong một sự kiện mới đây, là vết gợn trong văn hoá thưởng thức. Nhưng với những gì được cho thấy, vết gợn ấy sẽ còn dài vì cũng như cách nữ ca sĩ xử lý tình huống, có mở đầu, diễn biến cao trào nhưng rồi cũng trôi đi. Văn hoá thưởng thức xấu xí ấy rồi chỉ như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Van hoa thuong thuc: Vet gon con dai
Ca sĩ Mỹ Tâm được khán giả khen ngợi về cách xử lý trong nhiều tình huống ngoài đời và trên sân khấu

Trước đó, giới nghệ sĩ không thiếu những tình huống dở khóc dở cười trên sân khấu khi gặp khán giả quá khích. Hồ Ngọc Hà từng bị khán giả sàm sỡ vòng 3, bị fan cuồng hôn ngực trong lần diễn tại một quán bar trên đất Mỹ. Dương Triệu Vũ gọi việc bị một khán giả sờ đùi là “vết nhơ” trong sự nghiệp. Bảo Thy mỗi lần nhắc đến một fan nam cuồng liên tục đòi cưỡng hôn, đụng chạm cơ thể trong nhiều show trước đây là… nỗi ám ảnh. Và không chỉ họ, những ca sĩ từ thành danh cho đến người mới vào nghề cũng không thiếu những câu chuyện tương tự, chỉ là họ tìm cách tự đối phó hơn lên tiếng.

"Có những người khác lên sân khấu ôm chặt tôi, nhiều tình huống gây cười nhưng đôi khi cũng khó chịu vì không hát trọn vẹn được bài hát. Có người chạy lên chụp hình khi mình đang hát và dancer đầy sân khấu nhưng không đưa mặt vô, họ sẽ kêu mình chảnh còn lo chụp thì ảnh hưởng bài hát" - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết.

Môi trường văn hoá quyết định thái độ và hành vi ứng xử của con người. Không ai trở thành kẻ trộm nếu họ sống trong môi trường được giáo dục, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Nhưng, với các sân khấu ca nhạc, dù hát tại quán bar, hội chợ, phòng trà hay sân khấu trang trọng, vẫn không thiếu những người sẵn sàng hoá fan cuồng để một lần hết mình với nghệ sĩ.

Ca sĩ Thuỷ Tiên hạn chế hát tại quán bar sau khi kết hôn vì cô cho rằng môi trường tại đây không còn phù hợp, dù bar từng là “mỏ vàng” của Thuỷ Tiên. Nhưng, đâu chỉ quán bar mới phản ánh cái gọi là văn hoá thưởng thức kỳ quặc của một số người. Tại một sân khấu sang trọng trong buổi tiệc của tập đoàn lớn, với những người thưởng thức là người ở tầng lớp trí thức, câu chuyện của Mỹ Tâm cũng không khác.

Và, hành vi hạ đẳng xuất hiện tại nơi sang trọng mới là những quả bom lớn.

Van hoa thuong thuc: Vet gon con dai
Hồ Ngọc Hà từng gặp nhiều trường hợp khán giả quá khích lên sân khấu thể hiện tình cảm

Tự trọng mà thưởng thức

Nói về thưởng thức hay bất cứ hoạt động nào liên quan đến cảm xúc, phần hồn bên trong, khó để có quy chuẩn chung trong cách tiếp nhận. Dẫn tới những tác phẩm người này khen hay kẻ kia chê dở nhưng văn hoá tiếp nhận thì không đa chiều kích như vậy.

Trong thói quen tiêu dùng của người Việt, nếu liệt kê văn hoá tinh thần cũng là một dạng “hàng hoá”, khán giả bỏ tiền mua sự giải trí thì thường họ muốn chi 1 phải được 1 thậm chí 2, 3. Có nghĩa, ai cũng muốn nhận về chất lượng xứng đáng hay hơn với đồng tiền mình đưa ra.

Vô hình trung, khán giả cho mình quyền được thêm. Họ kỳ kèo với nghệ sĩ để được nghe thêm bản nhạc khi chương trình đã hết. Họ muốn gần gũi hơn với thần tượng bằng việc tặng hoa, bắt tay, ôm, hôn. Và thêm nữa, nhiều fan cuồng bất chấp thái độ của ca sĩ, họ muốn một lần được gần gũi hơn. Vì trước hàng ngàn khán giả tại sân khấu hay thậm chí vài chục người, chỉ cần mình nắm tay, ôm hôn được ca sĩ thì sẽ có khối người phải ghen tỵ, đã có cái để khoe (!?).

Không dễ để vị khán giả (ở tầm lãnh đạo) kia quyết định 2 lần tiếp cận Mỹ Tâm dù lần đầu thất bại chóng vánh. Cũng không dễ có cơ hội để nữ khán giả cuồng nhiệt ở một quán bar nào đó thuộc nước Mỹ xa xôi được sờ tay Hà Hồ, chốc chốc vài giây hôn được ngực nữ ca sĩ. Chiến tích được ghi lại bằng hình ảnh ấy có phần hả hê nhưng đổi lại là một vết gợn dài với nghệ sĩ và những khán giả chân chính.

Clip khán giả nữ quá khích khi Hồ Ngọc Hà đang hát trên sân khấu:

Chưa bao giờ, văn hoá thưởng thức được đặt còi báo động như những vụ cháy lớn vì thường chúng không gây hậu quả nhãn tiền, cũng không lộ ra như bệnh mà chỉ âm ỉ. Từ nhiều lý do xuất phát từ nhận thức, khán giả chân chính cho đến nghệ sĩ, họ quên đi cách lên tiếng trước những bất bình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân để lượng khán giả lệch chuẩn trong hành động tăng lên.

Nên những vết gợn vẫn cứ còn dài.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Nghệ sĩ nam đỡ hơn nghệ sĩ nữ nhiều trong những tình huống này. Những va chạm hay các tình huống khó nói, người nam cũng dễ xử lý hơn.

Khi nghệ sĩ chúng tôi muốn gần để giao lưu không khoảng cách thì có vẻ mọi người được nước tấn công nhiều hơn. Có nhiều lúc đang hát thì khán giả cầm chai rượu lên, cặp kè kêu uống thì làm sao mà uống, còn chưa kịp uống thì có khách cầm ly lên tạt rượu vào người mình. Tôi từng gặp chuyện như vậy ở Hà Nội, lúc đó rất nhiều người bất bình nhưng tôi nghĩ họ say, họ vô ý thức rồi thì mình nên bình tĩnh hát xong. Sau đó, tôi xuống và nói: “Khi nãy em đang hát nên không uống với anh được, bây giờ em sẽ uống với anh”.  

Van hoa thuong thuc: Vet gon con dai
Đàm Vĩnh Hưng nhiều lần gặp khán giả quá khích lên sân khấu thể hiện tình cảm

Đó là lý do vì sao có bảo vệ đứng trước sân khấu nhưng như vậy hình ảnh không đẹp. Ca sĩ lâu dần cũng ngại xuống giao lưu với khán giả.

Ngay cả bản thân tôi, có những đêm hát ở phòng trà, chỉ yêu cầu người ta im lặng thôi để hát với guitar thì vẫn có những người rất thích nói. Họ nói to để chứng tỏ mình am hiểu điều gì cũng không biết nữa. Nhiều lần trong khi trình diễn tôi phải dừng tiết mục và năn nỉ khán giả im lặng để hát cảm xúc hơn nhưng không được. Tôi phải chuyển qua thể loại nhạc sôi động.   

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI