Văn hóa, thể thao sẽ đóng góp vào GRDP TP.HCM

22/01/2021 - 06:21

PNO - Công nghiệp văn hóa TP.HCM sẽ không còn hình dạng của cơ chế xin - cho trong quá trình phát triển, mà ngược lại, sẽ đóng góp vào GRDP của thành phố.

Bộ mặt của một đô thị phát triển, văn minh được nhận diện bởi văn hóa. Nhìn xa ra thế giới, có thể thấy nhiều thành phố lớn như: Paris, London... đều có nền văn hóa phát triển mạnh về nhiều mặt như: sân khấu, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh... Hay ngay tại Hàn Quốc, công nghiệp giải trí đã trở thành bộ mặt của một quốc gia, đóng góp không nhỏ vào tổng thu nhập quốc dân hằng năm. 

Một nghiên cứu của Đại học London cho thấy với một đô la đầu tư cho ngành giải trí đã thu về lợi nhuận gấp năm lần. Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết với mỗi 1% tăng trưởng trong xuất khẩu sản phẩm văn hóa, xuất khẩu hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc cũng tăng thêm 0,03%.

TP.HCM hiện có tốc độ phát triển khá nhanh, là đầu tàu kinh tế trong cả nước, nhưng bộ mặt của nghệ thuật vẫn chưa được hoàn chỉnh, còn tồn tại nhiều vấn đề, mặc dù có nhiều lợi thế. Nếu như điện ảnh, âm nhạc có những tín hiệu phát triển nhất định, thì nhiều loại hình sân khấu như: kịch, cải, lương, xiếc vẫn đang trong tình trạng èo uột vì cơ chế xin-cho, hoặc thiếu vốn, thiếu nhân lực với những đơn vị tư nhân, xã hội hóa. Việc phát triển di sản, bảo tàng gắn với du lịch cũng chưa thực sự phát huy tác dụng tối đa. 

Sân khấu xã hội vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực và đầu tư chưa đồng đều
Sân khấu xã hội vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực và đầu tư chưa đồng đều

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ triển khai thực hiện đề án công nghiệp văn hóa, với mục tiêu thúc đẩy các ngành cùng phát triển, đóng góp vào tăng trưởng của thành phố, thoát khỏi cơ chế 
xin - cho trước nay. Có thể xem đây là một tín hiệu tốt.

Hiện, cơ quan quản lý có 35 dự án phát triển cơ sở vật chất cho ngành văn hóa, thể thao với tổng vốn lên đến 15.900 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án về văn hóa, tám dự án bảo tồn di tích, 15 dự án dành cho thể thao. Trong năm 2021 sẽ triển khai hai dự án của ngành văn hóa (xây dựng rạp xiếc TP.HCM, mở rộng giai đoạn hai Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ), và bảy dự án tôn tạo di tích.

Sản phẩm văn hóa của TP.HCM, ngoài di tích, di sản còn có những loại hình thế mạnh và đặc thù, như đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong tương lai sẽ phát triển loại hình này về huyện Củ Chi, vì nơi đây có phong trào mạnh, người dân có nền tảng vững, có trung tâm văn hóa với 500 chỗ ngồi nhưng chưa được khai thác tối đa, là nơi giao thông thuận lợi giữa TP.HCM với các tỉnh như: Tây Ninh, Bình Dương, Long An. Nếu hoạt động này phát triển tốt cũng tạo thêm lối đi cho các nghệ sĩ cải lương.

Huyện Củ Chi cũng tạo điều kiện, hứa cấp đất để xây dựng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2 tại đây. Nhưng sở cho rằng cần khai thác, rồi đánh giá khả năng mới tính tiếp.

Di sản cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển văn hóa của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Nhưng tại TP.HCM, vẫn còn nhiều vấn đề về việc tôn tạo, trùng tu, bảo vệ, công nhận... Trước mắt, mục tiêu sở đặt ra là khôi phục những kiến trúc, hoạt động tại đình làng ở TP.HCM.

Hiện TP.HCM có khoảng 240 đình làng, nhưng chỉ có khoảng 60 đình được công nhận di tích. Trong khi đó, văn hóa đình làng là nét đặc trưng trong văn hóa người Việt, là sự khởi đầu cho TP.HCM trong hiện tại. Ngoài ra, cũng sẽ gắn liền thể thao với văn hóa để thúc đẩy cả hai lĩnh vực này cùng phát triển.

Kết quả sẽ còn ở phía trước, nhưng ít nhất sau một năm quá nhiều khoảng lặng, những sự khởi đầu này nhen nhóm được niềm hy vọng cho ngành văn hóa lẫn thể thao trong tương lai.

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI