Văn hoá thật thì làm gì có cà phê giả?

20/04/2018 - 06:30

PNO - Mấy năm qua Việt Nam vẫn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê. Nhưng tôi không chắc thứ hạng đó có ý nghĩa với tôi lắm, khi chính tách cà phê mỗi ngày của tôi không thể biết là thật hay giả.

Tôi đến Colombia vào năm 2015. Đó là thời điểm ngành cà phê Colombia đang trải qua một cú sốc lớn. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ vùng trồng cà phê tăng cao, sản lượng cà phê Colombia bị sụt giảm nghiêm trọng 10 năm liên tục. Giữa năm 2015, xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt qua Colombia và giữ vị trí thứ 2 trên thế giới, sau Brazil.

Ở Quindio, vùng trồng cà phê lớn nhất Colombia đều bàn tán về câu chuyện một đất nước mới phát triển cây cà phê 30 năm nhưng đã tăng trưởng chóng mặt và vượt qua cả hơn trăm năm cà phê Colombia.

Van hoa that thi lam gi co ca phe gia?
Ở đất nước thực sự có văn hoá cà phê, câu hỏi thật – giả không cần được đặt ra

Tại Bảo tàng cà phê quốc gia Colombia, hướng dẫn viên đều kể cho du khách nghe câu chuyện Việt Nam. Dân Colombia không tự ti, không ghen tị, cũng chẳng vật vã tức tối vì bị 1 nước chỉ 30 năm lịch sử cà phê vượt qua. Họ thừa nhận, ngưỡng mộ, có cả tò mò.

Trong bài đọc của chúng tôi, bài đọc giới thiệu về cà phê Colombia cho học sinh Việt Nam, cô giáo cẩn thận gạch bỏ số liệu năm trước, thay số 2 trong bảng xếp hạng thành số 3 cho Colombia. Nếu cô giáo không làm thế, chính tôi cũng không để ý, khi bản thân không phải là người thích cà phê. 

Thế nhưng ở Colombia, tôi bắt đầu có thói quen uống cà phê mỗi ngày. Tôi thích cảm giác nhìn bình cà phê như nhìn thời gian chầm chậm ở Salento – thị trấn trung tâm Quindio. Đó là một quá trình thưởng thức thật sự.

Trong số 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê (Brazil, Việt Nam, Colombia), chỉ có vùng văn hoá cà phê Quindio là được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Van hoa that thi lam gi co ca phe gia?
Cà phê ở Colombia nói chung và vùng cà phê Quindio nói riêng, còn gần như một tín ngưỡng. 

Cà phê ở Colombia nói chung và vùng cà phê Quindio nói riêng, còn gần như một tín ngưỡng. Một anh chàng vô gia cư có thể không có bánh arepa (một loại bánh nướng truyền thống Colombia) cho no bụng, nhưng anh ta sẽ cố gắng đi xin tiền chỉ để có được một cốc tinto (cà phê đen) mỗi sáng.

Chưa từng bao giờ, tôi phải băn khoăn cà phê ở đây có pha thêm cái gì không. Tôi cũng chưa từng thấy một quảng cáo cà phê nào cần phải nhấn mạnh cà phê thật, chưa từng có chủ quán nào phải giới thiệu cà phê của họ là thật. Bởi vì cà phê đương nhiên phải là thật, đó là văn hoá. Đó là thứ ngấm vào thói quen sống, cung cách thưởng thức, từ người bán đến người mua.  

Ở đất nước thực sự có văn hoá cà phê, câu hỏi thật – giả không cần được đặt ra. Dù là thứ cà phê sang trọng trong một cửa hàng Juan Valdez ở trung tâm thủ đô Bogota, hay nằm sâu trong vùng núi Sierra Nevada cây cần sa nhiều hơn cây cà phê, là cốc cà phê từ một anh nhân viên thành phố bảnh bao pha máy, hay từ một người da đỏ bản địa, tôi đều biết chắc đó là cốc cà phê đích thị từ hạt cà phê ngon không tạp chất.

Mỗi một lần uống cà phê là một nghệ thuật, bởi người bán hàng sẽ tỉ mỉ và cẩn thận vô cùng với mỗi lượt pha. Họ có thể nói về cà phê với sự say mê và trân trọng với mỗi một hạt cà phê.

Van hoa that thi lam gi co ca phe gia?
Ở đất nước thực sự có văn hoá cà phê, câu hỏi thật – giả không cần được đặt ra.

Đôi khi tôi hay hỏi Việt Nam có nên xây dựng một vùng văn hoá cà phê không? Tôi từng đặt câu hỏi đó khi dự một hội thảo cà phê ở Buôn Ma Thuột cho một vài quan chức của ngành cà phê Việt. Họ chần chừ, một người bảo tôi: “Khó, cà phê Việt Nam mới có từng ấy năm”.

Tôi nghĩ sẽ khó giải thích lắm, nếu những người bạn Colombia vùng Quindio, những người từng nắm tay tôi đầy thán phục khi biết tôi đến từ Việt Nam, biết về những tách cà phê không có cà phê, hay cà phê phải nhuộm pin cho đen.

Những tách cà phê biến chất đi khắp cả nước, được dùng hẳn là trong rất nhiều quán xá, ở ngay trong vùng trồng cà phê nhiều nhất của một đất nước xuất – khẩu – cà – phê – thứ - 2 – thế - giới.

Rốt cuộc chúng ta có văn hoá cà phê không, hay chỉ là sự nâng cấp của văn hoá vỉa hè lên thành một quán hàng cho thêm phần lịch thiệp? Rốt cuộc chúng ta có quan tâm tới hạt cà phê không? Hay chỉ là con số xuất khẩu đẹp đẽ trên bảng xếp hạng - một con số đang đi vào bão hoà bởi thị trường cung vượt cầu, với những khoản nợ tiền bán cà phê không biết bao giờ đòi được?

Mấy năm qua chúng ta vẫn đứng thứ 2 thế giới. Nhưng tôi không chắc thứ hạng đó có ý nghĩa với tôi lắm, khi chính tách cà phê mỗi ngày của tôi không thể biết là thật hay giả.

Mai Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI