Văn hóa thăm bệnh giữa đại dịch COVID-19

07/08/2020 - 12:12

PNO - Thống kê lại lịch trình di chuyển của một số bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian qua, mới tá hỏa, cái sự đi thăm người ốm - vốn là phong tục tốt đẹp trong văn hóa ở ta, lại biến thành một điều “nguy hiểm” trong đại dịch.

Trong ứng xử và nếp sống thường ngày, người Việt không chỉ nghĩ đến mình mà còn nghĩ đến người khác, ngoài thân thích họ hàng, còn có làng xóm láng giềng, anh em bằng hữu. Sợi dây ấy liên kết mỗi người trong một khối tình cảm khá chặt chẽ, và lâu dần trở thành trách nhiệm gìn giữ, ràng buộc theo kiểu “có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Cùng với thói quen biếu tặng, thói quen thăm nom khi đau ốm, bệnh tật vẫn được duy trì nhiều đời, bất chấp những đổi thay xã hội và nhận thức ra sao, thậm chí trong đại dịch, khi Nhà nước kêu gọi nhà nhà người người thực hiện giãn cách xã hội. Nói hình ảnh thì đấy là tình nghĩa một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, nhưng nói thẳng thắn thì tục lệ thăm nom ấy phiền hà, mệt mỏi và tốn kém. Đặc biệt trong mùa dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm rất cao. 

Thăm ngườ ốm trong mùa dịch  tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm rất cao (ảnh minh họa)
Thăm người ốm trong mùa dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm rất cao (ảnh minh họa)

Nếu chia đều quanh năm, ngoài chuyện hiếu hỉ, lễ tết hội hè, thì thăm nom ốm đau là phép cộng bất thường nhất có nguy cơ làm một người “thở không ra hơi”, vì phải tất tả thu vén sao cho trọn vẹn. Trong thâm tâm, người Việt vẫn e ngại, cảm thấy áy náy, nếu bị người khác cho rằng mình sống thiếu trước thiếu sau với nhân tình thế thái. Cho nên, thực ra, tâm lý giữ thể diện, giữ cho mình khỏi quở trách, là một động cơ trong hành vi thăm nom đau ốm. Giấu không ít cái tặc lưỡi miễn cưỡng, người ta vẫn không ngừng xuýt xoa, hỏi han, động viên nhau trên giường bệnh.  

Cũng như biếu tặng, thăm nom đau ốm rất dễ bị biến tướng theo lợi ích cá nhân. Thăm nom, dưới lớp vỏ tình cảm sẻ chia, còn là phương tiện để nhắm đến các mục tiêu về công việc, danh vị, chức tước... Những người thích cầu cạnh, nhờ cậy thì còn bất ngờ nhiệt tình thăm nom, săn sóc tận tụy kẻ quyền cao chức trọng hơn mình. Nếu không phân biệt chính tà, khổ chủ rất dễ bị lung lạc, rơi vào mầm hại về sau.

Xa xưa, dưới thời Lý, khi Tô Hiến Thành đau ốm, quan Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ. Nhưng khi được hỏi ai sẽ thay mình làm phụ chính cho vua trẻ, Tô Hiến Thành liền giới thiệu Gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Hỏi cơn cớ vì sao, Tô Hiến Thành đáp: “Nếu bệ hạ hỏi người hầu hạ, tôi xin cử Tán Đường, còn hỏi người giúp nước thì tôi cử Trung Tá”. Chuyện Tô Hiến Thành đau ốm mà vẫn có tầm nhìn viễn kiến, không bị dắt mũi bởi kẻ tỏ lòng săn sóc, thật đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Thời của mạng xã hội, thăm nom đau ốm đôi khi thành việc biểu diễn tình cảm, thậm chí, biểu diễn lòng nhân từ, tử tế. Bằng hữu kéo nhau đến thăm thì thể nào cũng phải có vài bức ảnh để loan báo trên facebook. Rất nhiều văn nghệ sĩ trong lúc thân thể tiều tụy, tinh thần thất sắc đã phải trở thành nhân vật trung tâm trên báo chí, truyền thông.

Giúi một cái phong bì, chụp cận một bức ảnh, trào lưu thăm nom mới phát sinh đó, khiến mạng xã hội có thêm những tình huống bi hài mà người bệnh, kể cả bệnh thập tử nhất sinh, không hề muốn can dự vào. Cùng với việc chen chúc livestream đám tang của người nổi tiếng, những bức ảnh ốm đau bệnh tật chưa chắc làm công chúng mủi lòng hơn, mà ngược lại, có khi vô cảm hơn.

Từ bao giờ, chúng ta trở nên hiếu kỳ trước ốm đau bệnh tật của tha nhân? Có lẽ, chúng ta đã quá chú ý đến sự có mặt của mình, chăm chút cho nghĩa cử của mình mà quên mất những điều đáng lẽ cần tinh tế, văn minh khi chứng kiến cơn hoạn nạn của người khác. Chúng ta, trên thực tế, có đủ độ lùi thời gian và cũng có đủ cách thức để sẻ chia, an ủi mỗi khi ai đó đau ốm. Thế nên, không nhất thiết phải “huy động tổng lực” cho một việc tình cảm đáng ra rất thường tình đó.

Thăm nom nhau khi đau ốm ập đến, xét cho cùng, là để cầu chúc sức khỏe, bình an cho mỗi người. Dầu không phải là phép mầu, việc được ai đó ngồi cạnh cũng sẽ giúp bệnh nhân thêm vững vàng. Tuy thế, điều quý giá sau mỗi lần thăm nom, có lẽ, là khả năng nhận ra quy luật vốn dĩ khó tránh khỏi của vòng đời sinh lão bệnh tử. Và từ đấy, sâu xa hơn, là cố gắng xây dựng một cuộc sống sức khỏe, sự bình tâm và hiểu biết để tránh tối đa những tai ương, hiểm họa không đáng có.

Mai Anh Tuấn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI