Không ai có thể trả lời câu hỏi trên một cách xác quyết.
Trước hết, quan ngại lớn nhất của đại dịch lần này đối với đời sống văn hóa, chính là sự giãn cách giữa các quốc gia làm đứt lìa những chuỗi liên kết thị trường đã được thiết lập và xây dựng đầy khó khăn và mất nhiều thời gian trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Các sản phẩm văn hóa chưa bao giờ được xem là nhu yếu phẩm, sẽ không thể là nhóm ưu tiên thông thương trong quá trình xuất, nhập khẩu giữa các nước. Thị trường sản phẩm văn hóa gần như đóng băng, nhường chỗ cho những thông thương hạn chế nhu yếu phẩm, thiết bị y tế và thuốc men, nguyên phụ liệu đảm bảo sự sinh tồn và sức khỏe kinh tế các quốc gia.
Ngoài ra, một điều quan ngại là cộng đồng hưởng thụ văn hóa đã tự khắc giải tán theo lệnh tạm ngưng các thiết chế văn hóa, từ rạp phim, nhà hát, phòng tranh và sinh hoạt giao lưu sáng tạo. Cũng dễ hiểu, mạng sống con người là trên hết; khi có sức khỏe và sự an toàn, người ta mới cùng nhau thưởng thức nghệ thuật.
|
Rạp phim đóng cửa vì dịch bệnh |
Mặc dù công nghệ thông tin cũng đã giúp mở ra một cánh cửa khác trong sinh hoạt văn hóa, nhưng tất cả đang là những giải pháp thay thế tạm thời, đáp ứng một phần cơn khát đời sống văn hóa của con người hiện đại trong chuỗi ngày dài thực hiện giãn cách xã hội. Dù có thể khuây khỏa với những buổi trình diễn âm nhạc trực tuyến, xem những vở kịch hoặc thưởng ngoạn một bức tranh qua mạng, thì hãy còn quá sớm để nói rằng công nghệ giải trí trên không gian ảo sẽ thay thế hoàn toàn cho những phương thức sinh hoạt cộng đồng văn hóa mang tính trực tiếp.
Chưa nói, đời sống văn hóa cũng đã từ lâu vận hành hài hòa trong mô thức của xã hội công nghiệp. Tác phẩm, ngoài thước đo giá trị tinh thần hay sáng tạo, còn được hiểu là sản phẩm tiêu dùng. Chúng đến tay người thưởng thức - khách hàng - thông qua giao dịch thương mại. Chúng được tạo sinh trong một cỗ máy vận hành với hệ thống các nguyên tắc thị trường. Các bộ phim bom tấn, các đầu sách bán chạy, các triển lãm tranh hay bảo tàng có thu phí, các buổi trình diễn âm nhạc với mức giá vé cao… đều chi phối bởi quy luật thị trường.
Con người trong kỷ nguyên hậu công nghiệp đã xây dựng được tập quán và nhận thức rằng, sản phẩm văn hóa tham gia vào chu trình thương mại để lan tỏa, làm nên sự sống động của sinh hoạt tinh thần xã hội. Nhưng bất ngờ, điều bình thường đó trong thời trời yên gió lặng đã không còn đúng nữa trong ngày bão tố. Vậy thì lúc này, khi rạp phim không khán giả đến, nhà hát tắt đèn, bảo tàng ngưng hoạt động… sẽ dẫn đến hàng triệu kế hoạch sản xuất bị đình lại, hàng triệu dự án phải tạm ngưng dễ đưa đến một hoàn cảnh nguy cơ của “sự nghèo nàn cấp tính” trong sinh hoạt văn hóa.
Mới đây, có thông tin ngành xuất bản - ngành tưởng chừng ít chịu chi phối bởi sự giãn cách xã hội chỉ vì người ta vẫn có thể mua sách đọc khi buộc phải ở nhà - cũng đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Hệ thống nhà sách Barnes & Noble tạm đóng cửa 500 cửa hàng sách, Half Price Books đóng 126 nhà sách…
|
Hệ thống nhà sách Barnes & Noble tạm đóng cửa 500 cửa hàng sách |
Đa số các nhà xuất bản, nhà in, nhà phát hành sách trong nền công nghiệp xuất bản tại các nước phương Tây đã phải cắt giảm nhân sự, nhân viên nghỉ không lương. Dù là thị trường nhỏ, nhưng tình hình các nhà sách và xuất bản tại Việt Nam chắc chắn không khá hơn khi hệ thống bán sách truyền thống (nhà sách, offline) đã gần như ngưng hoạt động, trong khi kênh phát hành online chưa đủ mạnh để thay thế…
Mọi thứ thực sự dừng lại. Tính chất ngưng trệ theo chuỗi cho thấy sự hữu hạn khi toàn bộ sự vận hành đời sống văn hóa mà chúng ta đang hưởng thụ, tham gia hôm nay gắn chặt không rời bởi những quy luật thị trường nghiệt ngã. Từ đây có thể thấy rõ, kinh tế khủng hoảng kéo theo văn hóa khủng hoảng - đó là mối lo có cơ sở.
Nhưng niềm hy vọng, nếu có, thì ở đâu? Điều còn lại, là hãy nhìn vào lịch sử như một bức tranh mang kinh nghiệm phổ quát để nuôi dưỡng niềm tin rằng, qua mỗi đợt đại dịch, cấu trúc xã hội thay đổi, một trật tự mới sẽ được thiết lập, hạn chế những khuyết điểm của “bản thiết kế” cũ.
Và biết đâu vào lúc này, trong những không gian biệt lập, không bị chi phối bởi những đơn đặt hàng nhất thời, những chèo kéo rộn ràng của thị trường đại chúng, các nhà văn vẫn viết, các nhà soạn nhạc vẫn sáng tác, những họa sĩ vẫn vẽ tranh, các nhà làm phim vẫn nuôi dưỡng những dự án phim hay… để chuẩn bị cho một giai đoạn văn hóa nghệ thuật khác. Những dồn nén bất đắc dĩ đó biết đâu sẽ tạo ra sự bùng nổ, bước chuyển mới có tính đột phá trong thời kỳ văn hóa “hậu đại dịch”.
Và chỉ có niềm tin ấy cho chúng ta sự bình thản, lạc quan, biết chờ đợi những gì tốt lành vào tương lai của văn hóa.
Nguyễn Vĩnh Nguyên