PNO - Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay, nhiều sự kiện và chuỗi sự kiện trên toàn quốc đã diễn ra với những cách tiếp cận, góc nhìn mới về nữ giới và bình đẳng giới.
Hội thảo khoa học quốc tế “Từ lịch sử của cái Khác: Nữ giới và các tác giả nữ trong văn học và điện ảnh Việt Nam” được tổ chức tại Trường đại học Thái Bình Dương (Nha Trang, Khánh Hòa) vào 2 ngày 20 - 21/10. Các diễn giả trong và ngoài nước sẽ thảo luận về những đề tài: Có hay không nữ quyền tại châu Á, Đông Á, Đông Nam Á, Việt Nam? Nam tính và sự kiến tạo nam tính trong văn chương - phim ảnh của các tác giả nữ hay Các tác giả nữ gốc Việt ở nước ngoài: di dân, giới tính, hậu thuộc địa và bản sắc…
Đạo diễn Hà Lệ Diễm và mẹ con Má Thị Di trong buổi ra mắt phim Những đứa trẻ trong sương - Nguồn ảnh: Internet
Với chủ đề phong phú ở nhiều lĩnh vực và ngành nghệ thuật khác nhau, hội thảo kỳ vọng chứng minh gender studies (nghiên cứu giới) và lý thuyết feminism (nữ quyền) ngày càng có sức ảnh hưởng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Điều này góp phần cải thiện đáng kể quan điểm từng khá phổ biến ở Việt Nam: bình đẳng giới là “bênh vực phụ nữ”, từ đó hình thành ác cảm đối với nam giới và kết cấu xã hội hiện tại. Với việc chọn khảo sát thông qua các ngành nghệ thuật như âm nhạc, phim ảnh, văn chương, cách truyền tải trở nên gần gũi, thu hút và hấp dẫn hơn cho các đề tài nghiên cứu hàn lâm.
Gần đây ở mảng âm nhạc, những nghệ sĩ gen Z (sinh từ 1995-2012) như tlinh, Phương Mỹ Chi đều có album thể hiện được tính nữ rất riêng và truyền tải được những tư duy mới, không bị đóng khung theo cách phản ứng mang tính công kích nhắm vào nam giới. Với tlinh, album ái đem đến thông điệp về sự trưởng thành thông qua đổ vỡ, từ đó kêu gọi phụ nữ yêu thương bản thân và đừng ngần ngại bày tỏ cảm xúc. Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi tuy không nói rõ về định hướng này, nhưng xâu chuỗi tất cả bài hát thì tính cách và sự hy sinh của phụ nữ từ thời cổ đại, trung đại đến hiện đại đã được tôn vinh.
Đối với điện ảnh, thành công của Hà Lệ Diễm với bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương cũng đã thay đổi định kiến về một ngành nghề tưởng như chỉ dành cho nam giới. Cần mẫn nhiều năm tiếp cận với gia đình nhân vật Má Thị Di, tác phẩm không chỉ khẳng định tài năng của Hà Lệ Diễm mà còn thể hiện chính xác bản chất của các tập tục mang tính truyền thống như cướp vợ. Từ đó, vấn đề nữ quyền gắn với sinh thái (cách nhìn đúng về tập tục của một dân tộc) đã trở thành một trường hợp nghiên cứu khá lý thú cho các phân tích học thuật.
Trong ngành xuất bản, các gương mặt nhà văn nữ, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng được các nhà xuất bản và công ty sách tập trung khai thác trong thời gian qua. Điều này cho thấy sự gắn liền của bình đẳng giới với đề tài di dân, bản sắc. Gần đây, tác phẩm nổi tiếng của những nữ nhà văn gốc Việt như Những kẻ tuyệt vọng (Minh Tran Huy), Nhà tranh (Ly Tran) hay Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm (Le Thi Diem Thuy) cũng đã xuất hiện bằng tiếng Việt.
Không chỉ nữ giới
Bình đẳng giới không chỉ xoay quanh nam nữ bình quyền mà còn là sự bình đẳng cho tất cả giới, bởi xã hội không chỉ có 2 giới mà còn rất nhiều các giới khác thuộc cộng đồng LGBTQ+. Thấu hiểu sự phong phú ấy, chuỗi giao lưu về sách “Người trẻ và giới” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức cũng sẽ đến với nhiều trường đại học, THPT từ tháng Mười này. Chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động như bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa người tham gia với các chuyên gia, xoay quanh vấn đề về giới và nữ quyền.
Tủ sách “Phụ nữ Tùng thư - Giới và phát triển” của NXB Phụ nữ Việt Nam tiếp tục mang đến những tác phẩm đặc sắc trong và ngoài nước về nghiên cứu giới, bình đẳng giới
Cũng trong tháng Mười còn có 2 chủ đề “Khuôn mẫu giới trong văn học, điện ảnh, truyền thông” tại Trường đại học FPT TPHCM và “Chiếu phim Điện ảnh và Nữ giới” tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Các chủ đề như: “Giới - Từ nhị nguyên giới đến đa dạng và cộng đồng LGBTIQ+ ở Việt Nam”, “Tại sao lại tự hào? - Hiểu về hoạt động đấu tranh của cộng đồng LGBTIQ+ trên thế giới và ở Việt Nam”, “Giới trong văn hóa Việt Nam: Thuần phong mỹ tục hay gông kìm?”… sẽ được mổ xẻ, phân tích. Đây là các vấn đề tưởng như đơn giản nhưng để hiểu đúng và đủ lại không dễ. Với tần suất tổ chức 1 sự kiện/tháng và mỗi sự kiện sẽ có nội dung, chủ đề khác nhau, đây hứa hẹn là chương trình dài hơi, đem đến những nhận thức mới và đúng đắn hơn.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: “Qua chương trình, chúng tôi muốn các bạn trẻ nói lên được những trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội để tất cả cùng nhau tìm ra câu trả lời.
Tủ sách Phụ nữ Tùng thư - Giới và phát triển cũng được giới thiệu, nhằm công bố các công trình nghiên cứu, nguồn tư liệu phong phú trong và ngoài nước để bồi đắp kiến thức về giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội”.
Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng có xu hướng muốn được tìm hiểu nội tại của bản thân và thể hiện mình. Chuỗi hoạt động nhân ngày đặc biệt của phái đẹp có thể khơi mở, gợi ý những câu trả lời cho các vấn đề nan giải của xã hội đương đại. Từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, bước đầu khai mở cho một tiến trình lâu dài của “hệ tri thức giới”, “đối thoại giới”, “bình đẳng giới” ở Việt Nam với thế giới trong bối cảnh xuyên văn hóa và toàn cầu hóa.