Văn hóa không đến từ trời với túi tiền lẻ

17/06/2017 - 10:07

PNO - Người truyền cảm hứng, đương nhiên là người khác biệt, thậm chí dị biệt. Nhưng đó là sự khác biệt ưu việt. Không phải sự phô trương kệch cỡm.

Phạm Tuấn Sơn, doanh nhân đang gây náo loạn với hành động đi khinh khí cầu rải tiền giữa thành phố Huế trong lễ ra mắt cuốn sách "Dám làm giàu".

Tôi cố công tìm kiếm cái tên Phạm Tuấn Sơn và cho ra kết quả: Anh sinh năm 1981, sống ở một chung cư. Trải qua nhiều môi trường doanh nghiệp trước khi thành lập công ty Babylons chuyên dạy cách làm giàu.

Van hoa khong den tu troi voi tui tien le
Lượt mưa tiền trên sân vận động Tự Do TP. Huế

Tôi chưa may mắn được đọc cuốn sách dày cộm mang tên "dám làm giàu" nên xin không lạm bàn về sự đúng sai. Chỉ đơn giản rằng một người viết sách, một người hay đứng trên bục giảng như anh Sơn đã chọn sai cách để tiếp thị sách của mình.

Người truyền cảm hứng, đương nhiên là người khác biệt, thậm chí dị biệt. Nhưng đó là sự khác biệt ưu việt. Không phải sự phô trương kệch cỡm.

Cách anh Sơn tiếp thị là hành động thủ công đánh vào lòng tham trực quan sinh động. Không khác mấy đa cấp trá hình. Bởi một doanh nhân có nền tảng, không ai đem thành quả ra hứa hẹn cả. Chưa kể, xuất hiện từ trên trời vung vít tiền bạc, anh đang tự mặc định mình là đấng tối cao.

Van hoa khong den tu troi voi tui tien le
Nhặt tiền trên sân vận động Tự Do sau khi tác giả thực hiện cơn "mưa tiền" từ khinh khí cầu

Một người truyền cảm hứng, là người kể một câu chuyện có thông điệp.

Thành công là một hành trình chứ không phải là điểm đến. Con đường của họ đầy trắc trở thác ghềnh. Sự giàu có của họ đến từ sự khác biệt ý chí và hy sinh vô tận. Không phải từ trời xuống.

Tỷ phú lọt danh sách Forbes Phạm Nhật Vượng trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông, lại chia sẻ về câu chuyện phục vụ khách sạn, rất thực tế. Người truyền cảm hứng là người dạy ý chí và phương pháp, không phải dạy vận may. Chắc anh Sơn biết điều đó.

Ngay cả tỷ phú điên rồ như Sói Già Phố Wall Brendon Bradfort còn nói rằng "Cách dễ dàng nhất để kiếm tiền là tạo ra một thứ gì đó có giá trị mà mọi người đều muốn và đem giá trị đó tới thị trường, tiền sẽ tự động đến với bạn". Đó là sự thực dụng của người làm kinh doanh. Kiến tạo thứ có giá trị, chứ không phải đi khinh khí cầu rải tiền.

Van hoa khong den tu troi voi tui tien le
Phạm Tuấn Sơn "dám làm giàu" và còn hơn thế

Tất nhiên, giữa thời buổi lạm phát sách dạy làm giàu, mỗi người dạy làm giàu "nổ" theo cách của mình để bán được sách. Anh Sơn tạo ấn tượng là quyền của anh. Nhưng một người giàu có trước hết phải là người có văn hóa đầu tiên. Tiền bạc chỉ là vật trang sức không làm nên nhân cách. Nếu sử dụng sai mục đích thì nó chỉ phô bày những sự thiếu thốn khác bên trong mỗi người.

Một tỷ phú từng nói "đừng để người khác nghĩ rằng chúng ta nghèo tới mức không có gì ngoài tiền bạc".

Lại nhớ, những Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg, ông chủ trẻ của Facebook đi vào lịch sử nhân loại không phải tư cách tài phiệt. Họ là những nhà bác ái với thông điệp sống sâu sắc. Họ không hề dạy làm giàu. Họ tạo ra giá trị rồi chia sẻ giá trị đó cho thế giới. Họ không cho thế giới này tiền bạc, họ cho cảm hứng. Và họ đến từ cuộc sống, chứ không đến từ trời với túi tiền lẻ.

Vài điều để anh Sơn thấu hiểu. Nếu học mà làm giàu được thì chúng ta đã không có nhiều ăn mày, vé số. Chúng ta đã không có nợ công ngất ngưởng và chảy máu tài nguyên. Chúng ta đang rất nghèo. Và dẫu chưa giàu có về vật chất, chúng ta cũng đừng tạo cảm giác là mình đang đói kém văn hóa.

Lại nhớ, anh Sơn từng tuyên bố muốn làm người Việt thứ hai bay vào vũ trụ. Nếu anh mong muốn truyền cảm hứng làm giàu ra ngoài trái đất, tôi hy vọng anh sẽ chọn phương pháp có văn hóa hơn!

Nguyễn Tiến Tường
Ảnh: Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI