Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Văn hóa giao thông: Vẫn là thứ xa xỉ?

27/02/2024 - 07:25

PNO - Hình ảnh người phụ nữ say xỉn lao thẳng xe máy vào thanh chắn tàu trên đường Nguyễn Kiệm hồi đầu tháng 2/2024 khiến dư luận hết sức bất bình. Văn hóa giao thông đang là một trong những vấn đề nóng của một bộ phận người Việt.

Người nước ngoài nhìn ta

Bạn tôi, người Anh, lần đầu sang Việt Nam, anh nói rất thích tính tình cởi mở, hiếu khách của người Việt. Anh mê món ăn Việt và “đắm đuối” với danh lam, thắng cảnh của dải đất hình chữ S. Nhưng điều anh đặc biệt không thích ở Việt Nam là văn hóa giao thông của người Việt. Anh thắc mắc vì sao ở Việt Nam người ta có thể bấm còi xe nhiều đến vậy? Đi đến đâu, dù là khu vực quanh bệnh viện hay trường học, bất cứ giờ nào, anh cũng nghe người ta bấm còi xe. Thậm chí ở một số nơi, còi xe inh ỏi suốt cả đêm. Ban đêm, khi đường vắng, tài xế thường phóng rất nhanh. Khi đó không còn đèn giao thông nên khi gần đến ngã tư, thay vì giảm tốc độ thì họ bấm còi để được các phương tiện khác nhường đường.

Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn ngang qua Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM) vào giờ học sinh tan trường - ẢNH: MINH AN
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn ngang qua Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM) vào giờ học sinh tan trường - Ảnh: Minh An

Anh cho tôi xem những đoạn clip ghi lại cảnh trước cổng một số trường học giờ tan trường. Nhiều phụ huynh chen chúc, bấm còi inh ỏi. Có những phụ huynh đứng trước cổng trường bấm còi để gọi con ra cổng. Cảnh đón con sau giờ học ở nhiều trường được anh ghi lại khá lộn xộn, giao thông tắc nghẽn… Hay ở ngã tư, khi tín hiệu đèn đỏ vẫn còn 2-3 giây đã có người mất kiên nhẫn, nhấn còi như xua các xe phía trước chạy cho nhanh.

Điều khiến anh sợ nhất khi ra đường ở Việt Nam là “Người Việt không có thói quen nhường đường cho người đi bộ, dù họ đang đi trên vạch dành cho người đi bộ”. Anh vẫn thảng thốt khi nhắc lại lần suýt bị một chiếc xe máy tông trực diện. Anh đi đúng vạch, nhưng anh thanh niên lái xe máy vẫn không có dấu hiệu giảm tốc độ. May mắn, cuối cùng người lái xe máy lách được, nhưng quay lại nói điều gì đó kèm theo ánh mắt đầy giận dữ. Nghe anh kết luận “Việt Nam tất cả đều tuyệt vời, trừ văn hóa giao thông”, tôi chỉ biết im lặng.

Có lẽ bạn tôi không phải người nước ngoài duy nhất “hoảng sợ”. Đã có không ít người nước ngoài nhắc về văn hóa giao thông Việt Nam trên truyền thông với đầy nỗi e ngại. Trước đây, báo chí từng phản ánh việc một du khách nước ngoài bật khóc ở TPHCM khi đã đứng rất lâu trên vạch dành cho người đi bộ nhưng vẫn không thể qua đường.

Đừng dừng đèn đỏ vì sợ cảnh sát giao thông

Mỗi ngày, khi đạp xe tập thể dục vào buổi sáng sớm, điều tôi lo sợ nhất là gặp đèn đỏ ở các ngã ba, ngã tư.

Đường vắng, xe cộ qua lại không nhiều. Vì thế, nhiều xe chạy rất nhanh, nhất là xe máy. Nhiều lần tôi suýt bị xe đụng khi qua ngã ba, ngã tư, vì các xe máy vượt đèn chạy ào ào với tốc độ chóng mặt. Có lần, tôi dừng đèn đỏ, thanh niên đi xe máy chạy phía sau chạm phải, may là tôi nhảy xuống kịp. Thấy tôi không sao, thanh niên nói: “Có công an đâu mà bác dừng lại, may là cháu thắng kịp”, rồi vọt xe đi mất.

Một lần, dự tiết dạy văn hóa giao thông ở lớp Một, với bài học chủ đề nhắc nhở người thân chấp hành tín hiệu giao thông. Cuối tiết học, cô giáo dặn dò học sinh nhớ nhắc người thân chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Một học sinh phát biểu: “Khi gặp đèn đỏ, con nhắc ba con dừng lại. Ba con nói là đâu có công an đâu mà sợ, chạy nhanh để ba kịp giờ làm”.

Tâm lý không thấy cảnh sát giao thông là cứ vượt đèn đỏ đã in sâu vào nhiều người. Cái tâm lý người ta vượt đèn đỏ thì mình cũng vượt theo cũng là một sự lây lan. Nhiều hôm, gặp đèn đỏ, tôi dừng lại, chỉ cần 1 xe nữa dừng lại như tôi thì tất cả xe chạy sau đều dừng lại rất nghiêm túc. Thế nhưng, nếu có 1 xe không dừng đèn đỏ thì các xe phía sau cũng ào ào vượt đèn đỏ.

Đến bao giờ, mọi người mới ý thức việc dừng đèn đỏ để tránh tai nạn xảy ra cho mình, cho người khác, chứ không phải dừng đèn đỏ vì sợ cảnh sát giao thông phạt.

Lê Phương Trí

Đợi… giàu mới văn minh?

Văn hóa giao thông không tỉ lệ thuận với sự giàu có sung túc, mà là ý thức, là nền tảng văn hóa được hình thành từ gia đình và nhà trường.

Thói quen xấu của một bộ phận người Việt khi lưu thông trên đường khiến cộng đồng ngao ngán. Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn làn… không phải chuyện hiếm. Có những người ăn mặc rất thời trang, tỏ vẻ sành điệu nhưng lại không thấy mình rất “lạc quẻ” khi để “đầu trần” chạy xe trên phố. Hình như nhiều người Việt luôn vội vàng khi lưu thông trên đường, đến mức bỏ qua an toàn của bản thân lẫn người khác. Họ chạy xe lấn làn, leo lên vỉa hè, luồn lách như “lụa” giữa dòng xe cộ.

Gần 30 năm trước, khi còn đi học, thầy giáo dặn chúng tôi đi đường nhớ quan sát đầu người đi xe phía trước, nếu họ quay hoặc nghiêng về phía nào, họ sẽ rẽ về hướng đó. Thầy dặn vậy vì ở thời điểm đó, xe máy nhiều chiếc rất cũ kỹ, hư hỏng đèn xi nhan. 30 năm sau, gần như chẳng còn mấy xe hỏng xi nhan, nhưng không ít người chẳng cần dùng xi nhan. Họ thích là rẽ, cúp đầu cả xe máy lẫn ô tô, bất chấp hành động ấy có thể gây nguy hiểm cho họ và nhiều người khác.

Nhiều người hình như không có thói quen quan sát xung quanh khi lưu thông. Gương chiếu hậu được nhà sản xuất lắp đặt theo tiêu chuẩn, nhằm đảm bảo an toàn, nhưng bị người dùng thay thế hướng đến nhu cầu thẩm mỹ nhiều hơn an toàn. Chiếc gương bé xíu, không thể quan sát phía sau, người lái cứ bật xi nhan là nghiễm nhiên cho mình cái quyền được rẽ, không quan tâm xe đang di chuyển phía sau, bỏ qua nguy cơ tai nạn. Trên đường quốc lộ, dù có riêng làn đường dành cho xe máy, nhưng xe máy vẫn cứ thích lấn làn ô tô, thậm chí còn “đánh võng” giữa 2 làn xe ô tô.

Đáng trách nhất là khi xảy ra va chạm, thay vì quan tâm người bị nạn, một số người dửng dưng bỏ đi; số khác lại “nổi máu anh hùng”, cãi cọ, giành phần thắng thua bằng những lời nói thô tục, thậm chí đánh nhau gây náo loạn đường phố.
Nhiều năm trước, có ý kiến cho rằng, bao giờ kinh tế khá giả hơn, người ta sẽ ứng xử văn minh hơn (!?). Ngày nay, kinh tế phát triển, người Việt đã giàu hơn, đường phố đầy xe hơi xịn nhưng văn hóa giao thông, với nhiều người vẫn là thứ “xa xỉ”.

Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội. Văn hóa giao thông không chỉ là biểu hiện văn minh của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông, mà còn là sự an toàn của bản thân và cả cộng đồng. 

“Đoạn trường” cao tốc, qua rồi mới hay

Ngày càng có nhiều tuyến đường cao tốc được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Mừng vì thời gian di chuyển ngắn hơn, nhưng đi lại trên đường cao tốc cũng có cả sự bực dọc, lo lắng mà chỉ có ai thường xuyên đi mới thấu.

Theo quy định, lái xe chạy chậm trên đường cao tốc sẽ đi làn bên phải. Ở một số tuyến cao tốc cũng có biển nhắc nhở: “Khuyến khích xe đi chậm di chuyển làn bên phải”. Nhưng thực tế, đi bên nào lại là ý thích của tài xế. Chuyện chạy xe song song ở 2 làn đường với tốc độ rùa dưới 70km trên đường cao tốc có tốc độ tối đa 90 - 120km/giờ vẫn thường xuyên diễn ra; mặc kệ dòng xe phía sau ùn ứ.

Một vài tài xế bày tỏ thái độ bực bội bằng cách đánh đèn pha, nhấn còi xe liên tục. Số khác lại chọn giải pháp “cực đoan” là vượt xe phía làn khẩn cấp. Cứ thế, hành vi kém văn hóa này lại kéo theo chuỗi hành vi kém văn hóa khác.

Lái xe trên cao tốc, sự căng thẳng tăng gấp bội khi tài xế luôn phải trong trạng thái đề phòng xe trước có thể đột ngột tách/nhập làn bất cứ lúc nào. Lẽ thường, trên cao tốc, người muốn đổi làn phải quan sát xe phía sau, đảm bảo chỉ đổi làn ở khoảng cách an toàn. Nhưng ở cao tốc Việt Nam, tài xế lái xe phía sau phải hết sức tập trung quan sát, đề phòng xe trước vừa bật xi nhan đã đổi làn, thậm chí đột ngột đổi làn mà không cần xi nhan.

Có một hình ảnh vô cùng xấu xí trên cao tốc: những chiếc xe dừng ở làn khẩn cấp để quý ông tranh thủ đi vệ sinh… tại chỗ. Hành vi vừa kém văn hóa, vừa phản cảm đến mức khó tin đó đang là thực trạng khá phổ biến trên đường cao tốc ở Việt Nam. Tại một dải dừng khẩn cấp trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, gần đây xuất hiện tấm bảng gỗ nhỏ, với dòng chữ được viết bằng sơn đen: “Vui lòng không đi vệ sinh tại đây. Nhà dân cách đây 50m”. Đọc tấm bảng đó, không biết nên khóc hay nên cười!

Hoa  Huyền

Minh Thuận

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI