Thêm một lần nữa Cánh đồng bất tận và tên tuổi nhà văn Đất Mũi được vinh danh quốc tế sau giải thưởng Văn học ASEAN 2008. Đây cũng là điều đáng tự hào của văn chương Việt.
Nhưng nhìn lại, chợt giật mình khi hàng thập niên qua, ngoài Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái… thì văn chương Việt chưa có thêm tên tuổi nhà văn nào “bật sáng” ra thế giới.
Sôi nổi qua truông
Trong nước, thị trường sách văn học vẫn rất sôi động. Ngày càng nhiều tựa sách “bestseller” cùng hàng loạt tên tuổi “hot” xuất hiện. Nhưng đó chỉ là sự sôi nổi theo trào lưu, rất đáng ngại đối với một nền văn chương.
Dòng tản văn, ngôn tình chiếm lĩnh thị phần, kéo theo một đội ngũ trẻ chuyên viết về trải nghiệm, cảm xúc cá nhân. Nhiều nhưng tản mát, ồ ạt nhưng nhạt nhòa. Lực lượng tác giả trẻ đông đảo nhưng khó để gọi họ đúng với danh xưng “nhà văn”.
Nhiều công ty sách, nhà xuất bản cũng đua theo lợi nhuận, tập trung in ấn, quảng bá dòng sách nằm ngoài “văn chương chính thống” này. Trong khi đó, các tác phẩm văn học đúng nghĩa đã hoàn toàn lép vế trên thị trường sách Việt hiện tại.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - phụ trách nội dung của Phanbook - cho biết, đơn vị sẽ chọn in lại những tác phẩm hay trước đây của Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Triều Hải… Khái niệm “trước đây” thực ra chỉ mới cách nay vài ba thập niên. Các nhà văn trưởng thành từ cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần I đã thật sự để lại dấu ấn sâu đậm cho thế hệ mình.
Cuộc thi tìm kiếm những cây bút văn chương này, đến nay, vẫn tiếp tục (hiện đang ở giai đoạn chung khảo cho lần thứ VI), quy tụ đông đảo người trẻ đam mê viết lách ở khắp mọi miền đất nước.
Nhưng có thể thấy, từ Văn học tuổi 20 lần IV, sức lan tỏa của những tác phẩm đoạt giải đã giảm nhiệt hẳn so với trước. Nhiều tác giả được vinh danh trong các kỳ trao giải cũng không có tác phẩm mới, thậm chí mất hút trên văn đàn.
Văn học tuổi 20 vẫn sôi nổi, nhưng càng lúc càng ít hy vọng về một “dấu ấn thế hệ” như các nhà văn đi trước đã làm. Trong khi đó, vài ba cuộc thi truyện ngắn, tiểu thuyết thường niên không đủ sức tạo nên sức sống cho văn chương chính thống.
Trôi nhanh như nước qua truông là diện mạo hiện tại của văn trẻ hiện nay. Những trăn trở về “tác phẩm đỉnh cao” có khi lại trở thành trò cười trên bàn đàm luận. Tự bao giờ, đó đã là điều “xa xôi mơ hồ” trong suy nghĩ của nhiều người.
Thế hệ nhà văn lão thành nhiều người đã “gác kiếm”, nhường sân lại cho người trẻ. Tiếc thay, rất ít cây bút còn cần mẫn, thao thức cày trên cánh đồng văn chương “đơn độc, nhọc nhằn”. Những giọt nước chưa đủ làm nên dòng sông. Tác phẩm của họ chỉ mới dừng lại ở những đốm sáng le lói hy vọng mà chưa đủ sức bứt phá ra khỏi những giới hạn, cả về đề tài lẫn biên giới quốc gia.
Tác phẩm đoạt giải về đâu?
Những năm qua, văn chương Việt bước ra thế giới, quanh đi quẩn lại chỉ có những tên tuổi Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh đã được chuyển ngữ gần 20 thứ tiếng), Nguyễn Nhật Ánh (giải Văn học ASEAN 2010 cho tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), Nguyễn Ngọc Thuần (giải Peter Pan 2008 của Thụy Điển cho tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ), giờ thêm giải thưởng cho Cánh đồng bất tận…
Mang câu hỏi đặt ra với nhà văn Nguyễn Bình Phương, rằng có phải văn chương Việt không đủ sức cạnh tranh với văn chương các nước và nhận lại câu trả lời đầy tâm tư của nhà văn quân đội từng có nhiều tác phẩm được đánh giá cao: Việt Nam còn thiếu một hội đồng dịch thuật và sự đầu tư của Nhà nước để có thể chủ động chuyển ngữ, quảng bá tác phẩm ra nước ngoài.
Hằng năm, các quốc gia như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… luôn dành một khoản kinh phí khá lớn để đầu tư cho việc dịch thuật, quảng bá tác phẩm ra thế giới. Còn tác phẩm Việt rời khỏi ao làng trong những năm qua chủ yếu thông qua quan hệ cá nhân của nhà văn, nhà xuất bản.
Nhà làm phim có thể chủ động gửi tác phẩm tham dự các liên hoan phim quốc tế, nhưng với nhà văn thì điều này không dễ dàng. Nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - cũng là tâm tư chung - thì hoàn thành tác phẩm đã là xong nhiệm vụ của người cầm bút.
Trong khi đó, các tác phẩm được trao giải văn chương trong nước hằng năm lại chẳng biết đã trôi tuột về đâu mà không đủ sức lan tỏa đến người đọc. Giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM/Việt Nam, giải thưởng sách hay của Hội xuất bản, giải Sách hay của Viện IRED và quỹ Phan Châu Trinh… đã được trao cho vô số tác phẩm, để rồi chúng vẫn nằm đâu đó ngoài trí nhớ của độc giả.
Chưa bàn đến tiêu chí chấm giải của từng hội đồng (vốn cũng tồn tại không ít bất cập), chỉ thử đặt vấn đề mang những tựa sách đoạt giải cao ấy tham dự giải thưởng văn chương quốc tế, đã là việc khó.
Sức lan tỏa trong nước không có, thiếu vắng cả những cây bút lý luận phê bình để nâng tầm giá trị tác phẩm, không quảng bá; hoặc thẳng thẳn hơn là tác phẩm chưa thật sự hay để tự thân nổi lên trên văn đàn như Cánh đồng bất tận đã từng (tác phẩm này cũng từng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006). Tất cả những yếu tố đó đều là rào cản cho những “giấc mộng” vượt biên giới của văn chương Việt.
Chập chững “xuất khẩu” văn chương việt
Một trong những tác giả có tác phẩm được chuyển ngữ, phát hành ở nước ngoài nhiều nhất hiện nay có thể kể đến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (trên dưới 20 tựa sách). Ngoài ra còn có các nhà văn Lê Lựu, Hồ Anh Thái, Y Ban, Di Li, Nguyễn Quang Thiều… nhưng chủ yếu vẫn nhờ vào quan hệ cá nhân, bạn bè quen biết của tác giả. Sự chủ động xuất khẩu văn chương Việt đến nay vẫn chưa thuộc về các hội chuyên ngành hay Cục xuất bản, Trung tâm dịch văn học (của Hội Nhà văn Việt Nam).
Năm 2012, Chibooks từng khởi xướng dự án Xuất khẩu văn chương Việt, từng ký hợp đồng với bốn nhà văn: Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên và Dương Bình Nguyên (đại diện cho 20 nhà văn với 100 tác phẩm). Thế nhưng đến nay, dự án đã đi vào ngõ cụt.
Bà Nguyễn Lệ Chi - giám đốc Chibooks - cho biết, đơn vị đã nỗ lực làm catalogue cho từng tác phẩm. Danh mục gồm tên tác giả, nội dung tác phẩm tóm tắt, đánh giá… để chào mời các đơn vị xuất bản nước ngoài tại các kỳ hội chợ sách Frankfurt mà Chibooks tham gia.
“Tuy nhiên, họ yêu cầu được tiếp cận bản dịch tiếng Anh tác phẩm hoàn chỉnh để thẩm định trước, sau đó mới tính đến chuyện có mua bản quyền hay không. Điều này nằm ngoài khả năng của Chibooks. Chúng tôi không đủ kinh phí để chuyển ngữ tất cả tác phẩm” - bà Nguyễn Lệ Chi chia sẻ.
Mong mỏi về một hiệp hội dịch thuật văn học phục vụ cho mục tiêu quảng bá văn học Việt ra thế giới đã có từ nhiều năm nay. Nhưng đến nay, xuất khẩu văn chương Việt vẫn ở giai đoạn chập chững, tự phát. Ngày càng có nhiều nhà văn, tác giả nước ngoài được mời đến Việt Nam giao lưu, quảng bá tác phẩm (kinh phí đơn vị làm sách bỏ ra cho việc này cũng không hể nhỏ). Nhưng ở chiều ngược lại, điều đó rất hiếm.
|
Hoàng Hạc